SKG: Chi phí nhiên liệu tăng 76%
Báo cáo tài chính quý III/2018 của Công ty cổ phần (CTCP) Tàu cao tốc (SKG) cho biết, trong quý này, doanh thu thuần của SKG đạt 99,2 tỷ đồng, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Trái ngược với xu hướng sụt giảm của doanh thu, giá vốn lại tăng tới 53%, kéo lợi nhuận gộp giảm 49% so với cùng kỳ, xuống chỉ còn 34,9 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, dù doanh thu của SKG đạt gần 360 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng do giá vốn tăng đến 67,2%, cùng chi phí khác như khi chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều cao hơn, trong khi doanh thu tài chính giảm mạnh, cụ thể là khoản mục lãi tiền gửi ngân hàng, nên lợi nhuận trước thuế sau 9 tháng chỉ đạt 134 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2017.
Là doanh nghiệp chuyên về vận tải hành khách đường biển với 15 tàu cao tốc và 1 phà cao tốc hoạt động trên 5 tuyến Hà Tiên - Phú Quốc, Rạch Giá - Phú Quốc, Rạch Giá - Nam Du, Sóc Trăng - Côn Đảo và Phan Thiết - Phú Quý, nguyên liệu chính để vận hành các phương tiện vận tải là dầu DO chiếm khoảng 50% giá vốn của SKG.
Bởi vậy, không bất ngờ khi việc giá xăng dầu trong nước tăng từ đầu năm đến nay đã tác động mạnh đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Cụ thể, trong cấu trúc giá vốn của SKG 9 tháng đầu năm nay, chi phí nhiên liệu đã tăng đến 76,5% so với cùng kỳ năm 2017, bỏ xa tốc độ tăng trưởng của doanh thu. Kết quả là biên lợi nhuận gộp của SKG giảm mạnh từ 59,9% trong 9 tháng đầu năm 2017 xuống còn 46,2% sau 9 tháng năm nay.
Mặc dù khi giá nhiên liệu đầu vào tăng, các doanh nghiệp vận tải hành khách có thể chuyển chi phí đầu ra cho khách hàng thông qua việc tăng giá vé.
Tuy nhiên, việc này với SKG được đánh giá là không dễ dàng, khi còn phụ thuộc vào chính sách giá vé của các đối thủ hoạt động trên cùng tuyến như Ngọc Thành hay Phú Quốc Express.
Nếu tăng giá dẫn đến chênh lệch giá vé cao, dễ khiến Công ty mất thị phần, khách hàng vào tay các hãng tàu khác.
Trên thị trường, đón nhận tin tức kết quả kinh doanh kém khả quan, thị giá SKG đã liên tục lao dốc, đóng cửa phiên 22/10 tại mức 17.800 đồng/cổ phiếu, giảm gần 30% so với thời điểm đầu tháng 10/2018.
Diễn biến giá xăng trong nước từ đầu năm 2018.
NT2: Tốc độ tăng chi phí nguyên liệu gấp đôi doanh thu
CTCP Nhiệt điện dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) cũng vừa công bố BCTC quý III/2018. Theo đó, mặc dù doanh thu trong kỳ đạt 1.621 tỷ đồng, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2017, nhưng giá vốn hàng bán còn tăng mạnh hơn, lên đến 52,5%, khiến lợi nhuận gộp giảm 18%, xuống còn 132 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu của NT2 tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2017, nhưng lợi nhuận gộp ngược chiều doanh thu và giảm 20,9%, xuống chỉ còn 756,6 tỷ đồng.
Nếu không nhờ chi phí tài chính giảm đến 57% so với 9 tháng đầu năm 2017, chủ yếu do diễn biến tỷ giá thuận lợi giúp giảm khoản lỗ tỷ giá gần 200 tỷ đồng, thì lợi nhuận của NT2 khó tránh khỏi suy giảm.
NT2 hiện đang quản lý và vận hành một trong những nhà máy nhiệt điện khí lớn nhất cả nước, với nguồn nguyên liệu chính là khí tự nhiên và nguyên liệu dự phòng là dầu DO. Giá mua khí của NT2 được neo ở mức 46% MFO (giá dầu FO tại thị trường Singapore) cộng với chi phí vận chuyển.
Trong năm 2017, chi phí nguyên liệu chiếm tới 75,7% chi phí sản xuất - kinh doanh theo yếu tố của NT2 và khoảng 77% giá vốn hàng bán.
Trong 9 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng của chi phí nguyên liệu lên đến 39,5% so với cùng kỳ năm 2017, gần gấp đôi mức tăng trưởng doanh thu. Tỷ trọng chi phí nguyên liệu trên tổng chi phí sản xuất - kinh doanh ở mức 79,4%.
Thực tế, phần lớn sản lượng điện của NT2 bán theo hợp đồng mua bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (báo cáo phân tích tháng 9/2018 của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cập nhập tỷ lệ này chiếm khoảng 85% sản lượng điện thương phẩm của NT2) và đối với sản lượng điện theo hợp đồng mua bán điện, giá khí tăng lên không ảnh hưởng tới lợi nhuận, do giá khí được chuyển hoàn toàn sang giá bán điện theo hợp đồng được ký kết.
Tuy nhiên, với phần sản lượng điện còn lại được bán trên thị trường phát điện cạnh tranh, BVSC đánh giá, giá khí tăng lên sẽ kéo theo chi phí biến đổi của NT2, dẫn tới lợi nhuận gộp giảm, cũng như gặp nhiều khó khăn hơn trong việc cạnh tranh trên thị trường.
Diễn biến giá dầu WTI Crude Oil 1 năm qua
(Nguồn: tradingeconomics).
Áp lực chi phí đầu vào đè nặng
Thông tin từ Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (DPM) cho biết, trong 9 tháng đầu năm nay, do ảnh hưởng của giá dầu tăng, giá khí đầu vào cho sản xuất phân bón của DPM đã tăng khoảng 28% so với cùng kỳ năm 2017 và khoảng 29% so với giá kế hoạch năm 2018.
Cụ thể, giá khí bình quân 9 tháng đầu năm 2017 là 4,94 USD/triệu BTU, giá khí kế hoạch năm 2018 là 4,9 USD/triệu BTU, thực tế giá khí trung bình trong 9 tháng đầu năm 2018 là 6,31 USD/triệu BTU. DPM cho biết, cứ mỗi 1 USD/triệu BTU giá khí tăng thêm là chi phí sản xuất của Công ty nhích lên khoảng 500 tỷ đồng/năm.
Với khí đầu vào chiếm khoảng 60% chi phí sản xuất urea, việc giá khí tăng đang là một trong những rủi ro lớn nhất với DPM trong bối cảnh hoạt động tiêu thụ khó khăn.
Áp lực tăng giá khí đầu vào cũng là câu chuyện đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm tại CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM), nhất là khi 2018 là năm cuối Công ty được nhận ưu đãi về giá khí nguyên liệu đầu vào của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Nếu không có những cam kết của PVN và Chính phủ về giá khí đầu vào, DCM có thể gặp phải những rủi ro lớn do chi phí sản xuất tăng cao bởi giá dầu, khí đang trong xu hướng tăng như hiện nay.
Với các doanh nghiệp trong ngành sản xuất nhựa như Nhựa Bình Minh (BMP), Nhựa Tiền Phong (NTP)..., giá dầu thế giới theo đà leo dốc cũng khiến các doanh nghiệp trong ngành chịu nhiều ảnh hưởng bởi nguyên liệu đầu vào là hạt nhựa được sản xuất từ những chế phẩm của dầu mỏ và khí thiên nhiên.
CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) cho biết, giá nguyên vật liệu chính tăng mạnh đã làm lợi nhuận của doanh nghiệp suy giảm 25,93% trong nửa đầu năm 2018, dù Công ty đã tiến hành điều chỉnh thời gian khấu hao, làm giảm chi phí khấu hao tài sản cố định cho phù hợp với thực tế sử dụng, cùng việc tiết giảm các chi phí khác.
Trong nhóm các doanh nghiệp hàng không, việc tăng giá nhiên liệu đầu vào là mối lo lớn. “Giá nhiên liệu tăng 1% có thể khiến cho lợi nhuận ròng của các hãng hàng không châu Á giảm trung bình 2,6%”, trang Crucial Perspective nhận định.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - HVN), một lãnh đạo Công ty chia sẻ, chi phí xăng dầu bình quân chiếm khoảng 30% tổng chi phí hoạt động của hãng, mỗi USD giá dầu tăng thêm, chi phí của HVN tăng thêm khoảng 230 tỷ đồng một năm.
Đối với CTCP Hàng không Vietjet (VJC), chi phí nhiên liệu cũng đã tăng 57,5% trong nửa đầu năm 2018 và chiếm khoảng 42,5% chi phí sản xuất - kinh doanh (không bao gồm chi phí mua máy bay), trong bối cảnh doanh thu vận tải hành khách nội địa và quốc tế tăng 36,9%.
Báo cáo phân tích về HVN và VJC của một loạt công ty chứng khoán như CTCP Chứng khoán Bản Việt, CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam và CTCP Chứng khoán Bảo Việt thời gian qua đều lưu ý rủi ro giá nhiên liệu đầu vào với hoạt động của 2 doanh nghiệp đầu ngành hàng không Việt Nam hiện nay.
Với việc chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí hoạt động, xu hướng tăng của giá dầu đang đặt ra nhiều thách thức với bài toán quản trị chi phí để duy trì lợi nhuận của các doanh nghiệp hàng không.
Trong đó, các doanh nghiệp có thể lựa chọn chủ động chính sách phòng vệ thông qua các hợp đồng phái sinh giá dầu để giảm tác động do giá dầu tăng, hoặc đẩy chi phí này vào giá vé, hay chấp nhận giảm lợi nhuận để cùng chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.