Phân tầng tác động
Trong 9 tháng đầu năm 2016, việc giá dầu ở mức thấp có ảnh hưởng khá mạnh đến kết quả kinh doanh của ngành dầu khí. Theo đó, giá dầu suy giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò dầu khí, khiến nhiều doanh nghiệp dầu khí đang khai thác sẽ không bù đắp được chi phí dẫn đến thua lỗ, chưa kể, các công ty này khó lòng cân đối được tài chính để tiếp tục đầu tư tìm kiếm, thăm dò. Bên cạnh đó, điều kiện triển khai các dự án dầu khí ở trong nước ngày càng khó khăn khi phải tiến hành tại các vùng sâu và xa bờ.
Dù có chung bối cảnh khó khăn, nhưng diễn biến cổ phiếu của mỗi nhóm công ty trong ngành dầu khí lại có sự phân hóa bởi chịu mức độ ảnh hưởng khác nhau từ việc giá dầu giảm.
Nhóm các công ty bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc giá dầu giảm chủ yếu là doanh nghiệp khoan, dịch vụ khoan, dịch vụ hỗ trợ như: Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam - PTSC (PVS), Tổng công ty Khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PVD), Tổng công ty cổ phần Dung dịch khoan và hóa phẩm dầu khí (PVC).
Cụ thể, 9 tháng năm 2016, doanh thu của PVC chỉ bằng 79% so với cùng thời gian năm 2015. Số lượng giếng khoan PVC phục vụ đã giảm mạnh, ảnh hưởng nhiều đến mảng cung cấp dung dịch khoan cho các công ty dầu khí.
Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam - PTSC (PVS) cũng là đơn vị chịu tác động tiêu cực khi 3 mảng kinh doanh đóng góp 43% doanh thu và 50% lợi nhuận gộp của PVS đang phải chịu trận từ diễn biến xấu của giá dầu thế giới, gồm mảng cho thuê tàu chuyên dụng; mảng vận hành lắp đặt, đấu nối các công trình dầu khí biển (O&M) và mảng khảo sát địa chấn, địa chất và sửa chữa công trình ngầm bằng ROV.
Theo tính toán, nếu giá dầu giảm xuống hơn 30 USD/thùng, lĩnh vực dịch vụ dầu khí sẽ giảm 40 - 45% khối lượng công việc, các dự án dự kiến sẽ triển khai hoặc đang triển khai buộc phải xem xét lại. Chẳng hạn, các giàn khoan của Tổng công ty Khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PVD), tàu dịch vụ PTSC có nguy cơ không có việc làm, lĩnh vực cơ khí dầu khí cũng chịu ảnh hưởng do giảm các các giàn khoan đóng mới…
Với diễn biến giá dầu giảm, nhóm các doanh nghiệp bao gồm Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (GAS); Công ty cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc (PVG); Công ty cổ phần Kinh doanh khí miền Nam (PGS); Công ty cổ phần CNG Việt NAM (CNG); Công ty cổ phần Phân phối khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (PGD) và Tổng công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí – CTCP (DPM) chịu ảnh hưởng một phần, không quá nghiêm trọng.
Các cổ phiếu của doanh nghiệp dầu khí thuộc nhóm ngành khác như dịch vụ, xây lắp, vận tải … không hoặc rất ít bị ảnh hưởng bởi giá dầu thế giới sụt giảm. Cụ thể là PVT của Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí và PXS của Công ty cổ phần Kết cấu kim loại và Lắp máy dầu khí vẫn trong vùng “an toàn”.
Theo Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí Việt Nam – PVTran (PVT), việc giá dầu giảm giúp Tổng công ty giảm chi phí đầu vào, vì vậy, lợi nhuận 9 tháng 2016 đạt 120% so với cũng thời gian năm ngoái. Dự kiến, lợi nhuận hợp nhất năm 2016 của PVT sẽ vượt kế hoạch đề ra.
Khó dự đoán xu hướng giá dầu
Kể từ mức đáy thấp kỉ lục trong nhiều năm qua, giá dầu đã có sự phục hồi đáng kể trở lại trong quý II và quý III năm 2016. Mức giá đóng cửa của giá dầu thô Brent theo từng quý đã tăng từ 33,9 USD/thùng quý I/2016 lên mức 45,8 USD/thùng vào cuối quý III. Diễn biến này cho thấy, giá dầu thô đã tạo đáy và đang trong xu hướng phục hồi, mặc dù mức giá hiện nay còn khá thấp so với trung bình giá của năm 2012 – 2013.
Trong thời gian tới, diễn biến giá dầu sẽ phụ thuộc vào các yếu tố tác động mạnh tới cung hoặc cầu dầu thô trên toàn cầu, ở những khu vực cung cấp hoặc tiêu thụ chiếm tỷ trọng rất lớn đối với loại nguyên liệu này.
Về phía nguồn cung, yếu tố đầu tiên phải kể đến là các thỏa thuận của OPEC, trong đó động thái của Nga và Iran sẽ là những điểm nhấn quan trọng đối với sản lượng cung cấp ra thị trường toàn cầu. Yếu tố này thường sẽ có tác động gần như ngay tức thì tới giá dầu thô. Trong 2 tháng cuối năm 2016, nhà đầu tư trên thế giới sẽ tiếp tục chứng khiến những biến động lớn của giá dầu khi OPEC tiến hành phiên họp vào cuối tháng 11 để đưa ra quyết định về vấn đề sản lượng.
Tiếp đó, nhà đầu tư có dấu hiệu quan sát và phản ứng mạnh với số lượng giàn khoan và thay đổi tồn kho dầu tại Mỹ. Điều này gián tiếp phản ánh xu hướng dòng vốn đầu tư và tương lai của nguồn cung dầu đá phiến, dầu cát.
Về phía nhu cầu, tăng trưởng kinh tế, sản xuất công nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp và PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng) của các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ sẽ là các yếu tố tác động tương đối mạnh. Dù đã có những dự báo về xu hướng, nhưng trong bối cảnh bất ổn, các con số công bố thực tế có thể tác động mạnh tới xu hướng giá dầu.
Cuối tháng 10/2016, Reuters đã cập nhật dự báo giá dầu 2016 - 2020 được tập hợp từ 35 tổ chức tài chính, ngân hàng và dự báo trên thế giới. Theo đó, giá dầu Brent và dầu WTI trung bình năm 2016, 2017 hầu như không đổi so với dự báo được đưa ra trước đây, đạt tương ứng 44,78 USD/thùng; 57,08 USD/thùng và 43,46 USD/thùng; 55,22 USD/thùng.
Giá dầu Brent, WTI năm 2020 dự báo lần lượt đạt mức 71,18 USD/thùng và 68,32 USD/thùng. Chesapeake Energy dự báo sản lượng tăng cao vào năm 2017, 2018, trong khi Goldman Sachs cho rằng, giá dầu có thể rơi xuống 43 USD/thùng vào cuối năm nay do ảnh hưởng bởi những yếu tố vĩ mô, bao gồm cả đồng USD biến động theo quyết định giữ nguyên hay nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ngân hàng Thế giới (World Bank) nâng dự báo giá dầu cho năm 2017 lên 55 USD/thùng sau khi OPEC đạt thỏa thuận hạn chế sản lượng.
Với các dự báo kể trên, có thể thấy, các tổ chức kinh tế tỏ ra dè dặt với triển vọng của giá dầu trong năm tới và loại nguyên liệu thô này nhiều khả năng sẽ tiếp tục có những biến động khó lường. Nếu giá dầu thô vẫn theo xu hướng giảm hoặc duy trì giao dịch ở mức thấp trong thời gian dài sẽ tác động đến hiệu quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp dầu khí trong thời gian tới.