Giá giảm mạnh, doanh nghiệp cao su lao đao

(ĐTCK) Giá cao su thế giới và đặc biệt trong khu vực châu Á đang thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây, dẫn đến giá cao su trong nước sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp sản xuất cao su tự nhiên trong nước lao đao trước tình trạng này.

Ông Bành Mạnh Đức, Phụ trách công bố thông tin CTCP Cao su Hòa Bình (HRC) cho biết, các DN cao su đang gặp rất nhiều bất lợi, giá tiêu thụ mủ cao su tiếp tục sụt giảm mà chưa có dấu hiệu phục hồi. Do vậy, hầu hết DN trong ngành đặt các chỉ tiêu kinh doanh thấp hơn rất nhiều so với năm 2013.

Riêng đối với HRC, trong quý I/2013, lơi nhuận chủ yếu thu về từ hoạt động thanh lý cây cao su, còn lợi nhuận từ tiêu thụ sản phẩm đạt rất thấp. Theo ông Đức, thu nhập từ thanh lý cây cao su trong quý I/2014 đạt 25,6 tỷ đồng và Công ty ghi nhận khoản thu này vào lợi nhuận khác với 25,1 tỷ đồng. Trong khi đó, về hoạt động chính, doanh thu thuần chỉ đạt gần 46 tỷ đồng, tương đương giảm 45,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận gộp chỉ đạt 1,3 tỷ đồng. “Không chỉ giá cao su thấp mà hoạt động tiêu thụ cũng đang rất khó khăn. Trong khi đó, các đại lý tiêu thụ lại đang có xu hướng chờ đợi giá giảm hơn, càng gây khó cho các DN trong ngành”, ông Đức nói.

CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) hiện đang sở hữu vườn cây có diện tích lớn nhất trên thị trường, xấp xỉ 15.000 héc-ta cũng có đánh giá về tình hình kinh doanh trong năm 2014 là rất khó khăn khi các chỉ tiêu đều giảm mạnh so với mức đạt được trong năm 2013. Cũng như mặt bằng chung các DN trong ngành, PHR dự kiến giá bán cao su bình quân năm 2014 là 45 triệu đồng/tấn (giảm 16,34% so với năm 2013) nhưng giá bình quân này vẫn cao hơn nhiều so với mức giá tại thời điểm tháng 4/2014. Công ty cũng đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 211,27 tỷ đồng, giảm 43,14% so với năm 2013.

Ông Nguyễn Thái Bình, Phụ trách công bố thông tin CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) cũng cho biết, giá cao su trong nước đang sụt giảm đáng kể so với thời điểm đầu năm và xu hướng giảm vẫn chưa chấm dứt, giá thành bình quân hiện đang dao động trong khoảng 42 triệu đồng/tấn, trong khi tại thời điểm đầu năm là trên dưới 50 triệu đồng/tấn, điều này gây khó khăn đối với nhiều DN sản xuất cao su tự nhiên trong nước. Thêm vào đó, nhu cầu cao su của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ cao su hàng đầu cũng đang giảm xuống đã ảnh hưởng đến giá cao su chung toàn châu Á, trong đó có Việt Nam. Để đỡ phụ thuộc nhiều vào thị trường này, nhiều DN trong nước đang giảm dần tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc để giảm ảnh hưởng về biến động giá, song sẽ mất nhiều thời gian vì đây vẫn là thị trường “màu mỡ” đối với nhiều DN cao su trong nước. Ngoài ra, để tránh rủi ro giá cao su giảm, trong năm 2013 và 2014, nhiều công ty đã giảm khai thác và tăng cường thu mua ở các tiểu điền, đồng thời giảm lượng hàng tồn kho và đi theo hướng sản xuất tới đâu, tiêu thụ tới đó.

Ngoài việc đối mặt với giá cao su liên tục sụt giảm, một số DN xuất khẩu mủ cao su ly tâm (latex) còn gặp khó khăn hơn khi phải nộp thuế xuất khẩu 3% trên giá bán theo Thông tư 145/2011/TT-BTC. Cụ thể tại TRC, sản lượng tiêu thụ xuất khẩu hiện đang chiếm 38,04% tổng sản lượng tiêu thụ hằng năm, trong đó, xuất khẩu mủ latex chiếm 34,18%. Do vậy, việc phải nộp thuế trên giá bán cũng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của Công ty, trong khi các loại sản phẩm cao su khác không phải nộp thuế xuất khẩu.

Còn theo ông Đức (HRC), quý II, sản lượng tiêu thụ dự kiến vẫn ở mức thấp vì quý III mới là mùa khai thác cao su, các DN trong ngành đang theo dõi chặt chẽ diễn biến giá trên thị trường để có phương án ứng phó hiệu quả.

Cùng với ngành dược, DN ngành cao su được xếp vào ngành “phòng thủ”. Mặc dù vậy, lãnh đạo một số DN trong ngành đang rất lo ngại khi giá cao su vẫn chưa hết đà giảm.        

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục