"Nhẹ gánh" tỷ giá, Genco 3 lãi gấp rưỡi năm 2020
Tổng Công ty Phát điện 3 - Công ty cổ phần (Genco 3, mã PGV-UPCoM) vừa công bố kết quả kinh doanh ước tính trong năm 2020 với lợi nhuận trước thuế đạt 2.244 tỷ đồng, hoàn thành vượt 47,45% kế hoạch được ĐHĐCĐ thông qua và gấp 1,53 lần năm 2019 . Nguyên nhân chính đến từ khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá không còn lớn như năm trước.
Tương tự nhiều doanh nghiệp điện khác, hoạt động lõi kinh doanh điện năm nay chịu do ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19. Tốc độ tăng trưởng phụ tải hệ thống điện thấp hơn so với kế hoạch đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất điện. Sản lượng điện sản xuất năm 2020 của công ty mẹ Genco 3 vì vậy chỉ đạt 31.102 triệu kWh, giảm 2,62% so với năm trước và hoàn thành 95,36% so với kế hoạch năm. Phía tổng công ty cho biết giá thanh toán toàn phần bình quân trên thị trường điện (FMP) giảm 26,64% so với cùng kỳ. Do đó, đến doanh thu thuần lũy kế năm 2020 giảm 6,45% so với cùng và chỉ đạt 38.028 tỷ đồng.
Cơ cấu nguồn điện có sự thay đổi đáng kể khi tình hình thủy văn tốt kéo sản lượng điện từ nguồn thủy điện tăng gần 12%. Không kể chênh lệch tỷ giá, Genco 3 ước lãi trước thuế 2.531 tỷ đồng, tăng 35,5% so với cùng kỳ. Nhờ không phải hạch toán khoản lỗ tỷ giá "khủng" như năm trước, lợi nhuận trước thuế đã vọt lên cao gấp rưỡi cùng kỳ. Đây cũng là mức lãi lớn nhất của tổng công ty này kể từ khi cổ phần hóa.
Quy mô khoản nợ vay bằng đồng đôla của Genco 3 lên tới 2 tỷ USD, bên cạnh các khoản vay bằng đồng tiền khác như yên Nhật, won... Đồng USD đẫ yếu đi với với nhiều đồng tiền trong năm 2020 vừa qua. Tỷ giá USD/VND cũng giảm 75 đồng so với đầu năm, theo mức tỷ giá mua chuyển khoản tham khảo tại Vietcombank. Genco 3 được hưởng lợi lớn từ biến số trên.
Cũng nhờ khoản lợi nhuận tích lũy thêm trong năm nay, vốn chủ sở hữu của Genco 3 tăng 20,6% lên 12.618 tỷ đồng. Trong khi đó, quy mô tài sản giảm nhẹ 4,4%, đạt xấp xỉ 69.088 tỷ đồng.
Hoàn tất đưa vào vận hành 2.959 MWp điện mặt trời mái nhà
Ngoài sản lượng từ nguồn thủy điện tăng, sản lượng điện mặt trời từ nhà máy Vĩnh Tân 2 tăng trưởng nhanh trên mức nền thấp năm trước, mang về 47,7 triệu kWh trong năm 2020. Trong khi đó, nguồn điện khí của tổng công ty chỉ tạo ra 14.049 triệu kWh, giảm 12,9% so với cùng kỳ do hồi quý I/2020 nhiên liệu khí cấp không đủ cho sản xuất.
Các nhà máy nhiệt điện than đóng góp nhiều nhất vào sản lượng điện toàn tổng công tỷ trong năm nay. Đối với nguyên liệu đầu vào của nhóm này, Genco 3 đang triển khai đấu thầu mua than nhập khẩu (khoảng 1,1 triệu tấn) và than trong nước (ngoài Vinacomin và Tổng công ty Đông Bắc) để đốt trực tiếp (300.000 tấn). Đến hết tháng 12/2020, Vĩnh Tân 2 lũy kế nhận 4,03 triệu tấn, Mông Dương 1 nhận 3,59 triệu tấn, lượng than tồn kho đảm bảo theo định mức tồn trữ.
Genco 3 hiện có một loạt các dự án trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đối với điện mặt trời áp mái các đơn vị, tổng công ty đã lắp đặt và đưa vào vận hành 2.959 MWp điện mặt trời mái nhà kết nối lưới tại Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ, Vĩnh Tân, Công ty EPS và Công ty Thủy điện Buôn Kuốp. Cùng đó, 1.522 MWp điện mặt trời đấu nối vào hệ thống điện tự dùng của Phú Mỹ, Vĩnh Tân đang được hoàn thiện.
Dự án điện khí LNG cũng ghi nhận thêm bước tiến khi Tổ hợp nhà đầu tư GTPP-MC-GE đã ký kết MOU cam kết hợp tác đầu tư dự án hồi cuối tháng 11/2020.
Ngoài hoạt động kinh doanh và đầu tư, diễn biến cổ phiếu PGV trên sàn cũng ghi nhận sự khởi sắc trong các tháng cuối năm 2020 và hiện nay. Kỳ vọng từ kết quả lợi nhuận giúp Genco 3 được các nhà đầu tư quan tâm hơn trên sàn. Trong một năm qua, giá cổ phiếu PGV đã tăng hơn 80% lên 18.500 đồng/cổ phiếu.
Khối lượng giao dịch đã tăng lên vài chục nghìn cổ phiếu. Dù vẫn khá khiêm tốn so với nhiều doanh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán, con số trên đã cải thiện đáng kể so với thời điểm cách đây một năm và cũng chiếm tỷ lệ lớn nếu so với số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng. Với quy mô vốn điều lệ gần 10.700 tỷ đồng, vốn hóa thị trường của Genco 3 xấp xỉ 19.795 tỷ đồng.