Giá đất Bình Phước “nhảy múa” sau thông tin lập dự án sân bay

0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù việc xây dựng sân bay lưỡng dụng mới chỉ trong quá trình xin chủ trương, nhưng nhiều khu vực tại huyện Hớn Quản đang trở thành “chảo lửa” của cơn sốt đất trong những ngày gần đây.
Giá đất Bình Phước “nhảy múa” sau thông tin lập dự án sân bay

Giá đất không ngừng tăng

Trong những ngày gần đây, khi thông tin tỉnh Bình Phước đề xuất lập dự án sân bay Técníc được công bố, giá các loại đất khu vực này liên tục “nhảy múa”, tạo lên cơn sốt khi chỉ trong vài ngày, một mảnh đất có diện tích hơn 400 m2 được mua đi bán lại, chênh giá lên đến nửa tỷ đồng.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, trên nhiều tuyến đường thuộc các xã An Khương, Tân Lợi và các vùng lân cận của huyện Hớn Quản, những nẻo đường quê vốn yên bình, quanh co qua những vườn điều, rừng cao su xanh bạt ngàn ngày nào, giờ đang trở nên ồn ào bởi dòng người, xe cộ tấp nập từ nhiều nơi đổ về mua đất.

Những quán nước “dã chiến” mọc lên dưới các gốc cây lớn, trở thành trung tâm thông tin thu hút hàng chục người tụ tập trao đổi. Chủ quán vừa bán nước, vừa kiêm luôn môi giới. Nhiều “cò đất” địa phương hoặc từ các khu vực lân cận ngồi chờ sẵn sàng để dẫn mối khi tìm được khách.

Ghé vào một quán nước gần UBND xã An Khương, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước không khí sôi nổi, tiếng chuông điện thoại thi nhau đổ và những thông tin nóng sốt liên quan đến giá đất cũng liên tục được truyền tải. Thậm chí, có những nhóm “cò” đang tranh cãi để chia hoa hồng sau một vụ dẫn mối thành công.

Trong vai người có nhu cầu tìm mua đất, chúng tôi trao đổi với một “cò đất” tên là Cường thì được biết, chỉ trong mấy ngày mà giá đất tại đây đã tăng lên chóng mặt. Một số mảnh đất có diện tích khoảng 500 m2, giá ban đầu chỉ từ 150 - 200 triệu đồng, nhưng sau 2 ngày những mảnh đất ấy đã lên đến 700 - 900 triệu đồng.

Thấy chúng tôi có vẻ chưa tin, người đàn ông này lấy trong túi xách một bản photo sổ đỏ của miếng đất và bấm điện thoại gọi cho chủ đất để chúng tôi trao đổi trực tiếp. Nếu mua, khách phải đặt cọc 500 triệu đồng và công chứng sang tên khoảng 20 ngày.

Tiếp tục tìm hiểu thông tin tại một khu đất đang được máy móc san ủi rầm rộ. Môi giới ở đây cho biết, khu đất này đang được san ủi để phân lô. Một lô đất có giá từ 2,5 - 5 tỷ đồng lúc đầu, thì giờ đã tăng lên 6 tỷ đồng. Nếu khách muốn mua thì phải đặt cọc lên đến 1 tỷ đồng. Nguyên nhân được môi giới giải thích là do những ngày qua họ liên tục bị “bẻ cọc” rất mệt, có lô một ngày “bẻ cọc” đến mười mấy lần.

“Đặt cọc một lô luôn đi. Có khách sáng mua 250 triệu gửi lại đã bán được 290 triệu đồng rồi. Đặt một lô kiếm vài trăm triệu thôi, cơ hội không có nhiều nữa đâu”, môi giới mời chào.

“Cục lửa” sẽ vào tay ai?

Trước cơn sốt nóng trong thời gian qua, câu hỏi được không ít nhà đầu tư đặt ra lúc này là: Có nên đầu tư đất nền ở khu vực sân bay Bình Phước hay không?

Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng địa ốc Copihome cho rằng, nhà đầu tư nên tỉnh táo trước những thông tin chưa rõ ràng. Hiện tại, Bình Phước mới chỉ khảo sát lập quy hoạch để trình xin ý kiến, dự án chưa được duyệt, mà nếu được chấp thuận thì cũng chỉ được đưa vào quy hoạch sau năm 2030.

Hơn nữa, mô hình sân bay lưỡng dụng là để phục vụ kinh tế và quân sự. Nếu đi vào hoạt động thì các hãng hàng không cũng không mặn mà, mật độ dân cư ở đây vẫn thấp. Hạ tầng kết nối khu vực hiện tại cũng chưa đồng bộ, các tuyến kết nối liên vùng chưa nhiều.

“Nhà đầu tư nên có cái nhìn toàn diện hơn để có quyết định chính xác, hạn chế rủi ro. Đồng thời cũng phải cẩn trọng với các thông tin đại loại như dự án đã được chấp thuận, giá đất tăng gấp ba, mua nhanh kẻo hết”, ông Phi nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hậu, CEO Asian Holding cũng cho rằng, một “kịch bản” cơn sốt đất cũng từng diễn ra tại Bình Dương hồi năm 2012, khi tỉnh này có thông tin quy hoạch sân bay. Hay gần đây nhất là cơn sốt tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu), trước thông tin một tập đoàn bất động sản lớn khảo sát vị trí làm dự án. Nhưng ở thời điểm hiện tại, có không ít nhà đầu tư phải “ôm hận” vì có đất nhưng không bán được.

“Trong những cơn sốt kiểu này, người hưởng lợi chính là các nhà đầu tư lướt sóng và đối tượng môi giới. Bởi các nhà đầu tư này đã có kế hoạch từ trước, âm thầm mua đất với giá rẻ rồi dùng nhiều cách để tung tin, thổi giá lên cao ngất ngưởng và ôm khoản tiền lãi kếch xù biến mất. Người mua sau cũng sẽ rất dễ bị chôn vốn, thậm chí là thành con nợ khi không bán lại được”, ông Hậu nói.

Việt Dũng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục