Theo quan sát của chúng tôi, thời gian gần đây, các giao dịch thỏa thuận bất thường chủ yếu xuất phát từ giao dịch nội khối của nhóm NĐT nước ngoài. Đây có thể được hiểu là việc giao dịch để thoái vốn của các khoản đầu tư ngắn hạn xuất phát từ dòng tiền nóng đổ vào Việt Nam, hoặc giao dịch giữa các quỹ của cùng một đơn vị quản lý (như trường hợp quỹ do Dragon Capital quản lý giao dịch thời gian vừa qua). Trong tình huống này, việc giao dịch thỏa thuận bất thường là để tránh ảnh hưởng đến thị trường nên không có gì đáng ngại.
Một tình huống nữa của các giao dịch thỏa thuận bất thường là của các NĐT thực hiện giao dịch để chuyển tài khoản. Vừa qua, các ngân hàng thương mại bắt đầu giảm các khoản cho vay đầu tư chứng khoán và các CTCK cũng bắt đầu công bố việc tăng lãi suất ứng vốn cho NĐT. Do đó, không ít NĐT đã thực hiện giao dịch thỏa thuận để chuyển tài khoản sang CTCK còn hạn mức cho vay đầu tư chứng khoán nhiều và lãi suất thấp hơn. Đây là điều dễ hiểu trong bối cảnh thị trường tiền tệ đang được siết lại và TTCK vẫn trong quá trình dò đáy.
Trên thực tế, việc xuất hiện các giao dịch thỏa thuận đôi khi cũng là một tín hiệu thể hiện quan điểm thị trường của người mua. Do đặc điểm của giao dịch thỏa thuận là thời gian thanh toán chỉ là T+1 với các giao dịch giá trị từ 100.000 chứng khoán trở lên, nên nếu một NĐT nhận định TTCK có thể tăng trong 2 - 3 phiên tới thì việc họ chấp nhận mua ở giá trần theo phương thức khớp lệnh thỏa thuận khối lượng từ 100.000 cổ phiếu trở lên, thay vì khớp lệnh điện tử với giá rẻ hơn để có thể thực hiện bán chứng khoán ngay sau đó là hoàn toàn bình thường. Vì vậy, ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt mang tính sự vụ, tôi cho rằng, không có lý do để cơ quan quản lý phải siết chặt giám sát với các giao dịch thỏa thuận với giá bất thường.