Cụ thể, từ mức giá 9.120 đồng/CP (giá đóng cửa phiên 30/10), cổ phiếu POW đã tăng lên mức 11.650 đồng/CP (giá đóng cửa phiên 11/12), tương ứng tăng 27,74%. Đà tăng này được lý giải bởi kỳ vọng của nhà đầu tư về kết quả kinh doanh quý IV của POW có thể sẽ đột biến.
Quý IV/2020, giới đầu tư kỳ vọng POW sẽ ghi nhận lợi nhuận đột biến từ việc được EVN thanh toán 600 tỷ đồng. Theo MBKE, thông tin này đã được xác thực bởi doanh nghiệp. Cho đến nay, Công ty đã nhận đủ số tiền cũng như hoàn thành thủ tục, kết quả này có thể được ghi nhận vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, MBKE đánh giá hoạt động sản xuất vẫn sẽ còn khó khăn. Trong quý IV/2020, kỳ vọng sản lượng điện sẽ đạt 4,5 tỷ kWh (giảm 25% so với cùng kỳ). Điều này chủ yếu là do bảo trì định kỳ tại nhà máy Đakđrinh, Cà Mau 1, 2 và NT2 (đã hoàn thành vào ngày 22/10).
Doanh thu và lợi nhuận trước thuế quý IV/2020 của POW dự kiến lần lượt là 7,4 nghìn tỷ đồng (giảm 20%) và 770 tỷ đồng (tăng 92% so với cùng kỳ năm ngoái). Lưu ý rằng ợi nhuận trước thuế tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước vì quý IV/2019 kết quả thấp do trong quý có khoản trích lập dự phòng cho nợ khó đòi khoảng 400 tỷ đồng.
Về kết thúc quý III, Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (POW) báo lãi ròng trong kỳ đạt 105 tỷ đồng, giảm tới 85% so với quý III/2019. Đây cũng là kết quả khiêm tốn nhất của ông lớn ngành điện kể từ năm 2018 trở lại đây.
Theo giải trình của POW, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm là do Nhà máy điện Cà Mau 1&2 được huy động thấp, phụ tải thấp và do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời, Nhà máy điện Cà Mau 1 bị chênh lệch giá khí nên doanh thu nhiên liệu khí giảm.
Thêm vào đó, Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 cũng bị giảm doanh thu 594 tỷ đồng do sản lượng giảm 332 triệu kWh so cùng kỳ bởi sản lượng điện hợp đồng được phân bổ thấp, trong đó hầu hết vào các ngày phụ tải cao thì Qc đều bằng 0 kWh.
Ngoài ra, Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 thực hiện dừng máy để trung tu trong tháng 9 cũng ảnh hưởng đáng kể đến kết quả hợp nhất của POW.
Trong kỳ, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 15% xuống còn gần 9% do phát sinh chi phí bảo dưỡng định kỳ nhà máy điện Vũng Áng, và tăng trích lập dự phòng gần 68 tỷ đồng đối với các khoản phải thu khó đòi từ tiền điện của EPTC/EVN.