Gemadept: Chuyển động đột phá - Bền vững tương lai

(ĐTCK) Năm 2018, năm bản lề trong kế hoạch phát triển giai đoạn 2016 – 2020, với những chuyển động mang tính đột phá, tạo dựng nền tảng vững chắc, Công ty cổ phần Gemadept (GMD) tiếp tục khẳng định vị thế của một trong những công ty tư nhân thuộc lĩnh vực khai thác cảng biển, logistics hàng đầu Việt Nam.
Sau 8 tháng đi vào hoạt động, cảng Nam Đình Vũ đã đạt sản lượng hàng hóa thông qua gần 150.000 TEU. Sau 8 tháng đi vào hoạt động, cảng Nam Đình Vũ đã đạt sản lượng hàng hóa thông qua gần 150.000 TEU.

Các đại dự án cảng tiếp nối ra đời  

Khi những cánh mai, đào rực rỡ khoe sắc, đón chào mùa xuân mới cũng là lúc cảng mới của GMD là cảng Nam Đình Vũ hân hoan đón chuyến tàu đầu tiên vào làm hàng, cùng với thành tích đưa vào khai thác giai đoạn 1 sau thời gian xây dựng kỷ lục là 1 năm.

Với quy mô toàn dự án 65 ha, gồm 7 cầu tàu, tổng chiều dài cầu bến 1,5 km cùng việc sở hữu vị trí chiến lược nổi bật ngay tại cửa sông, cảng Nam Đình Vũ tiếp nhận các cỡ tàu lớn nhất vào khu vực Đình Vũ (cỡ tàu đến 40.000 DWT).

Nhịp điệu tấp nập trên tàu dưới bến ngay từ những ngày đầu xuân đã có sức lan tỏa mạnh mẽ đến kết quả hoạt động khai thác cảng của GMD. Đến  nay, sau 8 tháng hoạt động, cảng Nam Đình Vũ đã đạt sản lượng gần 150.000 TEU thông qua, tạo đà tăng trưởng cho kế hoạch năm 2019 cũng như tiến tới mục tiêu lấp đầy công suất giai đoạn 1 trong năm 2020.

Trước sự tăng trưởng mạnh hàng hóa xuất nhập khẩu của toàn miền Bắc nói chung, sản lượng thông qua khu vực Hải Phòng nói riêng đạt bình quân 12 - 15%/năm, trong bối cảnh hầu hết các cảng tại hạ lưu sông Cấm đều đã lấp đầy, thậm chí vượt công suất, GMD đang sẵn sàng phát triển giai đoạn 2 của dự án cảng Nam Đình Vũ để có thể đưa vào vận hành trong năm 2020, phát huy sức mạnh tổng thể của toàn bộ khối cảng GMD tại Hải Phòng.

Với chiến lược phát triển nhanh và bền vững, việc đưa cụm cảng Nam Đình Vũ vào khai thác, kết hợp với các cảng hiện hữu của GMD tại Hải Phòng, bao gồm Nam Hải, Nam Hải Đình Vũ và Nam Hải ICD tiếp tục khẳng định vị trí nhà khai thác cảng và ICD lớn nhất khu vực của GMD.    

Tại phía Nam, cuối năm nay, GMD sẽ tái khởi động đại dự án cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam - cảng Gemalink tại khu vực Cái Mép, với quy mô giai đoạn 1 gồm 800 m chiều dài cầu bến chính.

Cảng có thể tiếp nhận đồng thời 2 tàu mẹ với trọng tải trên 200.000 DWT cùng lúc và một bến chuyên dụng dành cho 2 tàu feeder và sà lan, đảm bảo quá trình làm hàng linh hoạt và các tàu mẹ lớn nhất thế giới ra vào cảng thuận lợi.

Cảng Gemalink là cảng trung chuyển Việt Nam, đóng vai trò quan trọng đưa hàng hóa từ Việt Nam thẳng đến Mỹ, châu Âu và ngược lại, mà không cần phải trung chuyển tại bất kỳ nước thứ ba nào khác, qua đó góp phần tiết giảm đáng kể thời gian và chi phí logistics, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt trên thị trường quốc tế.

Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành toàn bộ dự án cụm cảng Nam Đình Vũ và cảng nước sâu Gemalink (dự kiến vào năm 2022), Gemadept sẽ nâng cao tổng năng lực khai thác cảng lên gấp 3 lần, với 5,2 triệu TEU container và 5 triệu tấn hàng rời.

Tổng chiều dài cầu bến các cảng khai thác là 4 km. Đây là những cột mốc phát triển quan trọng, qua đó, GMD tiếp tục khẳng định vị thế nhà khai thác cảng hàng đầu Việt Nam. 

Thoái vốn ngoài ngành - Hợp tác cùng vươn xa

Xác định “muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa phải đi cùng nhau”, lãnh đạo GMD cho biết, trong lĩnh vực logistics, nếu chỉ dừng lại ở thị trường nội địa thôi chưa đủ, cần phải vươn ra thị trường toàn cầu bằng việc hợp tác với một đơn vị logistics tầm cỡ quốc tế.

GMD tin tưởng với sự cộng hưởng từ hợp tác liên doanh với đối tác CJL, hoạt động logistics của GMD sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới nhằm tiếp tục phát triển vị thế dẫn đầu thị trường Việt Nam, củng cố vai trò nhà cung cấp dịch vụ logistics đứng đầu Đông Dương và hướng đến khu vực ASEAN trong tương lai không xa.

Cũng trong năm 2018, GMD đã hoàn tất thoái 51% vốn tại Công ty cổ phần Tiếp vận và cảng quốc tế Hoa Sen – Gemadept nhằm tập trung nguồn lực phát triển những dự án chiến lược như đã nêu.

Bên cạnh đó, triển khai Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông năm 2017, GMD đang tiếp tục tìm kiếm đối tác phù hợp để thoái vốn dự án cao su và bất động sản tại thời điểm thuận lợi nhằm đảm bảo tối đa lợi ích của cổ đông, cũng như tập trung mọi nguồn lực phát huy sức mạnh của hai mảng kinh doanh chiến lược là khai thác cảng và cung cấp chuỗi dịch vụ logistics trọn gói của GMD. 

Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm

Mặc dù doanh thu 9 tháng đầu năm của GMD có ảnh hưởng và thay đổi về mặt cơ cấu đóng góp (tăng tỷ trọng của mảng khai thác cảng và giảm tỷ trọng mảng logistics), nhưng về hiệu quả kinh doanh và lợi nhuận vẫn ghi nhận kết quả rất tích cực.

9 tháng đầu năm 2018, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng của GMD tăng trưởng 15% so với cùng kỳ 2017; lợi nhuận từ hoạt động sản xuất - kinh doanh chính ước tăng 10%.

Công ty ghi nhận khoản lợi nhuận từ chuyển nhượng một phần vốn góp khoảng 1.520 tỷ đồng của nhóm công ty logistics, vận tải biển và chuyển nhượng vốn tại Công ty cổ phần Tiếp vận và cảng quốc tế Hoa Sen – Gemadept.  

Một mốc son trong năm 2018 là sự kiện Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (SCSC) - GMD sở hữu 32,25% vốn góp, đã được chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) từ ngày 3/8/2018.

Đây là cột mốc quan trọng để SCSC tiếp tục tạo được niềm tin vững chắc với đông đảo nhà đầu tư, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để SCSC thu hút thêm nguồn vốn đẩy mạnh sự phát triển ổn định và bền vững trong tương lai, góp phần tích cực gia tăng lợi nhuận cũng như hoàn chỉnh chuỗi dịch vụ logistics tích hợp liên hoàn của GMD. 

Cơ hội và tiềm năng phát triển

Với những triển vọng phát triển mạnh và bền vững của GMD, cùng với đà tăng trưởng kinh tế và làn sóng FDI vào Việt Nam, ngành khai thác cảng và logistics nói chung và mã cổ phiếu GMD nói riêng luôn là cái tên được các nhà đầu tư săn đón.

Bên cạnh tập trung cho hoạt động sản xuất - kinh doanh cốt lõi, GMD luôn hướng tới tăng trưởng và phát triển bền vững, các công tác quản trị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng phát triển đội ngũ nguồn nhân lực thực sự mạnh được GMD đặc biệt ưu tiên chú trọng để song hành cùng với đà tăng trưởng và phát triển nhanh và mạnh của Công ty trong thời gian sắp tới.

Trong năm nay, GMD thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư tại các sự kiện do các công ty chứng khoán tổ chức tại London (Anh quốc) cũng như ở trong nước.

Công ty tích cực tương tác thường xuyên với cổ đông, nhà đầu tư cũng như sẵn sàng chia sẻ thông tin và lắng nghe những ý kiến góp ý của nhà đầu tư, điều này đã được cộng đồng nhà đầu tư ghi nhận và đánh giá cao.

Với hiệu quả kinh doanh tốt cùng nỗ lực minh bạch, GMD được vinh danh ở nhiều giải thưởng cao quý. Liên tục trong 3 năm liền, GMD lọt vào Top 50 công ty niêm yết tốt nhất do Forbes bình chọn; thuộc Top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam năm 2018; nằm trong Top 45 doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR xuất sắc nhất (IR Awards 2018) do Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính phối hợp Vietstock khảo sát bình chọn,...

Trong một lần chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện GMD trao đổi tính minh bạch trong việc công bố thông tin của mỗi doanh nghiệp được xem là điều kiện cần thiết và là yếu tố then chốt để phát huy tối đa vai trò của thị trường chứng khoán Việt Nam để thị trường thực sự trở thành kênh huy động vốn hiệu quả và bền vững đối với doanh nghiệp.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục