Ghìm lãi suất, kiểm soát chặt khoản vay

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp là điều cần thiết trong giai đoạn này, song ngành ngân hàng cũng cần kiểm soát chặt các khoản vay để tránh rủi ro nợ xấu.
Lãi suất huy động và cho vay đều được ghìm ở mức thấp. Lãi suất huy động và cho vay đều được ghìm ở mức thấp.

Giảm lãi suất để kích cầu

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng cắt giảm chi phí đầu vào, giảm lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn với khách hàng, đồng thời cứu bản thân nhà băng.

Mặt bằng lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên hiện cũng chỉ còn trên dưới 5%/năm. Với doanh nghiệp có sức khỏe tốt, các ngân hàng cũng có chính sách ưu tiên về lãi suất.

Đại dịch Covid-19 được khống chế tốt ở trong nước, nhưng vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có khu vực châu Âu, cho dù vắc-xin phòng bệnh đã được triển khai và được tiêm ngừa rộng rãi. Hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch.

Trong đó, một số lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là du lịch, hàng không, dịch vụ, khách sạn...

Nhiều doanh nghiệp ngành này đã bị kiệt quệ trong thời gian dịch bùng phát. Nhu cầu du lịch trong nước phần nào sôi động, nhưng thị trường quốc tế vẫn chưa mở cửa trở lại. Tuy vậy, một khi dịch bệnh đi qua, du lịch, hàng không, khách sạn, dịch vụ... sẽ là những ngành có sự hồi phục nhanh nhất.

Việc Thông tư 03/2021/TT-NHNN vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành cho phép các ngân hàng kéo giãn thời gian tái cơ cấu các khoản nợ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 cho doanh nghiệp ở lĩnh vực này đến hết năm 2021 đã cho thấy kỳ vọng vào sự hồi phục của các lĩnh vực này và chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch.

Cũng theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN, ngân hàng được phép trích lập dự phòng rủi ro 3 năm, thay vì 1 năm, từ đó giúp giảm áp lực dự phòng cho các ngân hàng cũng như giảm áp lực tăng lãi suất để kích cầu tín dụng.

Tất nhiên, lãi suất luôn có mối liên hệ chặt chẽ với diễn biến lạm phát. Tuy nhiên, lạm phát trong quý đầu năm nay của Việt Nam được kiểm soát ở mức thấp và lạm phát cả năm 2021 nhiều khả năng được kiểm soát ở mức 4% trở xuống theo mục tiêu điều hành của Chính phủ, nên lãi suất chưa có áp lực tăng trở lại trong ngắn hạn, kể cả trung hạn. Đồng thời, so với các nước trong khu vực, mặt bằng lãi suất của Việt Nam hiện nay vẫn ở mức tương đối cao.

Kiểm soát dòng chảy tín dụng

Tình hình kinh tế Việt Nam dần hồi phục sau khi dịch bệnh được kiểm soát, sức khỏe doanh nghiệp cải thiện và cầu vốn tăng lên.

Điều này được minh chứng tín dụng quý đầu năm nay của nền kinh tế tăng gần 3%, cao hơn so với cùng kỳ. Nhu cầu vốn của khách hàng, nhất là doanh nghiệp được nhận định sẽ còn tăng trong các quý tới khi nền kinh tế dần phục hồi trở lại.

Nếu tình hình từ nay đến cuối năm không có biến động nhiều và cầu tín dụng cải thiện thì khả năng sẽ vượt 12% (mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay là 10 - 12%).

Ảnh tác giả

Ngân hàng Nhà nước đang điều hành chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng điều đó không có nghĩa là các ngân hàng hạ chuẩn cho vay.

Ông Huỳnh Bửu Sơn, Chuyên gia tài chính

Tuy nhiên, rủi ro nợ xấu vẫn là vấn đề cần được quan tâm để tránh lặp lại nợ xấu tăng cao. Mặt bằng lãi suất giảm sẽ kích cầu tín dụng tăng nên việc duy trì mặt bằng lãi suất ổn định ở mức thấp trong bối cảnh hiện nay để kích cầu tăng trưởng kinh tế là cần thiết. Ngân hàng Nhà nước đang điều hành chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các ngân hàng hạ chuẩn cho vay. Ngược lại, trong lúc này, việc kiểm soát rủi ro cần được đề cao, bởi khả năng trả nợ nhiều doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng kể từ khi dịch xảy ra.

Đáng chú ý là trong thời gian gần đây, thị trường bất động sản tăng nóng, vốn tín dụng vào lĩnh vực này theo số liệu Ngân hàng Nhà nước đưa ra tăng 3% trong quý đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của ngành đến hết quý I/2021 là 2,93%. Điều này cũng khiến nhiều người lo ngại rằng, mặt bằng lãi suất giảm, nguồn tiết kiệm chảy sang bất động sản khiến thị trường tăng “nóng” và khó tránh vỡ “bong bóng”.

Trong bối cảnh thị trường hiện nay, nguồn tín dụng chảy vào chứng khoán, bất động sản khi mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm rẻ hơn cũng phần nào góp phần tác động lên thị trường. Thị trường bất động sản hồi phục sẽ kéo theo một số lĩnh vực khác như xây dựng. Tuy nhiên, việc tín dụng bất động sản tăng cũng là vấn đề cần được quan tâm.

Cho dù khả năng xảy ra “bong bóng” thị trường bất động sản còn thấp, các ngân hàng cũng phải thận trọng trong việc cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất như bất động sản, chứng khoán...

Bài học trước đây cho thấy, nợ xấu của ngành tăng cao khi ngân hàng đẩy mạnh cho vay bất động sản giai đoạn 2008 - 2009 đến nay chưa xử lý hết nợ. So với trước, hiện ngân hàng đã cẩn trọng hơn, song cũng cần kiểm soát chặt rủi ro lĩnh vực này, tập trung nguồn vốn tín dụng cho sản xuất - kinh doanh.

Hệ số rủi ro cho vay bất động sản đã được nâng từ 150% lên 200% và sang đầu năm 2020, khả năng nâng lên 250%, điều này cho thấy, Chính phủ quyết tâm siết tín dụng vào bất động sản. Tinh thần của Ngân hàng Nhà nước là ổn định vĩ mô nên đang giám sát khá nghiêm ngặt cho vay bất động sản, chứng khoán.

Cho vay chứng khoán và bất động sản cần được kiểm soát chặt.

Cho vay chứng khoán và bất động sản cần được kiểm soát chặt.

Theo quy định hiện hành, cho vay tín dụng bất động sản là khi người dân vay ngân hàng với mục đích để đầu tư bất động sản và sinh lợi trên bất động sản được vay.

Các ngân hàng đang dùng định nghĩa này để phân loại cho vay bất động sản: những trường hợp cũng là vay mua bất động sản, nhưng không phục vụ mục đích đầu tư cho thuê mà tích lũy lại được xếp vào tín dụng tiêu dùng, chỉ chịu hệ số rủi ro 100% của tín dụng tiêu dùng. Đó cũng chính là lý do vì sao tín dụng tiêu dùng tăng mạnh trong thời gian qua, nhưng phần lớn chảy vào bất động sản qua hình thức cho vay mua nhà.

Các tỷ lệ dư nợ cho vay bất động sản được công bố hiện nay chủ yếu là bất động sản tiêu dùng, còn bất động sản kinh doanh rất thấp, nhưng ngân hàng đẩy mạnh cho vay bất động sản tiêu dùng cần kiểm soát rủi ro.

Huỳnh Bảo Sơn
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2021

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục