Thay đổi để thích ứng
Thế giới đang phải đối diện với nhiều thách thức như nền kinh tế toàn cầu bất ổn, xung đột địa chính trị, chuỗi cung ứng đứt gãy, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực... Theo báo cáo Phát triển Bền vững từ kết quả khảo sát dành cho CxO - giám đốc trải nghiệm khách hàng (C-suite) 2023, ba thách thức lớn nhất trong năm nay là triển vọng kinh tế (44%), biến đổi khí hậu (42%) và đổi mới sáng tạo (36%).
Những thách thức lớn sẽ kéo theo thay đổi và áp lực từ các bên hữu quan: Áp lực từ thành viên hội đồng quản trị (HĐQT)/ban điều hành; sự không chắc chắn về quy định từ các cơ quan quản lý/chính phủ; sự thay đổi mô hình hoặc sở thích tiêu dùng của khách hàng; yêu cầu từ các cổ đông và nhà đầu tư; hay áp lực đến ngay từ nhân viên… Theo đó, các doanh nghiệp cần phải có những chiến lược để thích ứng, quản trị những thay đổi và tiếp tục phát triển.
Đơn cử, vấn đề phát triển bền vững và biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh lạm phát, khủng hoảng địa chính trị và khủng hoảng năng lượng, thay vì cắt giảm, khoảng 75% các CxO trên toàn cầu cho biết doanh nghiệp của họ tăng đầu tư vào phát triển bền vững trong năm 2022, gần 20% trong số đó cho biết họ đã tăng đầu tư ở mức đáng kể. Mức đầu tư này để thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu, cũng như chuẩn bị cho một tương lai mà tại đó biến đổi khí hậu dự đoán sẽ tác động lớn/rất lớn đến chiến lược và vận hành của công ty (theo 61% CxO tham gia khảo sát).
Đã có nhiều doanh nghiệp sử dụng nguyên vật liệu bền vững hơn, tăng hiệu suất sử dụng năng lượng, hoặc hơn nữa là bắt đầu phát triển sản phẩm và dịch vụ mới thân thiện với môi trường; hiện đại hóa hoặc di dời các cơ sở hoạt động để tăng khả năng chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu…
Những biến chuyển của nền kinh tế thế giới, ảnh hưởng từ các giằng co địa chính trị tạo nên những hiệu ứng domino, tác động trực tiếp đến thị trường Việt Nam.
Trên bức tranh lớn với xu hướng suy giảm và lạm phát cao toàn cầu, các bạn hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, khu vực Eurozone đều gặp phải những khó khăn, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước bị giáng một đòn mạnh. Trong khi đó, trong nước, các doanh nghiệp cũng đang căng mình giải quyết bài toán chi phí vốn do ảnh hưởng của lãi suất ngân hàng.
Đây là nguyên nhân chính, trực tiếp gây ra sự thay đổi không những riêng giá thành sản phẩm, dịch vụ, mà còn cả sức cạnh tranh, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp khó khăn hơn.
Ngoài ra, người tiêu dùng hiện tại đã có những thay đổi so với thế hệ trước, cụ thể là yêu cầu cao hơn về giá trị đi kèm khi bỏ tiền mua hoặc đầu tư cho một sản phẩm, dịch vụ. Người tiêu dùng cũng sẵn sàng trả mức giá cao hơn nếu doanh nghiệp có đóng góp vào hoạt động bảo vệ môi trường, sử dụng nguồn lực từ thiên nhiên ít nhất có thể, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đầu ra. Theo khảo sát của Deloitte, 73% người tiêu dùng toàn cầu sẵn sàng thay đổi thói quen tiêu dùng để giảm tác động đến môi trường.
Trước đây, các yêu cầu tương tự chỉ mang tính khuyến khích, nhưng rồi dần chuyển dịch sang yêu cầu mặc định. Các nhà đầu tư từ đó cũng phải đánh giá khắt khe hơn nhằm tìm kiếm những công ty có sản phẩm, dịch vụ với giá trị cao, đồng thời đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
Trong giai đoạn thử thách này, doanh nghiệp cần tìm lại và “gia cố” những giá trị cốt lõi để một mặt sẵn sàng đương đầu với các thử thách, mặt khác dễ dàng hòa vào xu hướng phát triển chung của thế giới. Chỉ khi tận dụng được sức mạnh nội tại, yếu tố tiên quyết và quan trọng nhất, doanh nghiệp mới có thể tự quyết định sự thành công của mình.
Trong giai đoạn thị trường tài chính biến động này, thách thức lớn nhất của HĐQT các doanh nghiệp niêm yết là xây dựng một cấu trúc HĐQT vững mạnh nhằm thực thi, triển khai, phát triển văn hóa HĐQT, tuân thủ các quy định, thông lệ tốt nhất về quản trị công ty.
Với câu chuyện về quản lý tài chính và tiếp cận nguồn vốn, doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt và từng bước chuyển sang áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). IFRS mang lại góc nhìn theo thông lệ quốc tế, tăng tính minh bạch, tin cậy của báo cáo tài chính. Trong nhiều trường hợp, IFRS còn phản ánh đầy đủ hơn quy mô, tầm vóc doanh nghiệp, đồng thời mở ra cánh cửa đầu tư quốc tế. Trên góc độ thương hiệu, IFRS còn vượt qua khuôn khổ của tài chính, kế toán, thể hiện sự quyết liệt, kiên định của ban lãnh đạo nhằm hiện thực hóa kế hoạch chuyển đổi của doanh nghiệp, hướng tới các thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến thách thức lớn nhất của nhân loại ngày hôm nay, đó là biến đổi khí hậu. Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam thiệt hại khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do các tác động của khí hậu. Các mô hình cho thấy, tổng chi phí kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra có thể lên tới 523 tỷ USD vào năm 2050.
“Chìa khóa” trong tay HĐQT
Những vấn đề nêu trên đặt ra những câu hỏi cụ thể về chiến lược, cách thức quản trị công ty, văn hóa HĐQT để hợp nhất định hướng phát triển của doanh nghiệp với tiến trình không thể quay ngược của thế giới: Phát triển bền vững.
Để thực hành quản trị doanh nghiệp tốt tại Việt Nam, doanh nghiệp cần được lãnh đạo và định hướng rõ ràng bởi đội ngũ thành viên HĐQT. Là cơ quan quyền lực cao nhất có trách nhiệm thực thi các quyết định của cổ đông, HĐQT nắm giữ “chìa khóa” để doanh nghiệp áp dụng, thực hiện, đánh giá hệ thống quản trị tốt, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Trong giai đoạn thị trường tài chính biến động này, thách thức lớn nhất của HĐQT các doanh nghiệp niêm yết là xây dựng một cấu trúc HĐQT vững mạnh nhằm thực thi, triển khai, phát triển văn hóa HĐQT, tuân thủ các quy định, thông lệ tốt nhất về quản trị công ty.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn mới thực hành các quy tắc, nguyên tắc quản trị công ty tốt nhất. Một trong những lý do dẫn đến thực trạng này liên quan đến cách thức hoạt động của doanh nghiệp trước đây hay hiện tại vẫn còn phụ thuộc chủ yếu vào một cá nhân. Phương thức hoạt động này được biết tới qua khái niệm doanh nghiệp một người hay doanh nghiệp một ông chủ, tác động mạnh đến sức ảnh hưởng và vai trò của HĐQT.
Để thực hiện tốt vai trò của mình, HĐQT cần xây dựng văn hóa HĐQT đồng nhất, bao gồm các quy chế, quy trình các thành viên HĐQT tương tác với nhau và cùng nhau tương tác với Tổng giám đốc và ban điều hành. Khi xây dựng được khung văn hóa rõ ràng, HĐQT sẽ dễ dàng thực hiện các nghị quyết chiến lược của đại hội đồng cổ đông đã đề ra, cũng như thực thi các nhiệm vụ hoạch định và giám sát hiệu quả chiến lược. Tóm gọn một cách sơ lược, văn hóa HĐQT là khung định danh thành viên HĐQT: Họ là ai, hành động vì lợi ích của công ty chứ không vì cổ đông mà họ đại diện.