Khu trung tâm sẽ có giá mới?
Theo “đơn thuốc” nêu trên, một loạt tuyến đường đi qua các “khu đất vàng” của TP.HCM như Võ Văn Tần (đoạn từ Phạm Ngọc Thạch đến Cách Mạng Tháng Tám), Trần Cao Vân (từ Phùng Khắc Khoan đến Phạm Ngọc Thạch), Nguyễn Thị Minh Khai (từ Huyền Trân Công Chúa đến Phùng Khắc Khoan)... đã được phân luồng một chiều. Ông Võ Đình Quốc, Phó tổng giám đốc Công ty Địa ốc ACB cho biết, thực tế, chưa thể tính toán cụ thể việc giá trị BĐS tăng hay giảm khi tiến hành phân luồng giao thông. Tuy nhiên, rõ ràng giá trị BĐS luôn gắn chặt với giá trị gia tăng cơ sở hạ tầng giao thông. Nếu chỉ là BĐS để ở thì yếu tố mật độ giao thông cao là điều bất lợi, nhưng với mặt bằng kinh doanh, việc có nhiều mật độ giao thông hai chiều là một lợi thế. Do vậy, khi trở thành đường một chiều, đường Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Lê Quý Đôn, Trần Quốc Thảo... (nơi đang tập trung khá nhiều cao ốc văn phòng và các cửa hàng kinh doanh thể thao, ẩm thực...) bị giảm sút một phần giá trị là điều tất yếu. Điều này dẫn đến giá trị buôn bán kinh doanh, cho thuê sẽ giảm, vì khách hàng sẽ ngại đến giao dịch mua bán, nhất là các cửa hàng ở chiều nghịch.
Giá giảm một phần còn do thị trường BĐS ở TP.HCM bắt đầu trở lại chu kỳ “trầm lắng”, một số nhà đầu tư đang vướng vào cơn giảm giá chứng khoán khiến một lượng lớn vốn bị “ngâm”, không giải ngân được và nguồn cung ở các cung đường một chiều cũng lâm vào tình trạng bão hòa. Tuy nhiên, theo một chuyên gia của Sở Tài nguyên - Môi trường, trên thực tế, giá trị tuyệt đối của BĐS khu vực này sẽ không thay đổi nhiều, vì bảng giá đất được UBND TP.HCM công bố áp dụng hiện thấp hơn 50 - 60% so với giá trị thực tế giao dịch trên thị trường.
Đất khu Nam : chỗ tăng, chỗ giảm
Trong khi đó, ở khu Nam - một trong những địa bàn giao dịch BĐS trọng điểm của Thành phố, đang có sự chênh lệch mặt bằng giá khá lớn.
Sau thời gian lên giá “ăn theo” giá của Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, với đỉnh tương ứng đến 200% so với cách đây 2 năm, giá một số BĐS khu Nam đang có chiều hướng giảm từ 1 đến 3 triệu đồng/m2. Theo ghi nhận từ Trung tâm Địa ốc Nova, nhiều dự án tuy có vị trí tốt, nhưng mức giá vẫn giảm khoảng 1 triệu đồng/m2, như Dự án Phú Mỹ; giảm 2 - 3 triệu đồng/m2 như Dự án Him Lam - Kênh Tẻ... Lý giải việc giá giảm này, ông Trần Đăng Khoa, Phó trưởng phòng makerting Công ty Địa ốc Sacomreal cho rằng, chủ yếu do tác động của các nhà đầu tư theo phong trào. Khi thấy thị trường đột nhiên sôi động, họ “nhảy” vào, khi thị trường chững lại, họ vội bán để thu hồi vốn và không đủ vốn để đầu tư tiếp.
Ngược lại, khu vực trung tâm tài chính của Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (PMH) sẽ vẫn tiếp tục giữ vững giá trị, nếu không muốn nói là còn tiếp tục tăng (dù hiện đã tăng hơn 300% so với ban đầu). Lý giải cho nhận định trên, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Giám đốc kế hoạch PMH cho biết, mới đây PMH vừa chính thức công bố thiết kế quy hoạch hoàn chỉnh khu trung tâm tài chính, “trái tim của khu đô thị mới PMH”, gồm 3 phân khu chức năng là khu Hồ Bán Nguyệt; khu Kênh Đào và khu thương mại tài chính. Trước mắt, tại đây, đã có hơn 20 ngân hàng, tổ chức tài chính trong và ngoài nước đăng ký xây dựng dự án. “Đây chính là bước khởi động cần thiết cho việc hoàn chỉnh khu A của Khu đô thị mới PMH”, ông Thịnh cho biết.
Theo khảo sát từ Trung tâm Địa ốc Hưng Thịnh, ngay sau khi PMH công bố thiết kế quy hoạch chi tiết nêu trên, giá trị BĐS tại một số khu vực liền kề như khu Cảnh đồi, Dự án Garden Court; Panorama... đã bắt đầu tăng khoảng 10 - 20%, trong đó Dự án Garden Court 1 vừa công bố, giá trúng thầu một căn hộ gần 200 m2 đã lên đến 4 tỷ đồng.
Rõ ràng, giá trị BĐS luôn gắn liền với quy hoạch hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, về cơ bản, giá BĐS tại TP.HCM sẽ không giảm nhiều trong tương lai, vì nguồn cung - cầu trên thị trường vẫn tiếp tục chênh lệch.