Gắn Cổ phần hóa với TTCK: Quyết tâm và hy vọng

(ĐTCK) Việc phát triển TTCK ở Việt Nam không thể tách rời quá trình đổi mới DNNN. Chúng ta đã có nhiều nỗ lực để cải thiện luật pháp và chính sách nhằm gắn kết quá trình cổ phần hóa với TTCK. 
Sau khi kết thúc đấu giá, cổ phiếu của DN cổ phần hóa cần được đăng ký, lưu ký tập trung tại VSD để có thể sẵn sàng giao dịch Sau khi kết thúc đấu giá, cổ phiếu của DN cổ phần hóa cần được đăng ký, lưu ký tập trung tại VSD để có thể sẵn sàng giao dịch

Tuy nhiên, cho đến nay, cổ phần hóa DNNN vẫn chưa đi liền với việc niêm yết/đăng ký giao dịch (NY/ĐKGD) trên thị trường thứ cấp và điều này làm giảm sức hấp dẫn của các DNNN cổ phần hóa.

Thông lệ quốc tế

Việc cổ phần hóa DNNN (quốc tế gọi là tư nhân hóa) có thể được thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau, nhưng theo thuật ngữ ngành chứng khoán thì có thể gói gọn lại 2 phương thức: bán cổ phần riêng lẻ (cho một số NĐT hạn chế) hoặc chào bán chứng khoán ra công chúng.

Khi chứng khoán được chào bán ra công chúng thì thông tin về chứng khoán và quá trình chào bán phải minh bạch, trung thực; tiếp đến là chứng khoán phải được đưa vào giao dịch trên thị trường có tổ chức để tạo tính thanh khoản và bảo vệ quyền lợi của người đầu tư.

Vì vậy, hầu hết các nước trên thế giới đều chỉ cho phép DN được chào bán chứng khoán ra công chúng khi DN đồng thời thực hiện việc đăng ký NY/ĐKGD đó trên một thị trường có tổ chức. Đối với các DNNN cổ phần hóa thông qua chào bán cổ phiếu ra công chúng, thì việc sớm NY/ĐKGD sau khi chào bán cổ phiếu là một trong những nhân tố quyết định mức độ thành công của đợt chào bán. Do đó, việc NY/ĐKGD thường được thể hiện ngay trong phương án tư nhân hóa, với sự tham gia ý kiến của Ủy ban Chứng khoán và Sở GDCK, để đảm bảo rằng cổ phiếu chào bán được nhanh chóng đưa vào giao dịch trên thị trường tập trung.

Ví dụ, ở Ba Lan, DNNN thực hiện tư nhân hóa trước hết được chuyển thành công ty cổ phần một cổ đông (vì Luật Doanh nghiệp Ba Lan không phân biệt công ty TNHH với công ty cổ phần và công ty cổ phần có thể chỉ có một cổ đông). Trong hồ sơ chào bán cổ phiếu ra công chúng, công ty này nêu rõ kế hoạch NY/ĐKGD cổ phiếu sau khi phát hành, kèm theo dự thảo điều lệ của công ty. Khi NĐT chấp nhận mua cổ phiếu của công ty có nghĩa là họ chấp thuận điều lệ công ty và chủ trương NY/ĐKGD cổ phiếu. Việc xem xét chấp thuận cho cổ phiếu được NY/ĐKGD được tiến hành đồng thời với quá trình lập hồ sơ chào bán cổ phần lần đầu để tư nhân hóa. Do đó, cổ phiếu chào bán xong có thể được niêm yết ngay trên Sở GDCK Vac-sa-va trong vòng 1 tuần. Đây là yếu tố rất hấp dẫn đối với các NĐT, góp phần quan trọng vào sự thành công của chương trình tư nhân hóa DNNN ở Ba Lan. 

Đặc thù Việt Nam

Những bản dự thảo Pháp lệnh Chứng khoán đầu tiên của Việt Nam do Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) giúp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam biên soạn trong giai đoạn 1994 - 1997 đã tiếp thu kinh nghiệm quốc tế khi quy định: DN muốn chào bán chứng khoán ra công chúng phải đồng thời nộp hồ sơ cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và Sở GDCK. Trường hợp hồ sơ hợp lệ thì UBCK chỉ cấp phép chào bán chứng khoán sau khi Sở GDCK đã chấp thuận nguyên tắc việc NY/ĐKGD cổ phiếu chào bán.

Tuy nhiên, tại thời điểm UBCK được thành lập (tháng 4/1997), nhận thức về TTCK của xã hội nói chung còn hạn chế, chương trình cổ phần hóa DNNN chủ yếu được thực hiện đối với các DN vừa và nhỏ, cách định giá còn hành chính và cổ phiếu được bán trong phạm vi hẹp. Trong bối cảnh đó, đa số bộ, ngành có ý kiến lo ngại rằng, quy định như trên sẽ cản trở chương trình cổ phần hóa DNNN. Thậm chí, nhiều người không đồng tình với khái niệm “chào bán chứng khoán ra công chúng” vì cho rằng, nó quá rộng, quá “tây”.

Do đó, Nghị định 48/1998/NĐ-CP về chứng khoán và TTCK chỉ đưa ra khái niệm “phát hành chứng khoán ra công chúng” là khi phát hành chứng khoán cho trên 100 NĐT qua các phương tiện thông tin đại chúng và Nhà nước chỉ quản lý việc “phát hành chứng khoán ra công chúng để niêm yết trên thị trường giao dịch tập trung”, trừ DNNN thực hiện cổ phần hóa.

Do vậy, việc cổ phần hóa DNNN không gắn với TTCK, ngay cả các DN tư nhân, công ty TNHH và công ty cổ phần nói chung cũng thực hiện chào bán cổ phiếu cho công chúng đầu tư mà không có bản cáo bạch và hồ sơ đăng ký với UBCK.

Trong bối cảnh đó, không có gì khó hiểu là suốt 5 năm đầu của TTCK (2000 - 2005), số lượng công ty niêm yết trên Trung tâm GDCK TP. HCM chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Giai đoạn 2005 - 2006, nhận thức về sự cần thiết gắn cổ phần hóa DNNN với TTCK có những chuyển biến quan trọng, thể hiện trong Nghị định 187/2014/NĐ-CP về chuyển DNNN thành CTCP, Quyết định 528/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh sách các công ty cổ phần hóa thực hiện bán đấu giá cổ phần, NY/ĐKGD trên TTCK. Đặc biệt, Luật Chứng khoán bước đầu đưa ra những quy định quản lý đối với việc “chào bán chứng khoán ra công chúng” và “công ty đại chúng” theo thông lệ quốc tế. Nhờ đó, các đợt đấu giá cổ phần của DNNN cổ phần hóa được tổ chức công khai tại các Trung tâm GDCK, thu hút sự quan tâm đông đảo của NĐT trong và ngoài nước. Việc cổ phần hóa nhiều DN lớn như Nhiệt điện Phả Lại, Đạm Phú Mỹ, Sabeco, Vietcombank… diễn ra thuận lợi.

Nhưng Luật Chứng khoán 2006 cũng như các văn bản pháp quy về cổ phần hóa DNNN chưa quy định việc DNNN cổ phần hóa bắt buộc phải NY/ĐKGD cổ phiếu sau khi chào bán ra công chúng, nên quá trình cổ phần hóa vẫn bị tách rời với thị trường thứ cấp. Một số DN lớn đã đấu giá cổ phần ra công chúng từ năm 2007 mà tới nay vẫn chưa niêm yết, khiến NĐT bức xúc.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán năm 2010 cũng chưa đưa ra được yêu cầu tất cả DN đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng phải cam kết đưa chứng khoán vào giao dịch trên thị trường có tổ chức, mà mới chỉ quy định “công ty đại chúng đăng ký cháo bán chứng khoán ra công chúng phải cam kết đưa chứng khoán vào giao dịch trên TTCK có tổ chức trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán được ĐHCĐ thông qua” (Khoản 7, Điều 1). DNNN thực hiện cổ phần hóa không phải đăng ký việc chào bán (đấu giá) cổ phiếu với UBCK nên không thuộc diện điều chỉnh của quy định trên 

Quyết tâm và hy vọng

Từ cuối năm 2013, nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng có nhiều khởi sắc, chương trình đổi mới DNNN đến giai đoạn quyết liệt với nhiều DN lớn cần cổ phần hóa, đòi hỏi phải có những biện pháp cụ thể hơn, nhằm gắn kết cổ phần hóa các DNNN với TTCK thứ cấp.

Vì vậy, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 51/2014/QĐ-TTg quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của DNNN, trong đó đưa ra thời hạn cụ thể để DN cổ phần hóa phải hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng, đăng ký giao dịch tại hệ thống giao dịch UPCoM hoặc niêm yết trên Sở GDCK. Đây là một quyết định thể hiện quyết tâm chính trị rất cao.

Tuy nhiên, thời gian để DN cổ phần hóa thực hiện NY/ĐKGD sau khi chào bán cổ phần vẫn còn quá dài so với thông lệ quốc tế. Điều này là do Luật Doanh nghiệp của Việt Nam còn phân biệt công ty trách nhiệm hữu hạn với công ty cổ phần và do việc DNNN cổ phần hóa bắt buộc phải hoàn thành thủ tục chuyển đổi pháp lý thành công ty cổ phần trước khi có thể đăng ký giao dịch hoặc niêm yết cổ phiếu. Mà để hoàn thành thủ tục chuyển đổi, doanh nghiêp phải tổ chức ĐHCĐ, thông qua điều lệ công ty, xin cấp giấy chứng nhận đăng ký DN và những thủ tục này đòi hỏi thời gian nhiều tháng.

Theo quan điểm cá nhân người viết, những vấn đề nêu trên chủ yếu mang tính kỹ thuật và có thể khắc phục trong những văn bản pháp quy hướng dẫn. Luật Doanh nghiệp 2014 vừa được Quốc hội ban hành, nhiều văn bản hướng dẫn liên quan cần được bổ sung, sửa đổi và đây là cơ hội để xem xét bổ sung vào các văn bản hướng dẫn Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và văn bản điều chỉnh việc cổ phần hóa DNNN các quy định theo hướng:

- Tạo cơ chế để DN có thể bán cổ phần trực tiếp cho một số NĐT tổ chức thông qua thương lượng hoặc phương pháp “dựng sổ” (book building) và đăng ký chuyển đổi thành công ty cổ phần trước khi đấu giá ra công chúng. Khi thực hiện đấu giá ra công chúng, hồ sơ công bố thông tin kèm theo điều lệ công ty và nêu rõ kế hoạch NY/ĐKGD. NĐT chấp nhận mua cổ phiếu là chấp nhận điều lệ và kế hoạch lên sàn.

- Trường hợp DN cổ phần hóa thông qua đấu giá ra công chúng: hồ sơ công bố thông tin cần kèm theo dự thảo điều lệ công ty và kế hoạch NY/ĐKGD cổ phiếu trên Sở GDCK, đồng thời nêu rõ NĐT mua cổ phiếu được coi là đã chấp thuận điều lệ cũng như chủ trương lên sàn. Hồ sơ đăng ký công ty đại chúng với UBCK cũng như hồ sơ NY/ĐKGD cần được miễn trừ yêu cầu phải có điều lệ chính thức và nghị quyết của ĐHCĐ về việc NY/ĐKGD. Mặt khác, cần xem xét việc cấp giấy chứng nhận đăng ký DN tạm thời cho DN cổ phần hóa ngay sau khi có báo cáo kết quả chào bán cổ phần, mà không cần chờ họp ĐHCĐ.

 - Trong trường hợp DN cổ phần hóa có thể đủ điều kiện niêm yết, hồ sơ cổ phần hóa cần được nộp đồng thời cho UBCK và Sở GDCK nơi DN dự định niêm yết xem xét trước khi công bố thông tin đấu giá, để đảm bảo kế hoạch niêm yết là khả thi ngay sau khi cổ phần hóa. Trường hợp đăng ký giao dịch, doanh ngiệp chỉ cần đăng ký với Sở GDCK Hà Nội trước khi thực hiện đấu giá.

- Sau khi kết thúc đấu giá, cổ phiếu của DN cổ phần hóa được đăng ký, lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán để có thể sẵn sàng giao dịch.

- Để đảm bảo quyền lợi của NĐT, cần ban hành điều lệ mẫu cho các DNNN cổ phần hóa (có thể tham khảo điều lệ mẫu cho công ty đại chúng hiện hành). Căn cứ vào đó, từng DN có thể điều chỉnh những điểm đặc thù để đưa vào hồ sơ cổ phần hóa trước khi đấu giá cổ phần ra công chúng.

Với những biện pháp nêu trên, hy vọng trở ngại pháp lý đối với việc sớm đưa cổ phiếu DNNN cổ phần hóa vào giao dịch sẽ được khắc phục và đáp ứng được mong đợi của thị trường.

Vũ Thị Kim Liên

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 226.82 0.0 0.0% 1,394 tỷ
UPCOM 88.76 0.0 0.0% 447 tỷ