Gazprom "xoay trục" xuất khẩu khí đốt của Nga sang phía Đông với gói đầu tư 35 tỷ USD cho năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
Gazprom của Nga có kế hoạch chi tiêu kỷ lục cho năm 2023, được hỗ trợ bởi dòng tiền lớn từ giá xuất khẩu khí đốt cao chưa từng thấy ở châu Âu.
Nga đang chuyển hướng xuất khẩu khí đốt từ Tây sang Đông do các lệnh trừng phạt của phương Tây sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Ảnh: Bloomberg. Nga đang chuyển hướng xuất khẩu khí đốt từ Tây sang Đông do các lệnh trừng phạt của phương Tây sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Ảnh: Bloomberg.

Gazprom đã công bố một gói đầu tư rất lớn cho năm 2023 khi tăng chi tiêu trong năm tới lên 2,3 nghìn tỷ rúp (35 tỷ USD). Công ty đang chuẩn bị bắt tay vào các dự án lớn cần nhiều vốn có thể bao gồm các đường ống dẫn khí đốt mới đến Trung Quốc và điều này cũng cho thấy Gazprom thu nhập từ xuất khẩu khí đốt sang châu Âu cao hơn so với dự báo của các nhà phân tích.

Gói đầu tư mới đánh dấu mức tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái trong khoản đầu tư của nhà cung cấp khí đốt thuộc sở hữu nhà nước Nga và cao hơn gần 25% so với dự báo của BCS Global Markets, công ty môi giới có trụ sở tại Moskva cho biết trong một báo cáo nghiên cứu.

Đây là khoản đầu tư lớn nhất của Gazprom kể từ năm 2014. BCS cho biết: “Ngân sách cao bất ngờ này có thể được đầu tư lớn hơn dự kiến ​​vào loạt các dự án (Power of Siberia 1, khí hóa khu vực, Baltic LNG... ) và dòng tiền này có thể là một tín hiệu tích cực".

Đường ống dẫn khí Power of Siberia 1 đã bơm khí đốt sang Trung Quốc, nhưng các khoản đầu tư tiếp theo đang được tiến hành để nối mỏ khí đốt Kovyktinskoye ở khu vực Irkutsk (Nga) với đường ống này, nhằm tăng nguồn cung lên mức cuối cùng là 38 tỷ mét khối (bcm) mỗi năm.

Sau khi khả năng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu của Gazprom bị hạn chế nghiêm trọng do vụ nổ làm vô hiệu hóa hai đường ống dẫn khí đốt Nord Stream vào tháng 9, công ty này đang tìm cách chuyển hướng phân phối khí đốt từ Tây sang Đông . Đường ống Yamal Europe chạy qua Ba Lan tới Đức cũng đã bị ngừng hoạt động vào đầu năm nay do các lệnh trừng phạt.

Tuần này, Nga tuyên bố rằng các cuộc đàm phán với Trung Quốc về việc xây dựng đường ống Power of Siberia 2 đang được tiến hành “tích cực” và có thể vận chuyển 50 bcm mỗi năm khi hoàn thành trong thời gian ít nhất 5 năm.

Dự án Baltic LNG trị giá 13 tỷ USD cũng sẽ được triển khai trong vòng vài năm tới, sau quyết định đầu tư cuối cùng được đưa ra vào năm 2019. Gazprom cũng đã được Chính phủ Nga chỉ thị đẩy nhanh chương trình khí hóa quốc gia, nhằm mang lại nhiều nguồn cung cấp khí đốt hơn cho các hộ gia đình, doanh nghiệp và ngành công nghiệp.

Bộ tài chính Nga cho biết vào tháng 10/2022, nước này đã ghi nhận một khoản thặng dư ngân sách nhỏ (74 tỷ rúp, tương đương 1,2 tỷ USD) nhờ một khoản tiền mặt bổ sung từ thuế đặc biệt đối với Gazprom (416 tỷ rups, tương đương 6,9 tỷ USD).

BCS cho rằng ngân sách đầu tư trên của Gazprom có ​​thể ngụ ý triển vọng lạc quan về thu nhập năm 2023. Nếu không có các đường ống Nord Stream, khối lượng khí đốt mà Nga có thể xuất sang châu Âu sẽ giảm đi rất nhiều, nhưng nước này vẫn còn một số đường ống khác đang hoạt động.

Quan trọng nhất trong số đó là tuyến đường ống truyền thống qua Ukraine, theo các điều khoản của thỏa thuận mới được ký vào năm 2019 có thể vận chuyển 32 tỷ mét khối mỗi năm, dù khối lượng hiện tại đã giảm một nửa so với những năm trước.

Ngoài ra còn có đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho miền Nam châu Âu và đi vào hoạt động từ tháng 1/2020. Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ có công suất là 31,5 bcm, nhưng một nửa khối lượng đó được dành riêng để cung cấp cho thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, còn lại rất ít cho châu Âu. Một dự án đầu tư tiềm năng khác là xây dựng nhánh thứ hai của Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (Turk Stream) để cung cấp cho khu vực Nam Âu.

Ngoài ra, Azerbaijan gần đây đã ký một thỏa thuận với EU để tăng sản lượng cung cấp khí đốt tới châu Âu từ khoảng 8 tỷ mét khối lên 20 tỷ mét khối trong những năm tới. Tuần trước, Gazprom tuyên bố họ sẽ gửi thêm khí đốt đến Azerbaijan, điều này sẽ giúp Nga gián tiếp xuất khẩu khí đốt đến châu Âu.

T.T
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục