Gia cố nội lực để vững đà tăng trưởng

(ĐTCK) Các quỹ mở tại Việt Nam đang dần được định hình như một kênh đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh thị trường tài chính ngày càng phát triển và chuyên nghiệp hóa, song cần được tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn chính sách”.

Với ưu điểm về tính thanh khoản, khả năng đa dạng hóa danh mục và quản lý chuyên nghiệp từ các công ty quản lý quỹ, quỹ mở cổ phiếu và trái phiếu đã và đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ cả nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức.

Sự tăng trưởng vượt bậc về số lượng quỹ mở và vốn huy động trong những năm gần đây đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong bức tranh đầu tư tài chính tại Việt Nam, được thể hiện trước hết thông qua việc tăng trưởng số lượng quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ cùng với tăng trưởng tổng tài sản quản lý của các quỹ, đạt khoảng 28,1 tỷ USD tại nửa đầu năm 2024.

Phát triển mạnh mẽ, song các quỹ cũng chịu không ít thách thức, như các biến động trên thị trường trái phiếu. Trong những năm gần đây, thị trường trái phiếu Việt Nam chịu áp lực lớn từ nhiều yếu tố kinh tế và chính sách. Minh bạch thông tin vẫn là thách thức khi nhiều vụ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp không đáp ứng tiêu chuẩn.

Các yếu tố như lạm phát, lãi suất biến động và những quy định pháp lý thay đổi liên tục cũng khiến rủi ro gia tăng, góp phần làm lung lay niềm tin của nhà đầu tư. Điều này đòi hỏi các nhà đầu tư và công ty quản lý quỹ cần có chiến lược dài hạn và khả năng quản trị rủi ro hiệu quả.

Liên quan đến nguồn cung trái phiếu, quy định về mục đích phát hành trái phiếu trước đây tại khoản 2, Điều 5, Nghị định 153/2020/NĐ-CP là “để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư; tăng quy mô vốn hoạt động; cơ cấu lại nguồn vốn của chính doanh nghiệp...”. Tuy nhiên, khoản 2, Điều 1, Nghị định 65/2022/NĐ-CP đã sửa đổi: “Mục đích phát hành trái phiếu là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp...”. Như vậy, việc bỏ mục đích “tăng quy mô vốn hoạt động” đã hạn chế các mục đích sử dụng vốn khác được cấu trúc dưới dạng “tăng quy mô vốn hoạt động”.

Một thách thức lớn khác đến từ quy định về quản lý tài sản đảm bảo, căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được thực hiện các hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật này và được ghi trong giấy phép. Các hoạt động khác chỉ được thực hiện khi Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định nghiệp vụ hướng dẫn đối với từng hoạt động kinh doanh cụ thể.

Những thay đổi chính sách đòi hỏi các nhà đầu tư và công ty quản lý quỹ cần có chiến lược dài hạn và khả năng quản trị rủi ro hiệu quả.

Như vậy, khi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực (1/7/2024), chức năng đại lý quản lý tài sản đảm bảo không còn trong giấy phép của các ngân hàng, tổ chức tín dụng và đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa ban hành quy định nghiệp vụ hướng dẫn. Chức năng quản lý tài sản đảm bảo cho trái phiếu hiện đang trống, trong khi các tổ chức khác trên thị trường không đủ khả năng đảm đương. Ví dụ, đối với tài sản đảm bảo là cổ phiếu thì các công ty chứng khoán có thể đảm nhận vai trò đơn vị quản lý tài sản đảm bảo, nhưng đối với bất động sản và quyền tài sản phát sinh thì chưa có đơn vị nào có đủ chức năng để quản lý.

Bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ PVI (PVI AM) cho biết, bất động sản là ngành có khối lượng phát hành trái phiếu lớn thứ hai, sau ngành ngân hàng. Việc các luật quan trọng đối với ngành bất động sản như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng được ban hành trong năm 2023 - 2024, có hiệu lực trong năm 2024, ngành này đang có những thay đổi cơ bản, đặc biệt là về pháp lý của dự án và huy động vốn cho dự án.

Ví dụ, ngân hàng, tổ chức tín dụng có thể xử lý tài sản đảm bảo là dự án và/hoặc một phần dự án, nhưng với điều kiện pháp lý của dự án phải đầy đủ và hoàn chỉnh. Điều này khiến các ngân hàng, tổ chức tín dụng thận trọng hơn trong việc giải ngân. Với việc mục đích sử dụng vốn trái phiếu được thắt chặt, yêu cầu doanh nghiệp phải minh bạch hơn trong công bố thông tin và cam kết sử dụng vốn đúng mục đích thì ngành bất động sản, vốn chưa xử lý xong các khoản nợ xấu, chậm trả gốc, lãi trái phiếu, dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung còn nhiều chông gai, bởi nguồn cung trái phiếu dự báo tiếp tục hạn chế, trong khi trái phiếu cũ gặp vấn đề về thanh toán gốc, lãi vẫn chưa xử lý xong, phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo thì số lượng doanh nghiệp đủ lớn và uy tín không có nhiều, còn phát hành ra công chúng thì thời gian chuẩn bị kéo dài.

Trong bối cảnh thị trường như vậy, đòi hỏi nỗ lực lớn của các công ty quản lý quỹ, để tìm ra các giải pháp duy trì hiệu suất và hiệu quả đồng vốn được khách hàng tin tưởng giao phó.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục