GDP đánh giá lại bình quân 2010-2020 cao hơn khoảng 25,7%, do một số nguyên nhân như năng lực điều tra, thu thập tư liệu thống kê; không thu được đầy đủ hoạt động phi chính thức; không thừa nhận kinh tế bất hợp pháp (tham nhũng, thất thoát, mại dâm…)…
Cao hơn chỉ là về mặt tính toán, còn thực tế không phải tăng do sự phát triển, không phải là thành tích. Tuy nhiên, khi GDP đánh giá lại thì nhiều chỉ tiêu có liên quan đến GDP lại có sự thay đổi so với trước đây, đòi hỏi không chỉ ở sự tính toán một số chỉ tiêu có liên quan, mà còn ở việc ứng xử với các chỉ tiêu này.
Theo đó, tổng thu nhập quốc gia (GNI) có xu hướng tăng lên, chứng tỏ phần thu nhập từ nước ngoài thấp hơn phần thu nhập của nước ngoài từ trong nước, càng làm cho bình quân đầu người về GDP thấp hơn về GNI.
Một số chỉ tiêu khác như tỷ lệ xuất khẩu, nhập khẩu so với GDP đánh giá lại thấp hơn khi GDP chưa đánh giá lại…
Các chỉ tiêu tài chính chủ yếu có liên quan đến GDP trước điều chỉnh và sau điều chỉnh bao gồm: thu ngân sách/GDP, chi ngân sách/GDP, bội chi ngân sách/GDP, nợ công, nợ chính phủ, nợ quốc gia/GDP.
GDP là giá trị tăng thêm của toàn bộ nền kinh tế, trong đó có một phần nộp ngân sách nhà nước. Theo đó, nếu GDP là hiệu quả thì thu ngân sách/GDP là hiệu quả của hiệu quả. Cùng một tỷ lệ, nếu GDP lớn hơn, thì mức thu ngân sách cao lên và ngược lại.
Thu ngân sách/GDP trước khi đánh giá lại thường ở mức khá cao (năm 2015 là 24,3%; năm 2017 là 25,8%; năm 2018 là 25,8%; năm 2019 là 25,7%; năm 2020 là 24%). Khi GDP đánh giá lại, tỷ lệ trên đã giảm xuống (năm 2015 là 19,66%; năm 2017 là 20,55%; năm 2018 là 20,51%; năm 2019 là 20,37%; năm 2020 là 18,93%). Các tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với khi GDP chưa đánh giá lại.
Tổng thu là quan trọng để cân đối thu - chi ngân sách, nhưng thể hiện rõ nhất hiệu quả của nền kinh tế là tỷ trọng trong thu nội địa trong tổng thu. Tỷ trọng này đã tăng lên trong những năm qua và hiện đạt mức khá cao (năm 2015 đạt 75,6%, năm 2017 đạt 80,3%, năm 2018 đạt 80,7%, năm 2019 đạt 82,1%, năm 2020 đạt 85,6%).
Mục tiêu trong thời kỳ 2021-2026 theo Chương trình hành động của Bộ Tài chính được đề ra ở mức 85-86% là phù hợp với tỷ trọng đã đạt được trong năm 2020. Theo đó, tỷ trọng các khoản thu còn lại (thu từ dầu thô, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu, thu viện trợ) có xu hướng giảm dần và ở mức thấp.
Một chỉ tiêu rất quan trọng là bội chi ngân sách/GDP. Tỷ lệ này so với GDP đánh giá lại thấp hơn so với GDP khi chưa đánh giá lại (năm 2015 là 4,9% so với 6,1%; năm 2017 là 1% so với 1,3%; năm 2018 là 0,06% so với 0,1%; năm 2019 là gần 1,6% so với 3,3%; năm 2020 là 3,5% so với 4,4%).
Từ 2 chỉ tiêu trên có thể suy ra một chỉ tiêu quan trọng khác là tỷ lệ chi ngân sách/GDP. Tỷ lệ so với GDP đánh giá lại thấp hơn khi chưa đánh giá lại (2015 là 24,6% so với 30,4%, năm 2017 là 21,5% so với 27,1%, năm 2018 là 20,6% so với 25,9%, năm 2019 là 23% so với 29%, năm 2020 là 22,4% so với 28,4%).
Một chỉ tiêu rất quan trọng là trần nợ công. Trần nợ công/GDP được xác định cho thời kỳ 2021-2026 theo Chương trình hành động của Bộ Tài chính là ≤ 60%. Điều đó có nghĩa là, tỷ lệ so với GDP không có thay đổi lớn so với trước khi đánh giá lại (năm 2015 là 49,2% so với 61,8%, năm 2020 là 44,4% so với 56,8%), nhưng về mức tuyệt đối thì dư địa còn khá.
Trong Báo cáo 9 tháng 2021, GDP giá thực tế đánh giá lại là 5.985.200 tỷ đồng; tổng thu ngân sách đạt 1.039.200 tỷ đồng, bằng trên 17,4% GDP. Chi ngân sách đạt 975.600 tỷ đồng, bằng 16,3% GDP - đều thấp hơn so với những năm trước, nhưng lại bội thu. GDP giá so sánh đạt 3.643.800 tỷ đồng, tăng 1,42%.
Như vậy, khi GDP đánh giá lại, các chỉ tiêu về tài chính thấp xuống so với trước khi đánh giá lại về tỷ lệ, nhưng về quy mô tuyệt đối cần có sự rà soát kỹ hơn, nhất là đối với khoản thu ngân sách về cơ sở, về phi chính thức, về kinh tế bất hợp pháp…