Phố Wall có phiên khởi đầu tháng 10, cũng là phiên đầu tiên của quý IV không thuận lợi khi nhóm cổ phiếu tiêu dùng, tài chính và tiện ích giảm điểm, kéo các chỉ số đóng cửa trong sắc đỏ sau phiên hồi mạnh cuối tuần trước.
Giới đầu tư vẫn lo lắng về tình hình của Deustche Bank và Wells Fargo. Thông tin trước đó về việc ngân hàng của Đức đang đàm phán với giới chức Mỹ để giảm hình phạt trong vụ điều tra về bán chứng khoán thế chấp giúp cổ phiếu Deustche Bank hồi mạnh hơn 6,4% trong phiên cuối tuần trước, nhưng nhanh chóng giảm trở lại khi nỗi lo vẫn treo lơ lửng trên đầu. Trong khi đó, Wells Fargo đang đối mặt với cuộc điều tra hoạt động bán hàng liên quan tới vụ bê bối gian lận vừa bị phanh phui.
Tuy nhiên, đà giảm cũng được hãm bớt nhờ thông tin kinh tế tích cực vừa công bố. Theo đó, Viện quản lý nguồn cung (ISM) vừa công bố, chỉ số ISM trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ đã tăng lên mức 51,5 trong tháng 9, từ mức 49,4 trong tháng 8, vượt qua kỳ vọng của giới phân tích. Mức trên 50 cho thấy, có sự mở rộng trong hoạt động sản xuất. Ngoài ra, chỉ số ISM về đơn đặt hàng cũng tăng mạnh lên mức 55,1 trong tháng 9 từ mức 49,1 từ tháng 8.
Kết thúc phiên 3/10, chỉ số Dow Jones giảm 54,30 điểm (-0,30%), xuống 18.253,85 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 7,07 điểm (-0,33%), xuống 2.161,20 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 11,13 điểm (-0,21%), xuống 5.300,87 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, việc đồng bảng Anh giảm giá đã giúp chứng khoán nước này tăng mạnh hơn 1,2% trong phiên đầu tuần mới, lên mức cao nhất 6 tháng. Chứng khoán Pháp cũng duy trì đà tăng nhờ cổ phiếu nhóm quản lý quỹ sau thông tin sáp nhập, nhưng mức tăng nhẹ do nỗi lo về Deustche Bank vẫn còn đó, khiến giới đầu tư không dám mạo hiểm.
Kết thúc phiên 3/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 84,19 điểm (+1,22%), lên 6.983,52 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 5,30 điểm (+0,12%), lên 4.453,56 điểm. Chứng khoán Đức nghỉ giao dịch.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, ảnh hưởng từ chứng khoán Âu, Mỹ trong phiên cuối tuần trước với kỳ vọng Deustche Bank đã thỏa thuận với nhà chức trách Mỹ giảm số tiền phạt xuống mức thấp, nhóm cổ phiếu tài chính trên thị trường chứng khoán châu Á cũng tăng vọt, đẩy chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông hồi phục mạnh trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới.
Kết thúc phiên 3/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 148,83 điểm (+0,90%), lên 16.598,67 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 287,28 điểm (+1,23%), lên 23.584,43 điểm. Chứng khoán Trung Quốc nghỉ giao dịch.
Dù chứng khoán giảm điểm, nhưng giá vàng cũng không thể đảo chiều tăng giá do dữ liệu kinh tế của Mỹ vừa công bố rất khả quan, khiến đồng USD tăng mạnh, kéo giá vàng tiếp tục giảm trong phiên đầu tuần mới.
Kết thúc phiên 3/10, giá vàng giao ngay giảm 4,7 USD (-0,36%), xuống 1.311,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 6,1 USD (-0,46%), xuống 1.312,7 USD/ounce.
Giá dầu tăng khá mạnh trong phiên đầu tuần mới sau khi Iran kêu gọi các nước sản xuất ngoài OPEC ủng hộ thỏa thuận của tổ chức này để cứu giá dầu. Theo thông tin, Nga đã có cam kết miệng về việc này và đang đợi các nhà sản xuất lớn khác ngoài OPEC cũng đồng ý tham gia thỏa thuận đóng băng sản lượng. Thông tin trên giúp giá dầu thô Brent vượt ngưỡng 50 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Mỹ cũng lên mức cao nhất 3 tháng. Đà tăng này còn mạnh hơn nếu không có sự mạnh lên của đồng USD sau dữ liệu kinh tế khả quan vừa công bố.
Kết thúc phiên 3/10, giá dầu thô Mỹ tăng 0,42 USD/thùng (+0,87%), lên 48,66 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,61 USD (+1,2%), lên 50,81 USD/thùng.