Giá dầu thô chặn đà hưng phấn của phố Wall

(ĐTCK) Đà tăng điểm ấn tượng, đưa phố Wall lên mức cao nhất năm 2016 cuối tuần qua nhờ hiệu ứng từ Fed đã bị chặn lại trong phiên đầu tuần mới bởi nhóm nguyên vật liệu và năng lượng lao theo giá đồng và giá dầu thô.
Phố Wall giảm điểm phiên đầu tuần do ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu và năng lượng (Ảnh minh họa: AFP) Phố Wall giảm điểm phiên đầu tuần do ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu và năng lượng (Ảnh minh họa: AFP)

Cuối tuần trước, sau bài phát biểu của bà Janet Yellen, Chủ tịch Fed về việc cơ quan này sẽ thận trọng trong kế hoạch tăng lãi suất trong năm nay, trong khi thị trường lao động tích cực, phố Wall đã có 3 phiên tăng liên tiếp cuối tuần, đẩy các chỉ số lên mức cao nhất năm 2016.

Tuy nhiên, bước vào tuần giao dịch mới, khi những dư âm từ Fed đã được phản ánh hết, thị trường trở lại với các tác động thường nhật. Trong phiên đầu tuần mới, giá đồng xuống mức thấp nhất 1 tháng, trong khi giá dầu thô giảm tới hơn 3% đã kéo nhóm cổ phiếu nguyên liệu giảm 1% và nhóm cổ phiếu năng lượng cũng lao dốc theo.

Dù có sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe, chừng chỉ đủ để giúp phố Wall không lao mạnh, chứ không thể giúp chứng khoán Mỹ tránh khỏi phiên giảm đầu tiên sau 3 phiên tăng điểm ấn tượng liên tiếp.

Kết thúc phiên 4/4, chỉ số Dow Jones giảm 55,75 điểm (-0,31%), xuống  17.737,00 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,65 điểm (-0,32%), xuống 2.066,13 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 22,75 điểm (-0,46%), xuống 4.891,79 điểm.

Trong khi phố Wall đảo chiều giảm, thì chứng khoán châu Âu lại ngược lại, đảo chiều tăng điểm trong phiên đầu tuần từ mức thấp nhất 1 tháng nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu tiện ích. Trong khi nhóm cổ phiếu năng lượng, nguyên liệu và đặc biệt là cổ phiếu viễn thông níu chân chứng khoán châu Âu khi cuộc đàm phán về vụ thương vụ M&A giữa 2 tập đoàn viễn thông Orange và Bouygues sụp đổ.

Kết thúc phiên 4/4, chỉ FTSE 100 tại Anh tăng 18,67 điểm (+0,30%), lên 6.164,72 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 27,44 điểm (+0,28%), lên 9.822,08 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Phát tăng 22,98 điểm (+0,53%), lên 4.345,22 điểm.

Chứng khoán châu Á trong phiên đầu tuần dồn sự tập trung vào thị trường Nhật Bản do thị trường Trung Quốc và Hồng Kông nghỉ lễ. Như các phiên trước đó, chứng khoán Nhật Bản chưa thể kết thúc chuỗi giảm điểm của mình khi đồng yên tăng so với đồng USD bất chấp dữ liệu việc làm của Mỹ khả quan được công bố cuối tuần trước. Phiên giảm điểm dù không lớn đầu tuần cũng đã đưa chỉ số Nikkei 225 xuống mức thấp nhất hơn 1 tháng.

Kết thúc phiên 4/4, chỉ số Nikkei 225 giảm 40,89 điểm (-0,26%), xuống 16.123,27  điểm.

Sau những tác động thông tin cuối tuần trước, thị trường vàng bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới không có nhiều thông tin tác động. Tâm lý e ngại rủi ro của nhà đầu tư giảm bớt khiến cho vàng cũng giảm đi ít nhiều vai trò trú ẩn an toàn. Ngoài ra, việc giá dầu thô liên tiếp giảm giá và xuống mức thấp nhất 4 tuần trong phiên đầu tuần mới cũng ảnh hưởng tới các loại hàng hóa nguyên vật liệu khác, trong đó có kim loại quý.

Kết thúc phiên 4/4, giá vàng giao ngay giảm 6,6 USD (-0,54%), xuống 1.215,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 5,2 USD (-0,43%), xuống 1.218,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 4,2 USD (-0,34%), xuống 1.219,3 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục giảm giá trong phiên đầu tuần mới, với mức giảm mạnh hơn rất nhiều so với các phiên trước đó khi giới đầu tư lo ngại về thỏa thuận đóng băng sản lượng trong cuộc gặp giữa các nhà sản xuất lớn vào ngày 17/4 tới đây khó đạt được. Trong phiên đầu tuần mới, giá dầu thô giảm hơn 3%, đóng cửa ở mức thấp nhất 4 tuần.

Kết thúc phiên 4/4, giá dầu thô Mỹ giảm 1,09 USD (-3,05%), xuống 35,70 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,98 USD (-2,60%), xuống 37,69 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục