Giá cổ phiếu thấp, ngân hàng ngại niêm yết

(ĐTCK) Mới đây UBCKNN và NHNN đã có động thái “thúc ép”. Song các Ngân hàng vẫn viện lý do để trì hoán niêm yết
Giá cổ phiếu thấp, ngân hàng ngại niêm yết

Nhiều ngân hàng TMCP đã lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu cách đây vài năm, nhưng đến nay vẫn… bỏ lửng. Nguyên nhân được đưa ra là, do thị trường không thuận lợi, niêm yết chỉ  gây thiệt hại cho cổ đông, khi thị giá cổ phiếu giao dịch ở mức thấp.

Vì thế, các ngân hàng muốn chuẩn bị tốt hơn để đợi thị trường thuận lợi sẽ đưa cổ phiếu lên sàn.

Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank - DAB) là một ví dụ điển hình. Năm 2008, DongA Bank đã lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE). Tuy nhiên, khi kế hoạch trên của DongA Bank chưa được thực hiện thì khủng hoảng xảy ra, chứng khoán sụt giảm, khiến DongA Bank đã hoãn kế hoạch niêm yết vô thời hạn. 

Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho rằng, niêm yết là điều kiện cần thiết để minh bạch, song không có nghĩa là ngân hàng sẽ phải niêm yết bằng mọi giá.

“Đáng chú ý là, trước bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay, khi ở nhiều thời điểm, giá cổ phiếu ngân hàng giảm xuống dưới mệnh giá, thì việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán khó thu hút được nhà đầu tư”, ông Bình nói và cho biết thêm, hiện DongA Bank đã là ngân hàng đại chúng, nên mọi thông tin, hoạt động đều được công khai một cách minh bạch qua báo cáo tài chính hàng quý. 

Không chỉ DongA Bank, mà còn một số ngân hàng khác, như Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) hay Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) cũng lên kế hoạch niêm yết từ 2 - 3 năm trước, nhưng đến nay, vẫn chưa có động tĩnh gì. Tại các kỳ đại hội cổ đông thường niên trong những năm qua, HĐQT của các ngân hàng trên đều có tờ trình cổ đông về kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán.

Trong đó, có HDBank, Southern Bank đều có ý định niêm yết trên HOSE cách đây vài năm. Tuy nhiên, đến nay Southern Bank vẫn chưa thể thực hiện kế hoạch này.

Bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT HDBank cho rằng, do những năm qua, thị trường chứng khoán chưa thuận lợi, nên HDBank muốn chờ thêm một thời gian khi chứng khoán hồi phục và tăng trở lại, HDBank sẽ dễ dàng hơn trong việc thực hiện kế hoạch này.

“HDBank cũng muốn hoàn tất các kế hoạch mua bán, sáp nhập trước khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Hiện HDBank đã hoàn tất sáp nhập DaiA Bank và mua lại 100% Công ty Tài chính SGVF và đang trong quá trình đàm phán bán tối đa 30% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài”, bà Tâm nói.

Theo tổng giám đốc một ngân hàng TMCP, nếu không thận trọng, niêm yết có khi mất nhiều hơn được. Trường hợp của Sacombank đã bị thâu tóm qua sàn chứng khoán được xem là bài học cho các ngân hàng.  

Không chỉ với các ngân hàng đã lên kế hoạch, nhưng chưa niêm yết, mà ngay cả ngân hàng đã niêm yết trên sàn chứng khoán, lại xin được hủy vì lý do trên. Điển hình là Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank - NVB) đã xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc rút khỏi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

“Thông thường niêm yết cổ phiếu là để đáp ứng một số mục tiêu như tăng cường vốn, ổn định thanh khoản…, song tất cả những điều này ngân hàng đều không đạt được. Vì vậy, Navibank đã tính đến chuyện rời sàn trong bối cảnh hiện tại”, một vị lãnh đạo Navibank nói. 

Sở dĩ Navibank xin hủy niêm yết là do những năm qua hoạt động của Navibank không mấy thuận lợi trước bối cảnh thị trường khó khăn, các cổ đông lớn thoái vốn và ngân hàng đang nằm trong danh sách tái cơ cấu theo yêu cầu của Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước. 

Trong khi đó, phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2014 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo, các ngân hàng TMCP  đại chúng dứt khoát phải lên sàn chứng khoán, giao dịch công khai minh bạch để hạn chế tình trạng sở hữu chéo.

>>Ngân hàng niêm yết đầu tiên báo lỗ

>>Ngân hàng khó niêm yết vì nợ xấu

 

Thùy Vinh
Thùy Vinh

Tin cùng chuyên mục