Ông Trần Minh Hưng (quận Thủ Đức, TP. HCM) cho biết, cuối năm 2015, ông có tìm hiểu mua căn hộ của dự án nhà ở thương mại trên trục đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức và được một ngân hàng cổ phần có vốn nhà nước chấp thuận giải ngân cho vay gói 30.000 tỷ đồng trong vòng 15 năm, với số tiền hơn 800 triệu đồng (cho căn hộ trị giá 1,4 tỷ đồng).
Đến nay, dự án ông Hưng mua sắp hoàn thành. Do ông không phải là khách hàng mua căn hộ ngay từ đầu dự án triển khai nên tiến độ đóng tiền cũng được rút ngắn thời gian, tuy nhiên ngân hàng trên lại tỏ ra muốn giãn tiến độ giải ngân.
Lý do được nhân viên tín dụng ngân hàng này cho hay là, gói 30.000 tỷ đồng tuy đã được gia hạn giải ngân hết số tiền cam kết cho vay đối với ngân hàng, song ngân hàng đang phải cân đối lại nguồn cho vay, do Ngân hàng Nhà nước đang có kế hoạch sửa Thông tư 36/2014/TT-NHNN theo hướng giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống 40%; tăng hệ số rủi ro với tín dụng bất động sản lên 250%.
Cầu về vốn bất động sản của thị trường luôn có và tăng cao, kể cả với cá nhân vay vốn mua nhà. Song nếu sản phẩm chủ đầu tư đưa ra có mức giá cao so với nhu cầu thực và lãi suất nhích lên cũng sẽ tác động đến dư nợ lĩnh vực này.
Chính phủ đã yêu cầu NHNN tiếp tục triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 5%/năm cho đến khi giải ngân hết, thay vì kết thúc vào ngày 1/6/2016 như quy định ban đầu.
Trước đó, NHNN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn cho các khách hàng đã ký hợp đồng gói 30.000 tỷ đồng (nhưng giải ngân sau ngày 1/6/2016) vẫn được hưởng lãi suất ưu đãi 5%/năm trong vòng 1 năm, thay vì chịu lãi suất thương mại.
Mới đây, công văn hỏa tốc của NHNN gửi tới 19 NHTM tham gia cho vay theo gói vốn này yêu cầu dừng ký hợp đồng mới từ ngày 31/3 do gói chính sách này đã tiêu thụ hết.
Theo tính toán sơ bộ của NHNN, đến ngày 10/3/2016, các ngân hàng đã cam kết cho vay 30.122 tỷ đồng. Hiện các tổ chức tín dụng mới giải ngân theo tiến độ 21.321 tỷ đồng (hơn 71% hạn mức được cấp). Với những khách hàng đã được ký hợp đồng, đã cam kết giải ngân, vẫn được giải ngân nốt khi Chính phủ đồng ý cho gia hạn gói vốn này.
Đánh giá đưa ra từ một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, việc tiếp tục giải ngân gói 30.000 tỷ đồng là đúng, nhưng cần xem lại đối tượng “thu nhập nhấp” và cần hướng đến việc xây dựng nhà ở xã hội để cho người thu nhập thấp thuê hơn là hỗ trợ cho mua nhà để tránh việc gói hỗ trợ này không đi vào đúng đối tượng.
Còn đối tượng đã được vay, trong hạn mức được vay, chưa giải ngân hết, cần tiếp tục giải ngân và duy trì mức ưu đãi như ban đầu. Vì trước đây, với lãi suất 5%/năm, khách hàng mới dám vay mua nhà, nếu giờ thay đổi giữa chừng thì sẽ làm khó người dân.
Trong khi đó, TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM chỉ ra bất cập của gói 30.000 tỷ đồng, đó là việc thế chấp hai lần tài sản được hình thành trong tương lai. Cụ thể, khi triển khai dự án, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã thế chấp dự án cho ngân hàng thì không thể để cho người dân thế chấp tiếp vay vốn. Điều này sẽ có rủi ro khi “bong bóng” bất động sản xảy ra.
Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh thì cho rằng, lượng vốn chưa giải ngân của gói vốn 30.000 tỷ đồng còn không nhiều. Cùng với đó, dự thảo sửa đổi Thông tư 36 nâng hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi bất động sản tăng từ 150% lên 250% và giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống 40% sẽ tác động đến tín dụng bất động sản và khó loại trừ lãi suất cho vay tăng lên.
Cầu về vốn bất động sản của thị trường luôn có và tăng cao, kể cả với cá nhân vay vốn mua nhà. Song nếu sản phẩm chủ đầu tư đưa ra có mức giá cao so với nhu cầu thực và lãi suất nhích lên cũng sẽ tác động đến dư nợ lĩnh vực này.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện xong nhiệm vụ là góp phần giải quyết “cục máu đông” của thị trường bất động sản, nên về lâu dài, việc hỗ trợ nhà ở cho người dân cần có sự tham gia của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Vì thế, những người mua nhà còn các khoản vốn cam kết nhưng chưa được giải ngân, cần trao đổi lại với chủ đầu tư, ngân hàng, hoặc có thể cầm hợp đồng sang Ngân hàng Chính sách xã hội để có một khoản vay khác, bù lại cho khoản này, bởi quy định hiện hành đã cho phép điều này.