Mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay được Quốc hội đặt ra là 6,7%. Trước những khó khăn của nền kinh tế, tại Kỳ họp Quốc hội thứ hai, khóa XIV, Chính phủ đã hạ mục tiêu tăng trưởng, nhưng vẫn không đạt. Ông bình luận gì về điều này?
Trước hết, tôi khẳng định, Chính phủ không hạ chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cũng như bất cứ chỉ tiêu nào đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 98/2015/QH13 về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.
Tuy nhiên, do thiên tai, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn; giá dầu thô, tài nguyên trên thị trường thế giới giảm tác động rất lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh, nên tại Kỳ họp Quốc hội thứ hai, Chính phủ đưa ra dự báo ngắn hạn năm 2016, với tốc độ tăng trưởng GDP là 6,3 - 6,5%. Đây là con số dự báo, là con số phấn đấu dựa trên tình hình thực tế, chứ không phải điều chỉnh. Bởi nếu điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP sẽ phải điều chỉnh hàng loạt chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác.
Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê)
Khi dự báo tăng trưởng GDP đạt 6,3 - 6,5%, Chính phủ đã căn cứ vào những chuyển biến tích cực của 9 tháng đầu năm, đặc biệt là quý III và các nguồn lực tạo đà cho kinh tế tăng trưởng trong quý IV, như số lượng doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại hoạt động tăng mạnh, dư địa giải ngân vốn đầu tư công còn lớn...
Kết quả cuối cùng là, GDP năm nay tăng 6,21%. Thưa ông, nguyên nhân do đâu?
Tốc độ tăng trưởng GDP năm nay chỉ đạt 6,21%, thấp hơn mức dự báo là tăng 6,3 - 6,5% do sản lượng lúa cả năm giảm 1,5 triệu tấn (giảm 3,3%) so với năm 2015 và giảm 200.000 tấn so với dự báo. Tính chung, tăng trưởng của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản năm nay chỉ đạt 1,36% - giảm khá mạnh so với tốc độ tăng trưởng 2,41% của năm 2015.
Tăng trưởng của ngành công nghiệp năm nay cũng thấp hơn năm ngoái, do ngành khai khoáng tiếp tục giảm sâu đối với cả dầu thô, than đá, khí. Nếu như trong 9 tháng đầu năm, than đá tăng 1,8%, khí tăng 2,2%, dầu thô giảm 7,8%, thì sang quý IV, các sản phẩm trên đều giảm sâu, nên cả năm than đá giảm 3,1%, khí giảm 0,5%, dầu thô giảm 9,9%.
Tăng trưởng kinh tế của hầu hết các nước trên thế giới đều thấp hơn dự báo. Với nền kinh tế có độ mở như Việt Nam, việc GDP tăng trưởng thấp hơn đôi chút so với dự báo cũng là chuyện bình thường, hợp quy luật và chấp nhận được.
Việc dự báo có sai số cũng là chuyện bình thường, không phải ở Việt Nam, mà các nước khác, các tổ chức tài chính - ngân hàng trên thế giới cũng ít khi có dự báo chính xác. Bằng chứng là hàng năm, IMF, ADB, WB… nhiều lần điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam, và các tổ chức đưa ra con số tăng trưởng GDP cũng khác nhau.
Ông có cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2016 ở mức 6,21% là chấp nhận được?
Tăng trưởng kinh tế của hầu hết các nước trên thế giới đều thấp hơn dự báo. Với nền kinh tế có độ mở như Việt Nam, việc GDP tăng trưởng thấp hơn đôi chút so với dự báo cũng là chuyện bình thường, hợp quy luật và chấp nhận được.
Tôi cũng muốn nói thêm rằng, tại Kỳ họp Quốc hội thứ hai, Chính phủ đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 6 - 7%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tương đương 32,5% GDP, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,5 - 5%...
Nhìn chung, kết quả thực hiện đạt được tuy có thay đổi, song các dự báo này tương đối chính xác. Đây là cơ sở quan trọng để Chính phủ giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững; tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân...
Với tình hình sản xuất, kinh doanh của năm 2016, ông có tin rằng, năm 2017 sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%?
Với những diễn biến của tình hình kinh tế thế giới và khu vực cũng như trong nước, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2017 có nhiều cơ sở đạt được.
Thứ nhất, sản xuất nông nghiệp đã tăng trưởng trở lại kể từ quý III/2016. Nếu không có diễn biến bất thường của thiên nhiên, thời tiết như năm 2016, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có thể đạt mức tăng trưởng như năm 2015 hoặc hơn.
Thứ hai, một số ngành, lĩnh vực còn dư địa tăng trưởng cao hơn năm 2016, như công nghiệp chế biến, chế tạo, thương mại, khách sạn nhà hàng, du lịch...
Thứ ba, lương cơ sở và lương tối thiểu vùng tiếp tục được điều chỉnh tăng, góp phần vào tăng trưởng cả sản xuất và tiêu dùng.
Thứ tư, Chính phủ đang đẩy mạnh rà soát, sửa đổi, bổ sung các giải pháp tạo chuyển biến rõ nét về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, loại bỏ rào cản bất hợp lý là đòn bẩy để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và kích thích các thành phần kinh tế trong nước bỏ vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thứ năm, năm 2016 có 110.100 doanh nghiệp thành lập mới, gần 27.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động với số vốn đăng ký mới và tăng thêm vào khoảng 2,5 triệu tỷ đồng. Đây sẽ là động lực quan trọng góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm tới.
Thế còn bất lợi, khó khăn, thách thức thì sao, thưa ông?
Năm 2017, kế hoạch khai thác dầu thô chỉ khoảng 14,2 triệu tấn, bằng 95% năm 2016 sẽ tác động làm giảm GDP 0,5 điểm phần trăm tăng trưởng. Bên cạnh đó, dự báo năm 2017, thị trường tài chính quốc tế có nhiều biến động do việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất cơ bản USD tạo áp lực lên tỷ giá VND/USD. Trong khi đó, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang có xu hướng quay trở lại, khiến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam gặp khó khăn.
Để khai thác cơ hội, hạn chế khó khăn, thách thức, tôi cho rằng, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2017, cần có sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Làm được như vậy thì mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.