Giá dầu có ngày giảm mạnh nhất vào thứ Năm (18/3) kể từ mùa hè năm ngoái khiến giá dầu giảm hơn 8% trong tuần này ngay cả khi dịch bệnh giảm mạnh ở Mỹ, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất và là nước tiêu thụ dầu thô lớn nhất.
Giá dầu WTI đang giao dịch quanh ngưỡng 60 USD/thùng và giá dầu Brent đang giao dịch quanh ngưỡng 63,5 USD/thùng.
Một số quốc gia lớn ở châu Âu đã áp dụng biện pháp phong tỏa để ngăn chặn khi các ca nhiễm mới gia tăng trở lại, trong khi các chương trình tiêm chủng chậm lại do lo ngại về tác dụng phụ của vắc xin AstraZeneca đang được phân phối rộng rãi ở châu Âu.
Vivek Dhar, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa năng lượng và khai thác tại Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia cho biết: “Những lo ngại về nhu cầu liên quan đến việc tung ra vắc xin khó khăn ở châu Âu và các khu vực khác trên thế giới, cùng tình hình lây nhiễm đang gia tăng ở Brazil cũng ảnh hưởng nặng nề đến thị trường dầu mỏ".
Đức, Pháp và các quốc gia khác kể từ đó đã thông báo nối lại việc tiêm chủng sau khi các cơ quan quản lý tuyên bố vắc xin AstraZeneca an toàn, nhưng chương trình tạm dừng khiến việc khắc phục tình trạng kháng vắc xin trong một số người dân trở nên khó khăn hơn.
Các trường hợp lây nhiễm Covid-19 đặc biệt là ở Brazil, cũng ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu dầu mỏ và đồng USD mạnh hơn đang gây sức ép lên giá dầu.
Mặt khác, nguồn cung dầu cũng rất dồi dào, trong đó xuất khẩu dầu thô của Ả Rập Xê Út đã có 7 tháng tăng liên tiếp và trong tháng 1 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020, theo trang web của Tổ chức Sáng kiến Dữ liệu vào hôm thứ Năm (18/3).
Các lô hàng từ nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới đã tăng lên 6,582 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 1 từ 6,495 triệu thùng của tháng trước đó.
Tại Mỹ, theo số liệu chính thức được công bố hôm thứ Tư (17/3), tồn kho dầu thô tăng tuần thứ năm liên tiếp.