Ðiều đó có nghĩa là GDP không những đạt cận trên như kế hoạch Quốc hội phê duyệt là tăng trưởng từ 6,6-6,8%, mà còn vượt kế hoạch đề ra trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đến từ cả yếu tố trong nước và nước ngoài.
Ðáng nói là tăng trưởng kinh tế cao không phải là kết quả của các biện pháp tăng trưởng “nóng”, mà ngược lại, các yếu đóng góp cho tăng trưởng kinh tế bền vững đã xuất hiện rõ nét hơn.
Theo đó, năng suất lao động năm nay ước đạt 112,7 triệu đồng/lao động, tăng 5,9% so với năm trước. Mô hình tăng trưởng chuyển dịch tích cực, giảm dần phụ thuộc vào khai khoáng và tăng tín dụng, đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng tăng.
Cụ thể, tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP theo giá cơ bản giai đoạn 2016-2018 tăng qua từng năm (năm 2016 là 14,3%; năm 2017 là 15,3% và năm 2018 là 16%), trong khi tỷ trọng của nhóm ngành khai khoáng giảm dần (năm 2016 là 8,1%; năm 2017 là 7,5% và năm 2018 là 7,4%).
Mức tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP năm 2016 lần lượt là 18,25% và 6,21%; năm 2017 là 18,28% và 6,81%; năm 2018 là 13,89% và 7,08%. Năm 2019 dự kiến đạt khoảng 14% và 6,8%.
Trong bối cảnh đó, việc Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 là khoảng 6,8% được xem là khá thận trọng, nhưng đồng thời cho thấy Chính phủ tiếp tục theo đuổi cách điều hành “nói ít làm nhiều”, cũng như chiến lược thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng theo hướng bền vững trong bối cảnh môi trường đầu tư, kinh doanh toàn cầu được dự báo tiếp tục có những diễn biến khó lường, tác động đa chiều đến Việt Nam.
Ðể đạt mục tiêu trên, trong các giải pháp điều hành, Chính phủ phát đi thông điệp tiếp tục theo đuổi phát triển bền vững với định hướng: Cơ cấu lại nền kinh tế mạnh mẽ, thực chất hơn; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu dựa vào tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động; tạo đột phá trong xây dựng nền tảng phát triển kinh tế số; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt; thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán...
Ðể có thêm dư địa mới cho tăng trưởng bền vững, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn một số vấn đề về sản xuất công nghiệp, khu vực dịch vụ, hoạt động thương mại, vốn đầu tư, môi trường kinh doanh…
Cùng với đó, cần thực hiện quyết liệt việc cắt giảm thủ tục hành chính thực chất; minh bạch và xử lý nghiêm sai phạm trong thực thi công vụ; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia; phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân, thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; đa dạng hóa sản phẩm, tránh lệ thuộc vào một vài thị trường, phát triển thị trường trong nước; điều chỉnh chính sách đầu tư phù hợp để tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại.
Khi có sự thống nhất ý chí và nỗ lực đồng bộ, nền kinh tế tiếp bước tăng trưởng không phải là câu chuyện xa vời.