Mặt khác, việc giảm mạnh nguồn thu ngân sách sẽ có tác động không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Giá xăng dầu giảm mạnh trong thời gian qua và dự báo sẽ còn giảm tiếp. Theo ông, diễn biến này có tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?
Giá xăng dầu trong nước được điều hành chưa đồng bộ với biến động của giá dầu thô trên thị trường thế giới. Điều này đã hạn chế sự lan tỏa những tác động tích cực của việc giảm giá dầu thô trên thị trường thế giới đến nền kinh tế Việt Nam. Nếu giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh linh hoạt hơn thì người tiêu dùng và các DN sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.
Mặt khác, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu dầu thô, việc giá dầu giảm sâu và có xu hướng tiếp tục giảm sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của Việt Nam. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì nếu giá dầu giảm 1 USD/thùng, ngân sách sẽ thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng. Ở thời điểm hiện tại, như tính toán của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Việt Nam có thể mất đi khoảng 2 tỷ USD và với đóng góp từ nguồn xuất khẩu dầu thô vào ngân sách nhà nước khoảng 10% GDP, đây là con số rất lớn. Việc giảm mạnh nguồn thu ngân sách sẽ có tác động không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Vậy, theo ông, đâu là điểm sáng của kinh tế Việt Nam hiện nay?
Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát ở mức thấp của Chính phủ Việt Nam. Những kết quả tích cực này đã được phản ánh thông qua việc hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam được nâng lên một bậc (Fitch nâng từ B+ lên BB- và Moody nâng từ B2 lên B1) và đây là tiền đề để Chính phủ phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu chính phủ ra thị trường vốn quốc tế với mức lãi suất chỉ còn 4,8%/năm, thấp hơn so với mức dự kiến trên 5%/năm và là mức thấp nhất so với hai lần phát hành gần nhất (6,875%/năm cho đợt phát hành năm 2005 và 6,755%/năm vào năm 2010). Đây là mức rất có lợi cho Việt Nam.
Việc phát hành thành công trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế phản ánh sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào tiềm năng phát triển và sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam. Những nỗ lực của Chính phủ trong ổn định kinh tế vĩ mô cũng như cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về tiếp tục tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế là những yếu tố hết sức thuyết phục để các nhà đầu tư quốc tế quyết định đầu tư vào trái phiếu của Chính phủ Việt Nam.
Nợ xấu vẫn là vấn đề lớn của nền kinh tế. Theo ông, Việt Nam cần những giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu?
Nhờ những biện pháp chỉ đạo sát sao của Ngân hàng Nhà nước và những nỗ lực của các ngân hàng, nợ xấu đã được xử lý bước đầu. Tuy nhiên, cũng có thể dễ dàng nhận thấy việc xử lý tài sản đảm bảo vẫn diễn ra khá chậm chạp, chủ yếu là do những quy định phức tạp, rất khó thực thi của pháp luật hiện hành. Mặt khác, năng lực của VAMC còn rất khiêm tốn trong việc xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo theo giá thị trường. Chúng tôi cũng đã khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần phải có những quy định cụ thể, nhằm tạo ra hành lang pháp lý để có thể giải quyết nợ xấu và xử lý tài sản một cách thuận lợi hơn.
Từ kinh nghiệm xử lý nợ xấu của nhiều nước trước đây, nợ xấu cần phải được nhìn nhận dưới góc độ kinh tế và phải giải quyết nợ xấu theo cách tiếp cận này. Tôi cho rằng, Việt Nam phải áp dụng các biện pháp tổng hợp như nâng cao năng lực quản lý của DN; hỗ trợ phục hồi sản xuất - kinh doanh; hỗ trợ về chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN trong việc thúc đẩy thị trường, xử lý hàng tồn kho; nâng cao hiệu quả của các tổ chức tín dụng, các công ty quản lý tài sản; tạo lập thị trường mua bán nợ.
Liên quan đến Thông tư 36 sẽ có hiệu lực vào ngày 1/2 tới, ADB có bình luận gì?
Tôi cho rằng, đây là một phần trong gói giải pháp tổng thể để tái cơ cấu ngành tài chính - ngân hàng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững thị trường vốn. Thực tế cho thấy, các nền kinh tế phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng như Việt Nam thường tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn định. Thông tư 36 đưa ra những điều kiện và giới hạn cấp tín dụng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu, buộc các ngân hàng phải chủ động củng cố năng lực tài chính, giảm tỷ lệ sở hữu chéo, khống chế phát sinh nợ xấu… Đây là những biện pháp quan trọng để tái cơ cấu ngành ngân hàng.