Cùng với thị trường chứng khoán Mỹ, Bitcoin và hầu hết các loại tài sản kỹ thuật số đều chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch ngày hôm nay do rủi ro địa chính trị trên thế giới tiếp tục leo thang.
Chỉ số Tham lam và Sợ hãi (Fear and Greed Index) lao dốc xuống còn 33 điểm, vùng tâm lý sợ hãi, dấu hiệu cho thấy tâm lý của nhà đầu tư lại tiếp tục lo sợ.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm gần 97 điểm, tương đương 0,29%, và đóng cửa ở 33.795 điểm dù phần lớn thời gian trong phiên giữ ở sắc xanh. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite thậm chí còn giảm sâu hơn khi mất lần lượt 0,53% và 1,56%.
Nguyên nhân khiến giới đầu tư chưa thể bình tĩnh là do ở vòng đàm phán thứ hai diễn ra vào ngày 3/3 tại Belarus, phái đoàn Ukraine và Nga vẫn chưa thể đạt được một thỏa thuận ngừng bắn, thay vào đó chỉ là một điều khoản chung về hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường cũng như vận chuyển thuốc men, thực phẩm tới những nơi giao tranh ác liệt nhất.
Trong một cuộc họp báo trực tuyến trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố bất cứ thỏa thuận nào cũng cần bao gồm điều khoản Ukraine phải "phi quân sự hóa".
Trong cuộc họp báo cùng ngày 3/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề nghị tổ chức đàm phán trực tiếp với người đồng cấp Nga Putin và khẳng định đây là cách duy nhất ngăn xung đột hai bên.
Sau 8 ngày giao tranh, lực lượng Nga đã kiểm soát được thành phố lớn Kherson ở miền Nam Ukraine và đang bao vây, pháo kích một loạt đô thị, trong đó có thủ đô Kiev và Kharkov, thành phố lớn thứ hai của nước này.
Về ảnh hưởng kinh tế, ngân hàng lớn nhất của Nga - Sberbank cho biết các công ty con ở châu Âu của họ đã trải qua "dòng tiền bất thường" và bày tỏ lo ngại về sự an toàn của nhân viên và tài sản của ngân hàng.
Tính đến phiên giao dịch ngày 2/3 tại London, cổ phiếu của Sberbank đã giảm 94,24% xuống còn 0.01 USD. Ngân hàng này đã mất 99,9% giá trị kể từ đầu năm nay.
Các biện pháp trừng phạt bổ sung của Mỹ dự kiến chống lại nhiều nhà tài phiệt Nga và gia đình của họ. Mỹ dự kiến sẽ tung ra thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với danh sách mở rộng các nhà tài phiệt Nga và gia đình của họ thông qua việc thu giữ các tài sản như biệt thự, du thuyền, máy bay riêng,...
Còn Ukraine đã nhận được quyên góp với con số gần 50 triệu USD thông qua Bitcoin, Ethereum, DOT,... Để có thể quyên góp nhanh chóng và đạt được con số lớn như vậy là nhờ vào tính năng "phi chính phủ", "phi biên giới" của thị trường tiền điện tử.
Để đáp lại tấm lòng của các nhà hảo tâm, Chính phủ Ukraine dự định sẽ mở airdrop cho những ai đã ủng hộ tiền điện tử. Tuy nhiên, đến phút chót, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Số Ukraine - Mykhailo Fedorov, thông báo hủy bỏ chương trình airdrop, thay vào đó là sẽ tạo ra các NFT để ủng hộ những người lính tham gia chiến trường.
Ngoài ra, ông còn cho biết: “Ukraine không có bất kỳ kế hoạch phát hành token nào”.
Pha "quay xe" của chính quyền Ukraine đã khiến nhiều người cảm thấy thất vọng, bởi kể từ lúc xác nhận sẽ airdrop vào chiều ngày 02/03, lượng tiền điện tử gửi đến các địa chỉ ví của Ukraine đã tăng đột biến, cán mốc hơn 33,7 triệu USD.
Ngay từ những ngày đầu năm 2022, giới đầu tư đã được chứng kiến sức mạnh phi thường của tiền điện tử nhờ sự kiện quyên góp số tiền lớn và nhanh chóng thông qua thị trường này.
Xung đột căng thẳng khiến nhiều người dân hai nước Nga và Ukraine nhận ra Bitcoin và tiền điện tử là tài sản họ nên nắm giữ và dễ dàng mang theo khi di tản hoặc ra khỏi biên giới quốc gia.
Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vẫn cho rằng các đợt tăng lãi suất sắp diễn ra. Đồng thời, ông cũng thừa nhận khó khăn to lớn mà cuộc xâm lược Ukraine của Nga đang gây ra. Chủ tịch Powell cho biết, khả năng tăng lãi suất sẽ bắt đầu từ 0.25%, mặc dù ông nói rằng ông sẽ sẵn sàng cho các động thái tích cực hơn nếu lạm phát trở nên tồi tệ hơn. Trong năm nay, Fed sẽ tăng lãi suất nhiều lần nhưng họ cũng cân nhắc kỹ trước những ảnh hưởng của xung đột giữa Ukraine và Nga.
Về ngắn hạn, Fed tăng lãi suất có thể ảnh hưởng đến Bitcoin vì thị trường đang ngày càng suy yếu vì Fed không bơm thêm thanh khoản kể từ tháng này. Nhưng xu hướng của Bitcoin trong dài hạn vẫn là xu hướng tăng. Đợt tăng lãi suất gần nhất của Fed từ 2016-2017 đã cho thấy điều này.
Giới đầu tư cũng không bất ngờ trước việc Fed tăng lãi suất bởi điều này đã được nói đến trước đó nhiều lần và tăng lãi suất cũng là công cụ quen thuộc của Fed để kiểm soát lạm phát.
Một thông tin tích cực đến với thị trường tiền điện tử, tại sự kiện "Plan B", giới lãnh đạo của thành phố Lugano, Thụy Sỹ cho biết đã hợp tác với công ty phát hành stablecoin Tether để biến Bitcoin và Tether (USDT) trở thành phương tiện thanh toán hợp pháp. Ngoài ra, thành phố sẽ còn phát hành một đồng tiền mã hóa riêng có tên là LVGA Points Token (LVGA).
Như vậy, Bitcoin và USDT có thể sẽ được người dân nước này sử dụng để đóng thuế, không những thế chính quyền thành phố Lugano còn khuyến khích người dân và các doanh nghiệp tại đây tích hợp thanh toán tiền điện tử vào các giao dịch thường ngày, từ mua bán hàng hóa, dịch vụ cho đến đóng học phí...
Lugano và Tether cũng đã cam kết thực hiện một số sáng kiến khác, bao gồm việc tạo ra một trung tâm công ty blockchain và quỹ cho các startup. Ngoài ra, Lugano có kế hoạch sử dụng năng lượng xanh để khai thác Bitcoin.
Thị trường lao dốc trong phiên giao dịch ngày 4/3. Nguồn: Coin360. |
Cùng với Bitcoin, cả 10/10 đồng tiền điện tử đứng đầu giảm giá trong phiên giao dịch ngày hôm nay: Ethereum giảm 6,71% còn 2.756 USD; Binance Coin giảm 3,51% còn 393,39 USD; XRP giảm 3,94% còn 0,733 USD; LUNA giảm 1,01% còn 91,81 USD; Cardano giảm 5,61% còn 0,87 USD; Solana giảm 7,08% còn 92,02 USD; Avanlache giảm 5,19% còn 77,61 USD; Polkadot giảm 5,26% còn 17,34 USD; DOGE giảm 5,05% còn 0,125 USD.
Dữ liệu từ TradingView cho thấy, hầu như khoản lợi nhuận từ đồng Ethereum (ETH) tạo ra trong phiên ngày 2/3 đã bị xóa sạch trong phiên giao dịch ngày hôm nay, sau khi giá giảm từ 3.044 USD xuống 2.756 USD; bốc hơi khoảng 8,5%.
Những sự thay đổi liên tục đối với nền kinh tế toàn cầu và sự không chắc chắn về tương lai đang là gánh nặng đè lên vai những loại tài sản mang tính rủi ro như tiền điện tử.
Tuy nhiên, nhìn vào những diễn biến về giá của ETH trong những tuần gần đây, giới chuyên gia phân tích nhận định đang có dấu hiệu đảo chiều xu hướng đối với đồng tiền điện tử dẫn dắt các altcoin.
Theo đó, biểu đồ kỹ thuật của ETH đang có một thiết lập tuyệt với mô hình hai đáy, dấu hiệu đảo chiều thường xuất hiện ở cuối xu hướng giảm và chuẩn bị biến 1 xu hướng giảm thành xu hướng tăng.
Đồng quan điểm, chuyên gia White Walker nói rằng ông muốn nhìn thấy một cây nến đỏ kéo giá ETH xuống vùng 2.600 USD trước khi giá quay đầu. Walker khẳng định nếu giá của đồng ETH có thể đóng cửa ở trên 3.200 USD sẽ làm đồ thị kỹ thuật của đồng tiền này đẹp hơn. Để làm được điều đó, ETH cần phải giữ mức giá ở trên 2.830 USD.
Tổng giá trị vốn hóa thị trường tiền ảo đạt khoảng 1.851 tỷ USD, giảm 117 tỷ USD so với ngày 2/3.