Gạo sắp vào “bão giá”?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá gạo thế giới có khả năng tăng cao sau khi nước xuất khẩu lớn nhất là Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm, đồng thời áp thuế 20% đối với hầu hết các loại gạo khác kể từ ngày 9/9/2022.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Quyết định trên của Ấn Độ được đưa ra trong bối cảnh sản lượng vụ lúa chính ở nước này thu hoạch vào tháng 10 tới được dự báo giảm 10 - 12 triệu tấn, bởi diện tích canh tác ước tính giảm 5,6% vì hạn hán.

Trong khi đó, xuất khẩu gạo 8 tháng đầu năm 2022 đạt 15,25 triệu tấn, tăng 750.000 tấn so với cùng kỳ. Tính đến ngày 1/8, lượng dự trữ gạo của đất nước 1,4 tỷ dân giảm 3,45 triệu tấn so với cùng kỳ, xuống 40,99 triệu tấn, còn lượng dự trữ lúa mì ở mức thấp nhất 14 năm qua là 26,65 triệu tấn.

Với gạo tấm, khối lượng xuất khẩu từ tháng 4 đến tháng 8 đạt 2,13 triệu tấn, tăng vọt so với mức 1,58 triệu tấn của cùng kỳ. Loại gạo này không còn đủ nhiều để làm thức ăn cho gia cầm hoặc sản xuất ethanol phục vụ như cầu trong nước, vì tỷ trọng gạo tấm trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng lên 23%, từ mức 1,3% năm 2019.

Mặc dù sản lượng gạo của Ấn Độ trong năm nay được cho là vẫn đủ đáp ứng nhu cầu trong nước, nhưng giới chức nước này cho rằng, việc siết xuất khẩu gạo là cần thiết nhằm đảm bảo an ninh lương thực.

Ông BV Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo toàn Ấn Độ (AIREA) cho biết, việc áp thuế sẽ ảnh hưởng đến gạo trắng và gạo lứt, chiếm khoảng 60% lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ.

“Với mức thuế 20%, gạo của Ấn Độ sẽ trở nên khó cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới. Người mua sẽ chuyển sang các quốc gia như Thái Lan, Việt Nam”, ông Krishna Rao bày tỏ lo ngại.

Sau quyết định áp thuế, gần 1 triệu tấn gạo đã bị “mắc kẹt” tại các cảng của Ấn Độ, bởi hầu hết người mua từ chối trả thêm 20% giá lô hàng, còn người bán không thể bỏ ra 20% tiền thuế xuất khẩu.

Theo ông Krishna Rao, các nhà xuất khẩu Ấn Độ sẽ kiến nghị Chính phủ miễn thuế đối với khoảng 2 triệu tấn gạo đã được ký hợp đồng xuất khẩu nhưng chưa được vận chuyển.

Mặc dù vậy, ông Himanshu Agarwal, Giám đốc Công ty Satyam Balajee, nhà xuất gạo lớn nhất Ấn Độ nhận định, xuất khẩu gạo của nước này sẽ giảm ít nhất 25% trong những tháng tới.

Đồng quan điểm, ông Vijay Setia, cựu Chủ tịch AIREA dự báo, sản lượng xuất khẩu gạo có thể chỉ đạt 16 - 17 triệu tấn trong niên vụ 2022 - 2023, giảm 4 - 5 tấn so với niên vụ 2021 - 2022.

Bà Nguyễn Trần Phương Nga, chuyên gia phân tích cao cấp, Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI cho hay, trong niên vụ 2021 - 2022 (kết thúc vào tháng 3/2022), Ấn Độ đã xuất khẩu 21 triệu tấn, chiếm 40% tổng xuất khẩu gạo toàn cầu. Các nước xuất khẩu gạo lớn khác là Thái Lan (chiếm khoảng 14%) và Việt Nam (chiếm khoảng 13%). Xét theo năm, Ấn Độ xuất khẩu 21,5 triệu tấn gạo trong năm 2021, trong đó có khoảng 3,9 triệu tấn gạo tấm.

“Ấn Độ áp thuế xuất khẩu 20% sẽ giúp gạo Thái Lan và Việt Nam cạnh tranh hơn”, bà Nga nói.

Thực tế cho thấy, thuế xuất khẩu cao khiến các nhà xuất khẩu gạo của Ấn Độ tạm ngừng ký hợp đồng mới, còn bên mua cố gắng đảm bảo nguồn cung từ các thị trường khác như Thái Lan, Việt Nam, Myanmar.

Riêng gạo tấm, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu mặt hàng này có thể ảnh hưởng nhiều đến Trung Quốc, nước có nhu cầu nhập khẩu rất lớn để làm thức ăn chăn nuôi, thay thế cho ngô. Năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu 1,1 triệu tấn gạo tấm từ Ấn Độ và 433.000 tấn từ Việt Nam.

Tại Việt Nam, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2022, giá xuất khẩu gạo trung bình là 472,9 USD/tấn, giảm 3,4% so với tháng 7 và giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu gạo trung bình là 486,5 USD/tấn (tương đương quý I/2022), giảm 9% so với cùng kỳ.

Sau khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo, giá chào bán gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới loại 5% tấm tăng 7 USD/tấn, lên 400 USD/tấn (4 tháng trước đó liên tiếp có diễn biến giảm), còn loại 25% tấm và 100% tấm ổn định ở mức 378 USD/tấn và 383 USD/tấn.

Bộ trưởng Nông nghiệp Thái Lan Chalermchai Sri-on cho biết, trong khi nông dân trồng lúa bị ảnh hưởng do chi phí sản xuất tăng cao trước các diễn biến phức tạp như đại dịch Covid-19 hay cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, thì giá gạo trên thị trường toàn cầu lại không tăng tương xứng. Trước bối cảnh này, Việt Nam và Thái Lan sẽ chung tay đàm phán, nhằm tăng giá gạo một cách hợp lý bằng cách sử dụng cơ chế định giá trên thị trường toàn cầu.

Liên quan đến giá gạo, ông Ashok Gulati, giáo sư tại Hội đồng Nghiên cứu quan hệ kinh tế quốc tế Ấn Độ nhận xét, Ấn Độ đã xuất khẩu gần 40% lượng gạo thương mại toàn cầu, điều đó đã giúp làm giảm giá gạo.

“Ấn Độ xuất khẩu gạo giá rẻ một phần là nhờ Chính phủ dành các khoản trợ cấp khổng lồ cho phân bón và điện. Quyết định hạn chế xuất khẩu gạo từ ngày 9/9/2022 là nỗ lực để thu hồi một phần các khoản trợ cấp đó”, giáo sư Ashok Gulati nói.

Diệp Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục