Giá dầu Brent quay trở lại mốc trên 80 USD/thùng vào thứ Sáu (10/11) nhưng đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba tháng vào đầu tuần này. Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út đã đổ lỗi cho các nhà đầu cơ về sự sụt giảm lần này của giá dầu, nhưng một số người lại cho rằng nguồn cung cao hơn chính là nguyên nhân. Một nguyên nhân khác có thể là do Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã cảnh báo rằng lãi suất có thể phải tăng thêm.
Giá dầu Brent đã giảm khoảng 13% trong vòng ba tuần do tín hiệu nhu cầu giảm từ Trung Quốc, Mỹ và châu Âu. Trong khi đó, dòng chảy dầu từ Trung Đông vẫn không bị ảnh hưởng bởi xung đột Israel-Hamas.
Giá dầu giảm trong ba tuần liên tiếp |
Điều này là một sự đảo ngược mạnh mẽ so với cuối tháng 9, khi giá dầu Brent đạt mức 100 USD/thùng và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OEPC) dự kiến lượng tồn kho đã giảm chưa từng có trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu kỷ lục và việc cắt giảm sản lượng của Ả Rập Xê Út. Sự chú ý hiện đã chuyển sang sự suy giảm trong ngành lọc dầu ở Trung Quốc và lãi suất cao một cách dai dẳng ở Mỹ.
“Thị trường tương lai đang xuất hiện tín hiệu quá bán. Mặc dù có thể có một số xu hướng tăng giá trong ngắn hạn đối với giá dầu thô, nhưng mối lo ngại ngày càng tăng về nhu cầu chậm lại có thể đủ để làm giảm sự hưng phấn về một đợt tăng giá đáng kể trong những tuần tới”, các nhà phân tích của RBC cho biết.
Dầu diesel - nhiên liệu quan trọng cung cấp năng lượng cho nền kinh tế - đang trở thành lực cản mới nhất đối với dầu mỏ, khiến giá dầu WTI giảm khoảng 8% trong tuần này. Điều đó phản ánh sự suy yếu ở châu Âu, khi hoạt động kinh tế và công nghiệp sụt giảm ở Đức, Pháp và Tây Ban Nha đã khiến mức tiêu thụ nhiên liệu giảm mạnh hơn.
Norbert Ruecker, nhà phân tích tại Julius Baer & Co. cho biết: “Thị trường dường như đang chuyển trọng tâm từ địa chính trị do nỗi sợ hãi thúc đẩy sang các nguyên tắc cơ bản thực tế đang khó khăn. Nguồn cung dồi dào, tốc độ tăng trưởng sản xuất ngày càng tăng và nhu cầu trì trệ tạo ra nền tảng cơ bản suy yếu trên tổng thể”.