GBS nỗ lực trở lại thị trường chứng khoán

(ĐTCK) Từng lọt vào Top 10 môi giới, nhưng sau đó bị mất tư cách thành viên tại 2 Sở giao dịch và phải đến tận giữa tuần này, CTCK Golden Bridge Việt Nam (GBS) mới có thể chính thức tuyên bố kế hoạch để trở lại TTCK.
Ông Lý Tường Tuấn (thứ hai từ trái sang) và ông Franklin Bak (thứ ba từ trái sang) chia sẻ về kế hoạch phục hồi GBS

Theo ông Lý Tường Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn tài chính Golden Bridge (Hàn Quốc), cổ đông nắm giữ 49% vốn tại GBS thì tháng 3 vừa qua, Golden Bridge đã chuyển thành công 3 triệu USD về Việt Nam nhằm phục vụ cho kế hoạch tăng vốn bằng phương thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho GBS. Các đối tác khác của Công ty là ngân hàng và công ty chứng khoán khác sẽ góp vốn theo phương thức chuyển một phần nợ thành vốn góp.

Với phương án tăng vốn này,  GBS sẽ tăng vốn điều lệ từ 135 tỷ đồng hiện nay lên 270 tỷ đồng. Kế hoạch này đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận về mặt nguyên tắc và GBS đang hoàn thiện hồ sơ theo hướng dẫn của Ủy ban.

Trao đổi với ĐTCK, ông Franklin Bak, Chủ tịch HĐQT GBS thừa nhận, vào năm 2010, do khó khăn chung của TTCK nên GBS cũng giống như nhiều CTCK khác gặp khó khăn về thanh khoản. Thời điểm đó, GBS có đề nghị tập đoàn mẹ Golden Bridge hỗ trợ. Tuy nhiên, do thủ tục đầu tư ra nước ngoài từ phía Hàn Quốc khá chặt chẽ nên chậm trễ so với thời điểm dự kiến là năm 2012.

“Nghĩa vụ với các nhà đầu tư sẽ được GBS ưu tiên thực hiện thanh toán ngay sau khi tăng vốn, chậm nhất là trong thời hạn 3 năm đối với các khoản tiền lớn. Khoản nợ với các ngân hàng và CTCK khác được cơ cấu lại và trả dài hạn”, ông Franklin Bak cho biết.

Theo kế hoạch tái cấu trúc của GBS, ưu tiên đầu tiên là đưa Công ty trở lại hoạt động bình thường. Định hướng trong thời gian tới của GBS là tập trung vào lĩnh vực môi giới trên cơ sở ưu thế về công nghệ giao dịch hiện đại. Cách thức về thu hút nhà đầu tư vẫn là dựa trên ưu thế công nghệ hiện đại và chất lượng dịch vụ, việc sử dụng margin cao để thu hút nhà đầu tư giao dịch không phải là ưu tiên bởi lựa chọn hiện nay của GBS là an toàn và phát triển bền vững cả cho công ty và khách hàng của mình.

Bên cạnh đó, theo ông Lý Tường Tuấn, với cam kết đầu tư lâu dài vào Việt Nam, Golden Bridge đang có kế hoạch hỗ trợ GBS thực hiện M&A để tăng quy mô hoạt động, hoặc tiếp tục tăng vốn lần hai cho GBS.

Mặc dù không tiết lệ về chi tiết, nhưng ông Tuấn khẳng định, M&A là một giải pháp quan trọng giúp GBS tăng quy mô vốn và mở rộng khả năng hoạt động. Việc M&A với một công ty khác để tạo thành một định chế tài chính mạnh hơn là một trong những giải pháp ưu tiên. 

"Tuy nhiên, nếu kế hoạch này chưa thực hiện sớm được, Golden Bridge cùng với các cổ đông khác vẫn sẽ tiếp tục đầu tư thêm vốn các giai đoạn tiếp theo giúp tăng cường năng lực tài chính và năng lực phục vụ khách hàng", ông Tuấn cho biết.

Cùng với kế hoạch M&A cho chính GBS thì lĩnh vực dịch vụ tư vấn M&A sẽ được GBS sớm triển khai. Theo đánh giá của ông Tuấn, số lượng các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK Việt Nam có quy mô nhỏ khá nhiều, nhu cầu M&A hiện đã có và còn tăng trong tương lai. Kinh nghiệm các TTCK phát triển đã cho thấy điều đó.

Nhận định về sự biến động giai đoạn hiện nay, ông Tuấn cho rằng, TTCK Việt Nam vẫn còn rất trẻ nên dao động tăng giảm biên độ mạnh trong thời gian ngắn là "chuyện bình thường". Khi quy mô thị trường phát triển và có nhiều công cụ đầu tư được phép áp dụng thì mức độ biến động lớn sẽ ít xuất hiện hơn.

"Trong thời gian qua, UBCKNN đã có sự nỗ lực rất lớn để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao năng lực giám sát và tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư nước ngoài, đây là những điểm rất tích cực", ông Tuấn nói và cho biết:

"Trong thời gian tới, nếu tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại tại các công ty chứng khoán Việt Nam được linh hoạt hơn thay vì cố định 2 tỷ lệ 49% và 100% như hiện nay thì chắc chắn sẽ có thêm rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam".

Đặng Khôi

Tin cùng chuyên mục