Gập ghềnh mục tiêu dư nợ 15%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tính đến ngày 10/9/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 7,11% và với đà tăng hiện tại, chặng đường hoàn thành mục tiêu dư nợ tăng 15% cho cả năm nay còn nhiều gập ghềnh.
BIDV đang triển khai giải pháp tài chính trọn gói với nhiều ưu đãi đặc biệt. BIDV đang triển khai giải pháp tài chính trọn gói với nhiều ưu đãi đặc biệt.

Tập trung tăng trưởng tín dụng

Theo Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, mục tiêu tăng trưởng 15% là con số định hướng trong điều hành chứ không phải áp đặt, quan trọng nhất lúc này là làm sao tập trung tăng trưởng tín dụng, tức là mở rộng đầu tư để góp phần tăng trưởng nền kinh tế. Khả năng cho vay của các ngân hàng đủ cho nhu cầu vốn tín dụng, nhưng điểm mấu chốt lúc này là khả năng hấp thụ nhu cầu vốn vay.

“Ngành ngân hàng đã triển khai các hội nghị kết nối của tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Các chính sách tín dụng ưu đãi, tín dụng trong chương trình mục tiêu đều được triển khai rất quyết liệt. Về cơ chế, sau khi Luật Các tổ chức tín dụng mới chính thức có hiệu lực từ 1/7/2024, nhiều thủ tục đã tinh gọn hơn, đây là điều kiện cho các ngân hàng có căn cứ pháp lý để đẩy mạnh cho vay”, ông Tú nói.

Chẳng hạn, BIDV đang triển khai giải pháp tài chính trọn gói với nhiều ưu đãi đặc biệt dành cho các bệnh viện, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục.

Theo đó, doanh nghiệp được hoàn 100% phí bảo lãnh dự thầu khi phát hành bảo lãnh trọn gói tại BIDV để thực hiện gói thầu vào các bệnh viện, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục; được ưu đãi lãi suất giảm tới 2%/năm so với mức thông thường.

BIDV chấp nhận đa dạng các loại tài sản đảm bảo, bao gồm quyền đòi nợ hình thành trong tương lai từ các bệnh viện. Đặc biệt, doanh nghiệp ngành dược được giảm đến 50% tỷ lệ tài sản đảm bảo so với mức thông thường khi phát hành bảo lãnh thực hiện các gói thầu vào các cơ sở y tế.

Bên cạnh việc tài trợ vốn lưu động nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu kinh doanh, BIDV còn dành cho doanh nghiệp ưu đãi phí cho tất cả các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng ngân hàng số BIDV iBank như giảm đến 30% phí tài trợ thương mại, phí chuyển tiền quốc tế đi, chuyển tiền trong nước; ưu đãi tỷ giá mua bán ngoại tệ đến 170 điểm; miễn phí chuyển tiền quốc tế đến.

Không những vậy, đối với doanh nghiệp là khách hàng mới của BIDV, chương trình sẽ có thêm những ưu đãi như miễn phí tài khoản số đẹp, miễn phí thường niên thẻ doanh nghiệp và hoàn tiền lên đến hơn 45% doanh số chi tiêu…

Được biết trước đó, BIDV đã đã triển khai gói tín dụng ưu đãi dành cho các doanh nghiệp ngành dược với mức lãi suất giảm tới 2%/năm so với mức lãi suất thông thường, hỗ trợ bổ sung kịp thời vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, mở rộng quy mô và thị phần của doanh nghiệp.

Hay như TPBank vừa áp dụng lãi suất 0% cho dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; giao thông vận tải, nông nghiệp, quản lý nước và chất thải bền vững; xây dựng và bất động sản xanh.

Theo đó, TPBank đẩy mạnh các gói vay dành cho doanh nghiệp có phương án, dự án xanh với mức lãi suất 0% trong 3 tháng đầu với tổng giá trị gói vay lên tới 5.000 tỷ đồng. Chính sách nhằm thực hiện cam kết của TPBank về quản lý rủi ro môi trường và vai trò của Ngân hàng trong việc tài trợ cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững, ít carbon.

Trong một diễn biến khác, thị trường đang chờ đợi phản ứng của NHNN sau động thái cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Bên cạnh đó, áp lực tỷ giá và lạm phát hạ nhiệt giúp NHNN có điều kiện chuyển hướng mục tiêu sang ưu tiên tăng trưởng kinh tế, gia tăng cung tiền và duy trì mặt bằng lãi suất ở vùng thấp.

Trước đó, cuối tháng 8/2024, NHNN thông báo điều chỉnh tăng thêm room tín dụng cho các ngân hàng đạt từ 80% chỉ tiêu được cấp vào đầu năm.

Bên cạnh khuyến khích các ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng cao tiếp tục có động lực cho vay thêm, chính sách này được cho là sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tại những ngân hàng chưa đạt mục tiêu.

“Chạy đua tăng trưởng tín dụng một mặt có thể khiến lãi suất tăng trong những tháng cuối năm, nhưng mặt khác cũng có thể dẫn đến rủi ro trong cho vay. Các ngân hàng cần thận trọng, áp dụng các công cụ quản trị rủi ro để giảm thiểu khả năng nợ xấu tăng mạnh”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định.

Quản trị rủi ro bằng các công cụ hiện đại

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nam - Phó giám đốc Khối Thông tin doanh nghiệp, phụ trách Mô hình rủi ro và Phân tích dữ liệu, FiinGroup nhận định, để đạt được tăng trưởng tín dụng bền vững cần nâng cao công tác quản trị rủi ro ở các khía cạnh khác nhau, từ khung chính sách, hạ tầng thông tin dữ liệu đến các công cụ ứng dụng vào quản lý rủi ro.

Về khung chính sách, theo ông Nam, hiện nay, cơ quan quản lý đang sử dụng room tín dụng như một công cụ điều hành chính nhằm hạn chế hay thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng, cho dù hiện tại cơ chế đã khá mở để các ngân hàng có thể tăng trưởng tín dụng hơn nữa.

Tuy nhiên, từ phân tích chất lượng tăng trưởng tín dụng như trên và từ kinh nghiệm tại các quốc gia phát triển, chúng ta nên hướng tới khung quản trị an toàn tín dụng trên cơ sở rủi ro (Risk Based Framework) thông qua việc áp dụng đánh giá rủi ro cho ngành và tham chiếu đến các kết quả xếp hạng tín nhiệm độc lập.

“Từng ngân hàng sẽ căn cứ vào mức độ rủi ro của danh mục, ước lượng vốn bù đắp rủi ro sát nhất với thực tế, từ đó đưa ra định hướng về phát triển kinh doanh phù hợp với năng lực về an toàn vốn của mình. Cơ chế này sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng linh hoạt trong định hướng đầu tư vào các ngành nghề, khách hàng và tài sản tài chính để đạt được hiệu quả tối ưu”, ông Nam nói.

Lấy ví dụ, một trái phiếu bất động sản được xếp hạng cao bởi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín trong nước như FiinRatings nên được coi là ít rủi ro và mức độ tài sản có rủi ro (RWA) thấp, thay vì đánh đồng theo lĩnh vực kinh doanh như hiện nay.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp kinh doanh tốt, chất lượng tín dụng tốt cũng sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ cơ chế định giá trên cơ sở rủi ro, khuyến khích và tạo điều kiện mở rộng vay vốn để đưa vào hoạt động kinh doanh.

Ở khía cạnh hạ tầng thông tin dữ liệu hỗ trợ tín dụng, ông Nam cho biết, hiện tại, thị trường Việt Nam còn khá hạn chế. Vai trò cung cấp thông tin tín dụng chủ yếu ở các đơn vị truyền thống như Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia (CIC).

Nếu so sánh với các thị trường phát triển, chúng ta sẽ cần nhiều hơn nữa những đơn vị hoạt động về thông tin doanh nghiệp, thông tin định giá tài sản và hàng hóa, thông tin giao dịch thương mại, hay các nhóm thông tin từ cơ quản quản lý như thông tin nghĩa vụ thuế, bảo hiểm xã hội, xuất nhập khẩu.

Xu hướng số hóa và áp dụng các công nghệ lưu trữ và chia sẻ dữ liệu mới như Open API, Pseudonymous (mã hóa định danh) sẽ là chìa khóa cho các mô hình và phương thức vận hành dữ liệu trong tương lai.

“Áp dụng trên thực tế, công cụ quản trị rủi ro bao gồm các phương pháp và công nghệ được sử dụng để dự đoán, đo lường và giám sát các rủi ro có thể xảy ra trong hoạt động tín dụng. Ví dụ, việc sử dụng mô hình phân tích dự đoán để đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, hoặc sử dụng các nguồn dữ liệu Big Data bên ngoài kết hợp với công cụ AI/ML để đánh giá tín dụng, giám sát tín dụng”, ông Nam nói, đồng thời cho biết, hiện có sự phân hóa khá rõ rệt giữa các ngân hàng tốp trên và tốp dưới trong việc ứng dụng các công cụ quản trị rủi ro này.

Thêm vào đó, sự hạn chế về tiếp cận các nguồn dữ liệu toàn diện đang là khó khăn chung mà tất cả ngân hàng đều gặp phải. Xu hướng trong tương lai là tận dụng các nguồn thông tin của bên thứ ba có độ tin cậy cao, kết hợp năng lực chuyên môn, công nghệ của các đơn vị cung cấp thông tin để tạo ra các công cụ giám sát rủi ro vững mạnh và hiệu quả.

Do đó, FiinGroup đang hợp tác cùng S&P Global Market Intelligence triển khai hệ thống Cảnh báo sớm rủi ro (Early Warming Risk Solution) cho khách hàng doanh nghiệp của một số định chế tài chính tại Việt Nam.

“Trong bối cảnh biến động kinh tế ngày càng phức tạp và khó dự đoán, chúng tôi khuyến nghị các ngân hàng cần nâng cao năng lực quản trị rủi ro thông qua việc áp dụng các công cụ hiện đại. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro nợ xấu, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng tín dụng một cách bền vững”, ông Nam nhấn mạnh.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục