Sốt ruột với tiến độ trên, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh (đại biểu tỉnh Khánh Hoà), Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã "truy" nguyên nhân chậm trễ, trong phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp Quốc hội vừa qua.
Liên quan đến vấn đề này, trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã cập nhật kết quả thực hiện quy định của pháp luật về ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can.
Cụ thể là tháng 2/2018, liên ngành Công an, Quốc phòng, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Tháng 9/2019, Thủ tướng phê duyệt Đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Bộ Công an và các bộ, ngành đã thực hiện thí điểm tại 5 đơn vị, địa phương, báo cáo cho biết kết quả.
Bộ Công an cũng đã phê duyệt dự án kiện toàn tổ chức, bố trí cán bộ thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong tố tụng hình sự, đồng thời phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh... Hiện nay, đang tích cực triển khai việc mua sắm thiết bị ghi âm, ghi hình để tổ chức thực hiện theo quy định, báo cáo nêu rõ.
Nêu ý kiến của Tiểu ban 1 thuộc Ủy ban Tư pháp, về báo cáo của Chính phủ, Ủy viên Thường trực Ủy ban này, ông Nguyễn Công Long cho biết, theo phản ánh của một số địa phương, hiện nay còn chưa được đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật theo quy định, dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện đúng quy định của pháp luật về ghi âm, ghi hình.
Tiểu ban 1 kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể để thực hiện việc ghi âm, hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên toàn quốc theo quy định của luật.
Việc này để bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền của bị can, bị cáo và phục vụ tốt hơn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, ông Long nhấn mạnh.
Tham gia thảo luận, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nhận xét việc ghi âm, ghi hình đối với người bị buộc tội trong tố tụng hình sự cũng như việc số hoá các tài liệu có liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội để những người bị buộc tội sử dụng trong bào chữa được thực hiện “quá chậm chạp”.
Ông Thịnh dẫn lại Nghị quyết số 110/2015/QH13 của Quốc hội đã yêu cầu: “Chậm nhất đến ngày 1/1/2019 thì thực hiện thống nhất việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc”.
Sau đó, đại biểu Thịnh đặt vấn đề vì sao đến nay việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh vẫn chưa được thực hiện trong toàn quốc?
“Nguyên nhân vì sao cho đến nay việc này chưa được thực hiện thì không được nêu trong báo cáo của Chính phủ”, ông Thịnh băn khoăn và đề nghị Chính phủ, Bộ Công an làm rõ hơn giải pháp.
Giải trình cuối phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho hay Bộ Công an đã phê duyệt đề án, tháng 11-12 tới đây sẽ từng bước triển khai theo lộ trình.
Về nguyên nhân, ông Ngọc nêu rằng, dịch Covid-19 vừa qua đã tác động đến việc cung cấp thiết bị nhập khẩu, nhất là chip điện tử.
“Các đồng chí cũng biết cả thế giới khó khăn như thế”, Thứ trưởng Ngọc trình bày.
Lãnh đạo Bộ Công an cũng cho biết Bộ Công an đã rất nhiều lần báo cáo về những khó khăn trong quá trình triển khai đề án này.
“Chúng tôi sẽ cố gắng từng bước khắc phục khó khăn đó để triển khai trong thời gian sớm nhất theo kết luận của Quốc hội", ông Ngọc cho biết.
Theo dự kiến, trong phiên họp thứ 15, vào ngày 15/9 tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2022 của các cơ quan tư pháp, báo cáo của Chính phủ về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022.