“Ghìm cương” tỷ giá?

(ĐTCK-online) Diễn biến gần đây cho thấy, khả năng Ngân hàng Nhà nước đang “níu” tỷ giá VNĐ/USD trở lại hướng ổn định, tránh mức tăng có thể vượt “khuôn khổ” đã định từ đầu năm.
Cầu ngoại tệ đang gây áp lực lên tỷ giá. Cầu ngoại tệ đang gây áp lực lên tỷ giá.

Sau đà tăng nóng nửa đầu tháng 8, tỷ giá VNĐ/USD trên thị trường ngân hàng đã có dấu hiệu dịu lại. Một số nhận định cho rằng, tỷ giá sẽ tiếp tục tăng cao khi nhu cầu của doanh nghiệp nhập khẩu đang tăng mạnh, đặc biệt là trong quý IV/2007.

Nhận định trên chỉ đúng một nửa, đó là nhu cầu ngoại tệ từ doanh nghiệp đang tăng cao. Theo phản ánh từ một số ngân hàng đầu mối thanh toán xuất nhập khẩu, nhu cầu đó hiện đã tăng từ 20 - 30% so với đầu năm và dự báo sẽ tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm. Nếu đơn thuần theo nguyên tắc thị trường, lực cầu này sẽ đẩy tỷ giá VNĐ/USD tăng mạnh và cao. Nhưng đặt trong mục tiêu điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, khó có diễn biến tăng nóng như trong nửa đầu tháng 8 này.

Trước hết, chính sách tỷ giá hiện vẫn được điều hành theo hướng linh hoạt nhưng “neo” bằng biên độ. Quan điểm lâu dài của Ngân hàng Nhà nước là đưa tỷ giá dần theo sát yêu cầu của thị trường. Cụ thể hóa một phần quan điểm này, đầu năm 2007, lần đầu tiên sau 3 năm, Ngân hàng Nhà nước chính thức nới rộng biên độ tỷ giá từ +/-0,25% lên +/-0,5% theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng công bố mỗi ngày. Ngoài ra, những năm gần đây và cả năm nay, mục tiêu ổn định tỷ giá được Ngân hàng Nhà nước đặt ra từ đầu năm là chỉ xoay quanh mức tăng 1%. Theo đó, dự báo về khả năng tăng mạnh nói trên gần như không xảy ra, ngoại trừ có một cuộc cách mạng về biên độ và mục tiêu trong quan điểm điều hành. Cũng chính vì sự tương đối ổn định trong dài hạn này nên trong đợt tăng nóng vừa qua, một số ý kiến đề cập đến vấn đề bảo hiểm tỷ giá để giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp nhưng với biến động “ngầm định” xoay quanh 1%, khó có đất cho nghiệp vụ bảo hiểm.

Có thể thấy quan điểm điều hành và mục tiêu nói trên trong diễn biến tỷ giá tuần gần đây. Trong khi tỷ giá của các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do liên tục tăng, tỷ giá bình quân liên ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước công bố lại “âm thầm” giảm nhẹ; có ngày xuống còn 16.158 VNĐ/1 USD, giảm 10 VNĐ so với đỉnh cao đầu tháng 8. Dễ hiểu diễn biến này khi tỷ giá của các ngân hàng thương mại đã tăng chạm mức 1%, trong khi xu hướng tăng vẫn tiếp tục thể hiện; với mức này, nhà điều hành có thể đang tính tới việc “ghìm cương” tỷ giá, đưa về “khuôn khổ” được xem là ổn định.

Trên thực tế, cầu ngoại tệ đang gây áp lực lên tỷ giá. Nhìn vào biểu niêm yết ngoại tệ của các ngân hàng thương mại ngày 27/8 có thể thấy, tỷ giá VNĐ/USD đã gần kịch trần biên độ 0,5%. Cụ thể, giá bán ra là 16.239 VNĐ so với mức 16.160 VNĐ trên thị trường liên ngân hàng. Đáng chú ý là chênh giá mua vào - bán ra (theo website Ngân hàng Nhà nước) chỉ 2 VNĐ, cho thấy sự săn mua giá cao của các ngân hàng thương mại. Trong tuần qua, một số ngân hàng cổ phần tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động USD càng tạo thêm sức nóng cầu ngoại tệ.

Trước thực tế này, ngoài việc “neo” tỷ giá ở mức khá ổn định và giảm nhẹ, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái bán ra, hỗ trợ vốn ngoại tệ cho thị trường. Cơ quan này đã có công văn yêu cầu các ngân hàng thương mại có trách nhiệm chủ động bán ngoại tệ đủ và kịp thời cho nhu cầu ngoại tệ hợp pháp, chủ yếu là doanh nghiệp. Trường hợp trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng giảm xuống, bằng hoặc dưới mức -5% sẽ được Ngân hàng Nhà nước xem xét bán hỗ trợ để cân bằng. Trong công văn có nhận định là nhu cầu ngoại tệ trên thị trường đang tăng cao. Trước đó, ông Nguyễn Đại Lai, Phó vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cũng đã “bóng gió” đến kế hoạch bán ra này, xem đó như một mũi tên trúng hai đích: vừa cung ngoại tệ đáp ứng nhu cầu tăng cao, ổn định tỷ giá, vừa là một biện pháp để hút VNĐ trong lưu thông, góp phần hạ nhiệt lạm phát.

Qua những diễn biến này, một lần nữa cho thấy nhà điều hành tỷ giá vẫn khá chủ động; ở khía cạnh khác cũng cho thấy rõ nét quan điểm điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước: linh hoạt nhưng chưa thể thả nổi.

Minh Tâm
Minh Tâm

Tin cùng chuyên mục