GAS: Bất thường khi mua quá ít cổ phiếu quỹ

(ĐTCK) Sự kiện GAS thông báo đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu (CP) quỹ chỉ trong khoảng thời gian từ 25/3/2015 đến 31/3/2015 với mua vào tối đa là 100.000 đồng/CP đã dấy lên cảm giác bất thường. Nhưng cảm giác bất thường trở nên mạnh mẽ hơn khi GAS công bố kết quả mua CP quỹ với vỏn vẹn 600.000 CP được mua. Với cách đánh vào tâm lý đám đông, mục tiêu phía sau của GAS là gì?
GAS: Bất thường khi mua quá ít cổ phiếu quỹ

Công bố mua lớn, mua gấp, mua giá cao, mua phi lý

Ngày 16/3, Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) công bố mua 10 triệu CP quỹ, theo phương thức  khớp lệnh và thỏa thuận từ 25/3 - 31/3/2015 với khoảng giá tối đa là 100.000 đồng. Mục tiêu GAS đưa ra là nhằm góp phần bình ổn giá CP và giữ uy tín thương hiệu PVGas, đồng thời để bán lại CP quỹ vào một thời điểm thích hợp, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của GAS. Tuy nhiên, sau thông tin này, thị giá GAS tiếp tục lao dốc, nhất là ngày 25/3 (ngày đầu tiên GAS phải mua CP quỹ), giá GAS đã giảm sàn.

Điểm bất hợp lý đầu tiên chính là số lượng mua CP rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý nhà đầu tư, nhưng lại được GAS công bố thực hiện khoảng thời gian rất ngắn. Để mua 10 triệu CP trong 5 ngày, mỗi ngày GAS cần mua 2 triệu CP. Trong khi đó, GAS không phải là CP thanh khoản cao, 3 tuần trong tháng 3, khối lượng khớp lệnh trung bình GAS chỉ gần 400.000 CP/ngày. Nếu mua “cật lực” trong 5 ngày với diễn biến thị trường bình thường, GAS cũng chỉ mua được khoảng 2 triệu CP.

Bất thường thứ hai, liên quan đến quy định pháp lý. Theo Điều 25, Quy chế hướng dẫn giao dịch chứng khoán tại Sở GDCK TP. HCM, số lượng CP quỹ đặt mua tối đa trong ngày không nhỏ hơn 3% và không vượt quá 10% số lượng CP quỹ đăng ký, trừ trường hợp khối lượng còn được phép đặt mua nhỏ hơn khối lượng tối thiểu 3% khối lượng xin phép trong đơn đăng ký. DN niêm yết cũng chỉ được phép không làm theo quy định này nếu có sự chấp thuận bằng văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Điều này có nghĩa là, nếu mua trong 5 ngày thì GAS chỉ được đặt mua tối đa 5 triệu CP (bằng 50% lượng đã công bố muốn mua). Ngay khi GAS công bố, nhiều nhà đầu tư đã cảm nhận được sự vô lý này và đặt dấu hỏi về sự hợp pháp trong thông báo mua CP quỹ của GAS cũng như động cơ thực của hành vi này là gì.

Kết quả của việc mua CP quỹ không quá bất ngờ với những NĐT thạo tin, nhưng với thị trường, đây là điều GAS cần phải giải thích.

Kết thúc thời gian mua vào, GAS chỉ giao dịch thành công 600.000 CP. Con số này nhỏ hơn rất nhiều so với mức mua tối thiểu mà GAS phải mua theo quy định là 15% tổng khối lượng đăng ký, tương đương 1,5 triệu CP. Nếu so với khối lượng CP mà Tổng công ty đã “hào phóng” đăng ký, thì tỷ lệ mua chỉ là 6%.

Trong khi đó, từ 25-31/3/2015, giá CP GAS dao động 64.000 - 70.000 đồng/CP, đáp ứng được điều kiện mức giá tối đa 100.000 đồng/CP mà GAS dự kiến mua vào. Khối lượng khớp trung bình của GAS mỗi phiên khoảng 930.000 CP. Điều này có nghĩa là, nếu thực sự muốn, GAS thừa sức mua được hàng triệu CP quỹ.

Sự minh bạch của DN và vai trò của nhà quản lý

Còn nhớ, sau giai đoạn năm 2008 - 2009, TTCK đã chứng kiến nhiều DN công bố thông tin giao dịch CP quỹ trong thời gian kéo dài. Hiện tượng nhiều DN khi CP bị sụt giảm giá mạnh đã công bố thông tin mua vào CP quỹ để bình ổn giá, nhưng sau đó không thực hiện gây bức xúc cho công chúng đầu tư. Khi đó, thời gian để công ty đại chúng thực hiện mua vào CP quỹ là 90 ngày kể từ khi bắt đầu và khối lượng giao dịch mỗi phiên bị giới hạn ở mức trần 10% khối lượng đăng ký mua vào.

Đó là lý do khi sửa đổi Thông tư 18/2007/TT-BTC, nay là Thông tư số 130/2012/TT-BTC ban hành ngày 10/8/2012, quy định về thời gian và cách thức mua CP quỹ được Bộ Tài chính siết lại. Tại Thông tư mới, thời gian mua vào được giảm xuống là tối đa 30 ngày kể từ khi bắt đầu giao dịch. Chi tiết thực hiện giao dịch do các Sở GDCK quy định và tại Sở GDCK TP. HCM, giới hạn mua CP quỹ của DN được quy định ở mức tối thiểu 3%, tối đa 10% khối lượng đăng ký. Quy định này được hiểu là để công ty niêm yết chắc chắn phải thực hiện đặt lệnh giao dịch mua vào (còn khớp hay không lại là chuyện của thị trường).

Sự thay đổi của quy định pháp lý để tránh tình trạng DN công bố thông tin mua CP quỹ… cho vui. Thế nhưng, câu chuyện của GAS, hay trước đó là Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVDrilling) lại khiến công chúng băn khoăn DN có làm đúng quy định không khi đây là 2 DN không chỉ là đại diện cho ngành dầu khí trên TTCK, mà còn có sức ảnh hưởng lớn đến TTCK Việt Nam, khi nằm trong TOP DN vốn hóa lớn nhất thị trường.

Cổ phiếu PVD của PVDrilling cũng sụt giảm tới hơn 40% chỉ sau một thời gian ngắn và sụt giảm ngay trước thông tin PVDrilling muốn mua vào 2 triệu CP quỹ. Đi trước GAS, PVDrilling cũng không mua được CP quỹ nào, với lý do: đặt lệnh không khớp. Hiện nay, PVDrilling có kế hoạch mua tiếp cổ phiếu quỹ.

Đi sau PVDrilling, GAS, đến lượt PVI đăng ký mua 10 triệu CP quỹ từ ngày 1/4 đến 27/4/2015. Dư luận băn khoăn đặt câu hỏi, liệu họ dầu khí có tiếp tục rơi vào “tình cảnh khó khăn”: muốn mua CP quỹ mà không được hay không?

Đăng ký mua khủng, mua nhanh, nhưng thực tế kết quả không như DN công bố khiến thị trường đặt câu hỏi: lý do thực sự của việc DN nói mua mà lại không mua là gì? Với vị thế và tầm ảnh hưởng rất lớn của GAS và PVDrilling, NĐT đang chờ đợi sự minh bạch từ chính DN, chờ đợi sự lên tiếng của cơ quan chức năng, để giải tỏa mối nghi vấn đang hiện hữu trong lòng thị trường.

Phan Hằng - Bùi sưởng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục