Giả chữ ký Tổng giám đốc, Kế toán trưởng đi tù

(ĐTCK) Không có động cơ trục lợi, nhưng việc thực hiện theo "lệnh miếng" để rút tiền có thể mang đến những hậu quả rất nặng nề.

Ngày 5/9/2012, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên phạt Đoàn Thị Thảo - nguyên Kế toán trưởng CTCP Beecom Việt Nam, 6 năm tù giam. Nguyên nhân là do Thảo ký giả chữ ký vào séc của Công ty để rút tiền. Theo luật sư bào chữa, Thảo không có động cơ vụ lợi, vì Thảo làm theo ủy quyền miệng của chủ tài khoản và tiền được rút về dùng để chi trả cho các hoạt động của Công ty.

Ký thay theo ủy quyền miệng

Sự việc bắt đầu vào tháng 5/2010, khi ông Nguyễn Khắc Hợp là Tổng giám đốc CTCP Beecom Việt Nam (sau đây gọi tắt là Công ty Beecom) gửi đơn đến cơ quan công an phản ánh tờ séc AB 641004 ngày 21/9/2009 của Công ty bị ký giả chữ ký chủ tài khoản và tố cáo Đoàn Thị Thảo là Kế toán trưởng Công ty cấu kết với Hà Văn Tĩnh là Phó tổng giám đốc chiếm đoạt 1,8 tỷ đồng.

Thực hiện công việc ngoài chức năng, chỉ được giao việc miệng, nhân viên kế toán trẻ phải vướng vòng lao lý

Kết quả điều tra cho thấy, Thảo được Công ty Beecom bổ nhiệm làm kế toán trưởng theo Quyết định số 09 ngày 29/4/2008 của Tổng giám đốc và được giao nhiệm vụ Kế toán trưởng kiêm thủ quỹ, giữ con dấu, lập séc, lập sổ sách chứng từ và theo dõi công nợ. Công ty Beecom mở tài khoản tại Agribank - Chi nhánh Mỹ Đình, đăng ký chữ ký ông Hợp là chủ tài khoản, ông Tĩnh là người được ủy quyền và Thảo là Kế toán trưởng.

Từ ngày 3/9/2009 đến ngày 23/10/2009, Thảo đã ký giả chữ ký chủ tài khoản và người được ủy quyền vào 7 tờ séc, trong đó 2 tờ ký giả chữ ký ông Hợp không giống mẫu nên Thảo không dùng giao dịch mà để lại Công ty, 5 tờ séc còn lại Thảo mang đến ngân hàng rút tổng cộng 271,2 triệu đồng. Trong 5 tờ séc đó, có 3 tờ séc có chữ ký chủ tài khoản tổng số tiền là 160 triệu đồng, 2 tờ séc có chữ ký người được ủy quyền Hà Văn Tĩnh tổng số tiền là 111,2 triệu đồng.

Tại Tòa, trong phần xét hỏi, Thảo thừa nhận chữ ký của ông Hợp và ông Tĩnh trên 5 tờ séc nêu trên là do Thảo ký, nhưng được ông Hợp và ông Tĩnh ủy quyền cho ký thay. Thảo khai, theo quy định của Công ty, hoạt động tài chính do ông Hợp quản lý điều hành. Thực tế, Công ty phát sinh hoạt động thu - chi hàng ngày, nhưng ông Hợp không thường xuyên có mặt tại Công ty, nên để thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, Thảo chủ động thu - chi rồi báo cáo ông Hợp. Ông Hợp giao cho Thảo ký thay nhiều giấy tờ của Công ty như: tờ khai thuế, báo cáo tài chính, ủy nhiệm chi, séc, nhưng chỉ giao miệng, không có văn bản. Trước khi ký thay vào séc, Thảo đều gọi điện xin ý kiến ông Hợp rồi mới thực hiện, số tiền rút được Thảo không chiếm đoạt, mà chi trả cho khách hàng và chi cho hoạt động Công ty.

Hai khách hàng của Công ty Beecom có mặt tại tòa thừa nhận, Thảo có trả tiền. Còn số tiền 53,3 triệu đồng không có chứng từ chi nên Thảo phải chịu trách nhiệm bồi thường cho Công ty.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc Nguyễn Khắc Hợp phủ nhận việc Thảo gọi điện xin phép ký thay vào 5 tờ séc, cũng không thấy Thảo báo cáo lãnh đạo Công ty về việc rút và chi số tiền 271,2 triệu đồng. Ông Hợp cũng không thừa nhận việc giao cho Thảo ký thay vào một số hồ sơ, chứng từ của Công ty. Ngược lại, ông Hà Văn Tĩnh thừa nhận, có đồng ý cho Thảo ký thay ông Tĩnh vào séc để rút tiền về chi trả cho khách hàng, với điều kiện Thảo phải báo cáo ông Hợp. Ông Tĩnh cũng thừa nhận có việc mua hàng của đối tác và chỉ đạo Thảo thanh toán tiền.

Tại toà, Thảo nhiều lần khai không làm séc giả, vì đó là séc thật do ngân hàng phát hành. Thảo không tự ý ký giả chữ ký, mà làm theo chỉ đạo của Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc Công ty. Số tiền rút từ ngân hàng về, Thảo dùng để chi trả cho khách hàng và chi một số khoản mua sắm của Công ty. Sở dĩ có việc ký thay là do chủ tài khoản thường không có mặt ở Công ty nên giao cho Thảo ký thay để thuận tiện cho hoạt động thu - chi. Tại thời điểm xảy ra sự việc, Thảo đang vừa học vừa làm và không biết việc ký thay đó là không được phép, mà chỉ nghĩ là làm theo lệnh của lãnh đạo Công ty.

Luật sư Phạm Văn Bốn, người bào chữa cho bị cáo cho rằng, Thảo sử dụng séc thật do ngân hàng phát hành, chứ không phải là séc giả, cho nên không thể truy tố tội danh “Làm và lưu hành séc giả”. Theo luật sư Bốn, Thảo chỉ giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn, tức là phạm vào “Tội giả mạo trong công tác”, quy định tại Điều 284, Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, tội này quy định phải có sự vụ lợi, nhưng trong trường hợp này, Thảo không có động cơ vụ lợi, nên luật sư Bốn đề nghị Tòa án tuyên bố Thảo không phạm tội.

 

Bị phạt 6 năm tù

Theo cáo trạng, tài liệu điều tra cho thấy, hoạt động tài chính của Công ty Beecom không tuân thủ theo quy định của Luật Kế toán, quản lý Công ty lỏng lẻo mang tính chất gia đình. Thảo vừa được giao làm Kế toán trưởng, đồng thời làm thủ quỹ, giữ dấu, quản lý séc…, nên khi thất thoát tiền không có tài liệu nào của Công ty mang tính pháp lý để kết luận Thảo ký giả vào 5 tờ séc để chiếm đoạt tiền. Do đó, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội đã đề nghị truy tố Thảo về tội “Làm và lưu hành séc giả” (thay vì đề nghị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như trước đó) và đề nghị mức án 8 - 9 năm tù giam.

Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử xét Thảo thừa nhận hành vi ký giả để rút tiền ngân hàng, nhưng phạm tội lần đầu và không ý thức được hành vi phạm pháp, nên tuyên mức án 6 năm tù giam.

 

Bài học cho nhiều người

Vụ án này có thể không gây chú ý, bởi số tiền không lớn, song để lại bài học cho rất nhiều người. Trên thực tế, việc các cá nhân làm việc cho tổ chức, cơ quan có hành xử theo “lệ” hoặc theo “chỉ đạo” không hiếm. Khi “cơm lành canh ngọt” thì không sao, nhưng khi xảy ra mâu thuẫn, thì những cá nhân này có nguy cơ phải chịu trách nhiệm dân sự (bồi thường số tiền rất lớn), thậm chí chịu trách nhiệm hình sự (bị phạt tù).

Tại phiên tòa nêu trên, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội nhấn mạnh, Thảo đã đủ tuổi thành niên, được đào tạo ngành nghề kế toán, được giao nhiệm vụ Kế toán trưởng trong Công ty Beecom, nên Thảo buộc phải hiểu biết những gì được phép làm và những gì không được phép làm.

Luật sư Trần Minh Hải cho rằng, không thể viện cớ cho nhanh, thuận tiện trong hoạt động kinh doanh để ký giả chữ ký của chủ tài khoản. Luật pháp cho phép có trường hợp được ký thay, chẳng hạn đồng cấp, tổng giám đốc và phó tổng giám đốc thì có thể ký thay, cách nhau một cấp thì thừa lệnh, nếu là nhân viên bình thường thì thừa ủy quyền. Nhưng trong hoạt động ngân hàng, ngân hàng quy định tài khoản phải đăng ký 2 chữ ký của chủ tài khoản và kế toán trưởng, để ràng buộc người quyết chi thì không được quyền chi và người được quyền chi thì không được quyết chi. Quy định trong lĩnh vực ngân hàng không cho phép việc ký thay. Do đó, việc ký giả chữ ký chủ tài khoản là không thể chấp nhận và pháp luật buộc các cá nhân tham gia giao dịch phải biết điều này.

Thực tế, tại nhiều DN, các cán bộ trẻ hay gặp phải rủi ro pháp lý tương tự như trường hợp nêu trên, nhất là khi chịu sức ép công ăn việc làm. Không thiếu trường hợp họ thực hiện công việc ngoài chức năng, nhiệm vụ mà chỉ được giao miệng, để rồi sau đó phải chịu trách nhiệm hình sự, thậm chí có cán bộ ngân hàng phải chịu trách nhiệm về hồ sơ tín dụng ký cả chục năm trước đó.

Hoàng Duy
Hoàng Duy

Tin cùng chuyên mục