Đường về đích xa hơn
Xuất khẩu hàng hóa - một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm giảm 12,1% so với cùng kỳ, so về trị giá xấp xỉ 23 tỷ USD, là con số không hề nhỏ, gần bằng kim ngạch xuất khẩu của 1 tháng.
Cầu tại các thị trường lớn đều phục hồi chậm, nhưng lo ngại với các ngành hàng xuất khẩu trong nước là xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng ngày càng rõ nét.
Các tập đoàn đa quốc gia đang thực hiện chiến lược chuyển dịch chuỗi cung ứng, sản xuất đến gần với thị trường tiêu thụ (Near sourcing) và đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất, thay vì chỉ tập trung nhà máy ở một số nước như Trung Quốc, Việt Nam, khiến cho đơn hàng ít đi. Hiện nhiều tập đoàn đa quốc gia đầu tư nhà máy sản xuất ở một số nước như Ấn Độ, Mexico, Brazil… làm gia tăng đối thủ cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần của hàng Việt Nam tại các thị trường này.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) lo ngại, chuỗi cung ứng dịch chuyển về gần nơi tiêu thụ ngày càng rõ trong nửa đầu năm 2023. Chẳng hạn, tại EU, các nhà mua hàng tăng đặt hàng từ Thổ Nhĩ Kỳ, thay vì từ Việt Nam.
Gỗ là ngành xuất khẩu chủ lực, nhưng trong bối cảnh lạm phát gia tăng, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, xuất khẩu gỗ giảm mạnh, doanh nghiệp thiếu đơn hàng trầm trọng. Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ mới mang về 6,01 tỷ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Đại điện một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đi Mỹ cho hay, trước đây, khách hàng thường đặt đơn cho cả năm, nhưng năm nay họ chia nhỏ đơn hàng theo quý. Đơn hàng nhỏ thì sẽ hẹp hơn về quy mô, khó cho nhà sản xuất.
Rõ ràng, sự sụt giảm của nhu cầu thế giới chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023.
Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu
Báo cáo Vietnam At A Glance tháng 7/2023 của Ngân hàng HSBC với tựa đề “Mùa hè kém sôi động” cho rằng, nửa năm qua đi, nhưng những thách thức với kinh tế Việt Nam vẫn còn đó. Về thương mại, một trong những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam, đã dần suy yếu kể từ quý IV/2022. Sự suy giảm sản xuất phản ánh rõ ràng những thách thức thương mại ngày càng gia tăng mà Việt Nam phải đối mặt.
Xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục mức giảm hai con số trong quý II/2023. Điểm sáng duy nhất là xuất khẩu nông sản, nhưng tỷ lệ 10% của ngành hàng này lại quá nhỏ để bù đắp cho sự suy yếu rộng khắp ở các lĩnh vực khác.
Nhiều ngành hàng lớn, gồm điện tử, dệt may, giày dép, máy móc và đồ gỗ nội thất, đều suy giảm ở mức hai con số.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu của Mỹ sụt giảm, vì Mỹ là thị trường nhập khẩu chính đối với hầu hết sản phẩm. Hiện xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã giảm với mức 20% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh tính nghiêm trọng của suy thoái thương mại.
“Dù tốc độ tăng trưởng sản xuất trong quý II tích cực hơn, song yếu tố này chỉ đóng góp tối thiểu vào tăng trưởng. Thương mại Việt Nam vẫn chưa thấy dấu hiệu rõ rệt của phục hồi”, Báo cáo của HSBC nêu.
Tổ chức này dự báo, xu hướng thương mại sẽ thay đổi sớm nhất vào quý IV/2023, theo hướng ổn định trước rồi mới xuất hiện sự gia tăng.
Trước tình trạng đơn hàng thiếu, xuất khẩu hụt hơi hàng chục tỷ USD, Bộ Công thương đã đề xuất thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng sụt giảm đơn hàng, thúc đẩy xuất khẩu 6 tháng cuối năm.
Mục tiêu năm 2023 là tăng trưởng xuất khẩu khoảng 6% so với năm 2022, tương đương kim ngạch xuất khẩu 393-394 tỷ USD. Những giải pháp gỡ khó cho sản xuất về cơ chế, về vốn, về thủ tục kinh doanh cần được đẩy mạnh để tiếp sức cho các ngành hàng, doanh nghiệp.
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm ngành công thương mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý: “Nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh tại các quốc gia trên thế giới, trong đó có khu vực châu Âu, châu Mỹ, là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam”.
Do đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, phải tiếp tục cảnh báo sớm các “rào cản” mới của đối tác và các vụ việc phòng vệ thương mại. Tìm kiếm khách hàng, khai thác cơ hội từ 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), thúc đẩy đàm phán FTA mới với các nước. Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài phải tích cực hơn trong việc cung cấp, tư vấn thông tin thị trường cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Trong khi các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là EU, Mỹ chưa phục hồi, doanh nghiệp cần ưu tiên chuyển hướng khai thác các thị trường mới nổi, thị trường có tiềm năng như các nước Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ La tinh, Nam Á…