Nếu chiếu theo quy định tại Thông tư 31/2016/TT-NHNN thì chỉ còn hơn 1 tháng nữa để các ngân hàng kết thúc hoạt động cho vay ngoại tệ. Thế nhưng, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 17/11, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục gia hạn cho vay ngoại tệ năm 2018.
Điều này có nghĩa là chủ trương dừng cho vay bằng ngoại tệ vẫn chưa thể thực hiện được, trong khi đây là một giải pháp căn bản để chấm dứt tình trạng đô la hóa tại Việt Nam.
Trước đó, NHNN đã ra quyết tâm rất lớn khi ban hành Thông tư 31 vào cuối năm 2016, với chủ trương hoạt động huy động và cho vay ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng sẽ phải sớm chuyển sang mua - bán thương mại đơn thuần từ sau ngày 31/12/2017. Đi kèm với điều này là nhiều giải pháp khác như đưa lãi suất huy động ngoại tệ xuống 0%/năm, yêu cầu các ngân hàng chấn chỉnh hoạt động cho vay bằng ngoại tệ (chỉ theo những đối tượng khách hàng được phép)…
Lý giải về quyết định này của NHNN, nhiều chuyên gia cho rằng, “việc gia hạn là khó tránh khỏi”, bởi thực tế chưa cho phép đóng hẳn quan hệ vay mượn bằng ngoại tệ.
Để “cắt nguồn” cho vay thì yêu cầu đầu tiên phải “cắt nguồn” huy động. Lãi suất tiền gửi ngoại tệ thực tế đã được điều chỉnh xuống 0%/năm, nhưng người dân vẫn nắm giữ USD, thay vì bán lấy tiền đồng. Ngân hàng vẫn phải huy động khi người dân tới gửi tiền, thì ngân hàng cũng cần “đầu ra” là các khoản vay bằng ngoại tệ để “tiêu thụ” được số tiền đã huy động.
Chưa kể, khi tâm lý nắm giữ ngoại tệ vẫn còn âm ỉ thì việc hạ lãi suất USD xuống 0%/năm còn tạo tình trạng không ít người cất USD trong két, thay vì đi gửi ngân hàng, không chỉ không an toàn mà còn hao hụt một nguồn lực bằng tiền quan trọng của nền kinh tế.
Hồi giữa năm, trong một số cuộc hội thảo, nhiều chuyên gia thậm chí đã lên tiếng đề xuất tái nâng lãi suất tiền gửi USD lên trên 0%/năm để huy động được lượng USD “cất két” cho nền kinh tế.
Đây là câu chuyện đến thời điểm này vẫn còn tranh cãi, bên cạnh nhóm ý kiến theo hướng “chấp nhận thực tại khách quan” thì cũng có những ý kiến cho rằng cần mạnh tay hơn để chấm dứt tình trạng đô la hóa. Giải pháp bằng biện pháp hành chính là yêu cầu dừng hẳn huy động - cho vay ngoại tệ, chỉ cho phép ngân hàng mua - bán ngoại tệ.
Để ra quyết định như đề xuất, chắc chắn là quyết định khó đối với NHNN, bởi số liệu thống kê cho thấy, huy động cho vay ngoại tệ vẫn chiếm một tỷ trọng không nhỏ trong cơ cấu tín dụng nền kinh tế.
Theo báo cáo tình hình kinh tế - tài chính tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2017 do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa công bố, tính đến hết tháng 10, tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) ước tăng khoảng 13,5% so với cuối năm 2016. Trong đó, tín dụng bằng ngoại tệ tăng cao hơn cùng kỳ năm 2016, với mức tăng 11,5% (cùng kỳ năm 2016, mức tăng chỉ là 4,4%).
Điều này cho thấy, không chỉ về phía người dân, những người có quyền hợp pháp nắm giữ ngoại tệ thì về phía doanh nghiệp, nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ rất lớn. Điều đáng tiếc, sự ổn định tỷ giá hiện tại, dù là thành tựu trong điều hành của NHNN nhưng lại là “môi trường tốt” cho tín dụng ngoại tệ “sinh sôi”.
Lãi suất cho vay ngoại tệ đang rất thấp, theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, chỉ ở mức khoảng 4%/năm, thấp hơn khá nhiều so với vay tiền đồng (khoảng trên 7%/năm, tùy đối tượng vay và kỳ hạn vay). Lãi suất thấp và tỷ giá ổn định (rủi ro tỷ giá giảm) khiến nhiều doanh nghiệp muốn vay bằng ngoại tệ để giảm chi phí. Đây là lý do khiến tín dụng ngoại tệ có mức tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Cung có và cầu cũng có khiến thị trường tiếp tục vận hành và một quyết định “đóng lại” chắc chắn sẽ dẫn đến những tác động khó lường, bởi quy mô cho vay quy tiền đồng lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng.
Việc gia hạn cho vay ngoại tệ là một quyết định an toàn về mặt chính sách, tuy nhiên, vẫn cần những giải pháp cụ thể để thực hiện đúng định hướng của người đứng đầu ngành ngân hàng đã hứa là tiếp tục giảm dần vay ngoại tệ. Một thị trường tiền tệ khỏe mạnh của một quốc gia là thị trường chỉ có đồng tiền bản tệ, chứ không phải song tệ hay đa tệ.