Giá cổ phiếu đã về vùng hấp dẫn cho đầu tư dài hạn

(ĐTCK-online) LTS: TTCK Việt Nam đang cho thấy sự liên thông khá chặt chẽ trở lại với diễn biến các chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới và điều này, khiến xu hướng thị trường ngắn hạn khó dự báo hơn. Theo ông Lê Văn Thanh Long, Trưởng phòng Phát triển kinh doanh CTCK SME, về trung hạn, xét trên quan điểm giá trị, giá cổ phiếu đã ở vùng giá hấp dẫn để đầu tư, còn hiện tại, nếu không có các bất ngờ lớn, trạng thái giao dịch tẻ nhạt vẫn sẽ tiếp diễn…
NĐT có thể mua tích lũy nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, chứng khoán và nguyên liệu cơ bản - Ảnh: Hoài Nam.

Áp lực nguồn cung tiếp tục lớn

Từ đầu năm đến nay, lượng cung cổ phiếu mới được tăng đều đặn và khá nhiều trên cả thị trường niêm yết và OTC. Đây là một trong các lý do quan trọng khiến thị trường tuột dốc.

Đầu tiên là trào lưu phát hành cổ phiếu phát hành thêm và cổ phiếu niêm yết mới của các công ty trực thuộc Tập đoàn Dầu khí, các CTCK và bất động sản. Một số DN niêm yết khác chọn hình thức phát hành trái phiếu chuyển đổi.

Hiện tại, việc phát hành này chưa làm nguồn cung cổ phiếu tăng thêm, nhưng cũng hút một lượng tiền mặt đáng kể ra khỏi thị trường khi nhà đầu tư không thể từ bỏ quyền mua.

Trên thị trường OTC, qua ĐHCĐ của nhiều công ty đại chúng, đặc biệt là khối ngân hàng cổ phần, có thể thấy rằng, sắp tới lượng cung cổ phiếu tiếp tục tăng lên.

Vào nửa cuối năm 2010, các ngân hàng thương mại nhỏ hiện nay như Navibank, Western Bank, Vietbank, Đại Á, Gia Định… sẽ phải nâng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên tối thiểu 3.000 tỷ đồng. Dự kiến một lượng tiền mặt khổng lồ sẽ bị hút về thị trường OTC.

Trong khi đó, dòng tiền trên thị trường niêm yết hiện nay chưa biến chuyển gì đáng kể. Dư âm của đợt giảm giá chứng khoán bắt đầu từ tháng 5 khiến nhiều NĐT đang chọn giải pháp đứng bên lề để chờ đợi xu hướng mới. Điều này khiến thị trường vốn đã trầm lắng từ sau Tết Nguyên Đán, lại ngày càng có thanh khoản sụt giảm.

Tuy nhiên, người viết cho rằng về trung hạn, xét trên quan điểm giá trị hiện nay giá cổ phiếu đã ở vùng giá hấp dẫn để đầu tư. Đặc biệt, khi lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm, các NĐT trung và dài hạn sẽ hành động, xu hướng thị trường sẽ tích cực hơn.

Sự chênh lệch trong cung cầu ngắn hạn đã gây nên một phần tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu hiện tại, chúng ta có thể quan sát thấy điều này qua hiện tượng giảm giá của nhiều cổ phiếu sau khi phát hành thêm hoặc đa số các công ty phát hành thêm hoặc niêm yết mới đều chào sàn ở mức giá khá thấp. Tuy nhiên, về lâu dài, nguồn cung tăng lên mang ý nghĩa tích cực nhiều hơn.

Khi cổ phiếu niêm yết mới thì cũng kéo theo một số nhà đầu tư mới và tài khoản mới xuất hiện. Đồng thời, nguồn cung tăng lên cho phép nhà đầu tư hiện nay có thể chọn lựa được nhiều hàng hóa có chất lượng hơn.

 

Tác động của TTCK thế giới khó dự báo

Các vấn đề hiện nay của thế giới như vấn đề nợ công ở châu Âu, sự phục hồi chậm của nền kinh tế Mỹ cũng như khả năng kiểm soát tăng trưởng ở Trung Quốc có thể tạo ra những quan ngại về khả năng phục hồi hoàn toàn của nền kinh tế thế giới sau khủng hoảng. Các vấn đề này sẽ tiếp tục gây nhiều áp lực lên quyết định đầu tư chứng khoán, vốn là một loại hình đầu tư có yếu tố rủi ro cao nhất. Hiện tại, TTCK thế giới vẫn đang biến động mạnh, mặc dù chính phủ các nước phát triển đang cố gắng hợp tác để giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Sự liên thông giữa TTCK Việt Nam và TTCK quốc tế trở nên rõ nét trong vài tuần gần đây.

TTCK là một tấm gương khổng lồ phản ánh các nhân tố cơ bản của một quốc gia. Hiện nay kinh tế các nước đang ngày càng phụ thuộc lẫn nhau và Việt Nam là quốc gia tăng trưởng chủ yếu dựa trên hai mặt xuất khẩu và đầu tư. Vì vậy, nếu thế giới bước vào cuộc suy thoái kép, đương nhiên, nền kinh tế Việt Nam không thể miễn  nhiễm, đứng ngoài vòng xoáy. Các tác động tâm lý phản ánh tâm trạng này và sự ảnh hưởng cùng chiều của VN-Index với các chỉ số chứng khoán lớn là hợp lý về mặt logic.

Chỉ số DowJones ở giai đoạn điều chỉnh giảm nên sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam. Nếu DowJones rơi dưới ngưỡng cản mạnh 9.800 điểm thì các ảnh hưởng sẽ càng tiêu cực. Một số phiên giao dịch gần đây, chỉ số này đang bật trở lại qua mốc 10.000 điểm trong ngắn hạn để test lại vùng đỉnh trên 11.000 điểm. Bởi vậy, trước mắt các NĐT Việt Nam sẽ có được tâm lý tích cực hơn.

 

Thị trường vẫn trong xu thế đi ngang

Xét trong bối cảnh các yếu tố cơ bản trong nước không có nhiều thay đổi, có thể thấy rằng xu hướng ngắn hạn của TTCK Việt Nam tiếp tục là tích lũy trong vùng giá 480 - 550 được thiết lập từ gần nửa năm nay.

Thị trường sẽ tiếp tục giao dịch trong trạng thái “buồn ngủ” hiện tại, nhưng các chỉ số có thể tăng nhẹ dần cho đến khi có cú hích (khoảng 2- 3 phiên giao dịch mạnh trên 3.000 tỷ đồng/hai sàn mỗi phiên báo hiệu quá trình tích lũy chấm dứt). Lúc  ấy, cùng với việc lãi suất đang hạ và kỳ vọng tình hình tài chính thế giới được cải thiện, dòng tiền sẽ trở lại, thị trường bắt đầu một giai đoạn tăng giá mới mà ở đó, khối cổ phiếu bluechips cùng với một tập hợp pennystock tốt  có thể làm động lực tăng trưởng. Vì vậy, giai đoạn này đang khá hấp dẫn cho các NĐT trung hạn và dài hạn tham gia.

Theo quan điểm của người viết, nhà đầu tư có thể mua tích lũy nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, chứng khoán và ngành nguyên liệu cơ bản như cao su. Với các nhà đầu tư ngắn hạn, hiện tại, do tâm lý thị trường đang rất yếu, nên việc lướt sóng nên cân nhắc. Chỉ nên thực hiện với số cổ phiếu sẵn có, đặc biệt việc sử dụng đòn bẩy tài chính nên hạn chế.

Lê Văn Thanh Long, Trưởng phòng Phát triển kinh doanh CTCK SME
Lê Văn Thanh Long, Trưởng phòng Phát triển kinh doanh CTCK SME

Tin cùng chuyên mục