Tính đến thời điểm sáng ngày 20/7, thị trường tiền ảo có 5/100 mã tăng điểm, còn lại 95 đồng tiền ảo khác giảm giá. Đồng tiền đứng đầu thị trường về giá trị vốn hóa Bitcoin giảm 2,99%, được niêm yết với giá 30.647 USD/BTC.
Bitcoin tiếp tục chuỗi ngày sụt giảm, xuyên thủng mốc hỗ trợ cứng 31.000 USD, gây ra bầu không khí hoảng loạn trong giới đầu tư, khích hoạt hàng loạt lệnh bán tháo với nhiều đồng tiền điện tử lớn trên thị trường.
Sự sụt giảm của thị trường tiền điện tử - Bitcoin song hành cùng thị trường chứng khoán Mỹ, đã phản ánh phần nào tâm lý của giới đầu tư đang lo ngại về tình hình chung của thị trường tài chính cũng như dịch bệnh Covid-19 đang có nguy cơ bùng phát trở lại.
Cùng với đó, việc nhiều quốc gia thắt chặt các quy định về đồng tiền điện tử ổn định (stablecoin) tạo ra nhiều áp lực đến Bitcoin. Lần đầu tiên trong nhiều tuần qua, đồng Tether (USDT), đồng tiền "xương sống" dùng cho hầu hết các giao dịch trên thị trường tiền điện tử đã không được tạo mới để có thể lưu thông trên thị trường.
Theo các chuyên gia phân tích, một phần của việc hạn chế nguồn cung là do khối lượng giao dịch trên thị trường suy giảm, nhưng quan trọng hơn đó là do tác động đến từ các chính sách thắt chặt quản lý đến từ chính phủ nhiều quốc gia.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) mới đây công bố sách trắng về đồng Nhân dân tệ số (e-CNY), ghi nhận các giao dịch với tổng giá trị lên đến 34,5 tỷ Nhân dân tệ (5,34 tỷ USD) tính tới cuối tháng 6/2021.
Theo sách trắng, PBOC về cơ bản đã hoàn tất việc nghiên cứu và phát triển về thiết kế và tính năng của đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số. Trong thời gian tới, PBOC sẽ “mở rộng hơn nữa phạm vi và các kịch bản của cuộc thử nghiệm”.
Sách trắng của POBC cũng nêu: "Tiền điện tử trôi nổi trên thị trường hiện nay chủ yếu được sử dụng như một dạng công cụ đầu cơ, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an ninh tài chính cũng như sự ổn định của xã hội. Một số tổ chức thương mại thậm chí còn có kế hoạch tung ra các đồng tiền ổn định toàn cầu, thứ sẽ mang đến rủi ro và thách thức đối với hệ thống tiền tệ quốc tế, hệ thống thanh toán, chính sách tiền tệ, cách thức quản lý dòng vốn xuyên biên giới...".
Việc chính phủ nhiều nước trên thế giới cắt giảm các biện pháp kích thích nền kinh tế cũng gây ra không ít thiệt hại đến các loại tài sản rủi ro.
Ngoài các yếu tố vĩ mô, đợt sụt giảm mạnh của Bitcoin còn trùng hợp với thời điểm công ty Grayscale mở khóa 16.240 cổ phiếu Grayscale Bitcoin Trust (GBTC), lớn nhất từ trước đến nay.
Tổng hợp những thông tin tiêu cực trên đã khiến giá Bitcoin sụt giảm thảm hại, xuống dưới 31.000 USD - mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020. Khối lượng giao dịch cặp BTC/USD chỉ đạt 119 triệu USD, mức thấp nhất trong 6 tháng qua.
Giới chuyên gia phân tích nhận định, áp lực bán gia tăng còn có thể nhấn chìm giá Bitcoin tụt xuống dưới mốc tâm lý 30.000 USD.
Thị trường đỏ lửa trong phiên giao dịch ngày 19/7. Nguồn: Coin360. |
Cùng với đà giảm của Bitcoin, có 10/10 đồng tiền điện tử đứng đầu giảm giá trong phiên giao dịch ngày hôm nay: Ethereum giảm 4,31% còn 1.799 USD; Tether giảm 0,06% còn 1,00 USD; Binance Coin giảm 7,53% còn 277,55 USD; Cardano giảm 5,43% còn 1,11 USD; XRP giảm 5,45% còn 0,54 USD, Dogecoin giảm 3,39% còn 0,171 USD, Bitcoin Cash giảm 5,85% còn 409,03 USD; Polkadot giảm 9,82% còn 11,08 USD, Litecoin giảm 5,02% còn 111,82 USD.
Theo dữ liệu thống kê từ trang Blockchain, khối lượng giao dịch tiền điện tử trên các sàn giao dịch lớn như Binance, Coinbase, Kraken, Bitstamp đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021 sau khi giá Bitcoin giảm xuống dưới vùng 31.000 USD. Trong đó, khối lượng giao dịch của cặp BTC/USD chỉ đạt 119 triệu USD, các cặp tiền khác cũng giảm từ 15% đến 30% trên các sàn.
Trong thông báo mới nhất được được Changpeng Zhao, Giám đốc điều hành của sàn giao dịch Binance, cho biết, đã đốt 1.296.728 đồng Binance Coin (BNB), có giá trị vào khoảng 400 triệu USD để hoàn thành đợt tiêu hủy số tiền điện tử lưu thông hàng quý lần thứ 16 theo cam kết trước đó của mình.
Cùng với đó, sàn cũng đã tiêu hủy 5.163 BNB thông qua Pioneer Burn Program - một chương trình hỗ trợ người dùng bị giao dịch nhầm lẫn giữa các giao dịch thực với hợp đồng thông minh. Sàn Binance sẽ bồi thường các khoản bị mất hoặc trả lại token cho người dùng trong các trường hợp cụ thể.
Đây là lần tiêu hủy BNB lớn thứ hai trong lịch sử của sàn Binance, đứng sau kỷ lục lần tiêu hủy trị giá 600 triệu USD được thực hiện vào tháng 3/2021.
Trước đó, sàn Binance cam kết sẽ chi 20% lợi nhuận để tiêu hủy một số lượng đồng Binance Coin hàng quý để tránh lạm phát. Điều này cho thấy trong quý II/2021, sàn Binance đã đạt mức lợi nhuận khoảng 2 tỷ USD.
Công ty quản lý quỹ tiền điện tử lớn nhất thế giới - Grayscale mới đây cũng thông báo sẽ tung ra quỹ đầu tư trong lĩnh vực Defi. Cụ thể, quỹ đầu tư Defi của Grayscale bước đầu sẽ tập trung vào các dự án Defi hàng đầu như Uniswap (UNI), Aave (AAVE), Compound (COMP)... rồi sau đó mở rộng thêm trong tương lai.
Đây là quỹ đầu tư thứ 15 của Grayscale, sau quỹ tín thác Bitcoin, quỹ Ethereum, quỹ ADA…
Tài chính phi tập trung (Defi) hiện là một trong những phân khúc phát triển nhanh nhất của thị trường tiền điện tử. Vốn hóa thị trường DeFi hiện đạt mức khoảng68 tỷ USD, với nhiều token DeFi đang tăng trưởng nhanh chóng.
Tổng giá trị vốn hóa thị trường tiền ảo đạt khoảng 1.184 tỷ USD, giảm 47 tỷ USD so với ngày 19/7.