Hội thảo “Ngày hội kết nối doanh nghiệp, tiếp sức doanh nghiệp nhỏ lớn mạnh” do VCCI và VPBank tổ chức ngày 8/7 tại Hà Nội thu hút gần 300 doanh nghiệp vừa và nhỏ tham dự.
Tại hội thảo, ông Hoàng Xuân Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế VAG, chuyên sản xuất, xuất khẩu các loại khăn bông cho biết, có nhiều ngân hàng đến trao đổi với ông, tìm hiểu về doanh nghiệp, nhưng khi đề cập đến chuyện vay vốn ngân hàng, các nhân viên ngân hàng này đều lắc đầu, với lý do doanh nghiệp của ông không có tài sản đảm bảo để thế chấp.
“Tôi chưa tin rằng ngân hàng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn mà không có tài sản đảm bảo để thế chấp”, ông Hải nói.
Tương tự, bà Bùi Thị Hồng Hà, Công ty cổ phần CPART, chuyên phát triển dòng vi sinh ứng dụng trong bảo vệ môi trường; phát triển chăn nuôi, trồng trọt cũng cho biết, dù ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp có tiềm năng lớn, đặc biệt xuất khẩu sang Lào rất tốt, nhưng vấn đề chính là tiếp cận nguồn vốn.
Doanh nghiệp cũng đã nhận được lời chào mời của lãnh đạo các ngân hàng rất hấp dẫn như vay tín chấp, liên hệ với nhân viên nhiệt tình, có trách nhiệm…
Tuy nhiên, hồ sơ soạn lên, soạn xuống, duyệt lên duyệt xuống rất mất thời gian. Thậm chí doanh nghiệp phải cắt cử riêng một nhân sự của phòng kế toán để thực hiện, hoàn tất hợp đồng với ngân hàng, nhưng đến giờ phút này vẫn chưa vay được.
"Tôi nghi ngờ việc bỏ bớt được các thủ tục rườm rà từ ngân hàng”, bà Hà nói.
Dẫn số liệu của VCCI, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, năm 2016, có 72% doanh nhân khởi nghiệp có tuổi từ 30 trở lên, 63% có dưới 10 lao động, 48% chưa có doanh thu để đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, chỉ 5% có lãi như mong muốn, 19% hòa vốn, 31% thua lỗ ít, 5% lỗ nặng.
Phần lớn doanh nghiệp tập trung vào thị trường nội địa và khó khăn về vốn, tiếp cận đất đai và không muốn trở thành doanh nghiệp vì thủ tục quá phức tạp, nhất là nộp thuế.
Còn theo khảo sát do CIEM kết hợp với Đại học Copenhagen và Viện Khoa học lao động xã hội thực hiện cuối năm 2016 với sự tham gia của 2.600 doanh nghiệp nhỏ và vừa (phần lớn trong số đó là các doanh nghiệp siêu nhỏ), 2/3 số doanh nghiệp được khảo sát cho biết, vì không tiếp cận được với khoản vay chính thức từ ngân hàng nên đã phải tìm đến các khoản vay phi chính thức.
Nếu như khả năng tiếp cận vay vốn của doanh nghiệp trong giai đoạn 2011 - 2013 ở mức 45%, thì trong năm 2015 chỉ còn 24%.
Còn theo VCCI, số liệu đến cuối năm 2016 cho biết, chỉ khoảng 1/3 số doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được với vốn ngân hàng. Đặc biệt, tổng số vốn mà các doanh nghiệp này vay được chỉ chiếm 3% tổng lượng vốn mà các ngân hàng cung cấp ra nền kinh tế.
Ông Đào Gia Hưng, Phó giám đốc khối doanh nghiệp vừa và nhỏ của VPBank thừa nhận, những khúc mắc này vẫn đang hiện hữu khiến ngân hàng và doanh nghiệp cứ cách xa nhau.
"Tuy nhiên, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, VPBank đã bật tung các rào cản vốn để doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn mạnh”, ông Hưng nói.
Ông Hưng cho biết, gói tín dụng được VPBank triển khai khác với các sản phẩm đang được cung cấp trên thị trường thời gian qua. Cụ thể, cấp vốn tín chấp cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Cho vay vốn nếu là doanh nghiệp phát triển từ hộ kinh doanh.
Với doanh nghiệp siêu nhỏ, VPBank không nặng nề quá vào hệ thống sổ sách giấy tờ của doanh nghiệp, mà sẽ có những cán bộ ngân hàng đầy kinh nghiệm tìm hiểu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nếu xét thấy có khả năng, sẽ làm thủ tục cấp vốn cho doanh nghiệp. Thời gian xét duyệt nhanh và có sản phẩm hỗ trợ.
Trước những băn khoăn về tính rủi ro khi đẩy mạnh cho vay trong lĩnh vực này, ông Hưng chia sẻ, Ngân hàng đưa đồng vốn ra đồng nghĩa sẽ có rủi ro trong khả năng trả nợ của khách hàng, nhưng VPBank luôn đặt việc quản trị rủi ro, kiểm soát rủi ro lên hàng đầu.
Cụ thể, xây dựng cơ sở hạ tầng để kiểm soát rủi ro như xây dựng đội ngũ chăm sóc khách hàng sau khi vay, thu hồi nợ sau cho vay, tư vấn khách hàng để doanh nghiệp lớn lên.
“Trong nhưng năm qua, khi triển khai sản phẩm này, tỷ lệ rủi ro đều trong phạm vi kiểm soát. Điều này cho thấy, cơ sở hạ tầng và chính sách xây dựng của sản phẩm đang đi đúng hướng”, ông Hưng nói.
Tuy nhiên, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải chủ động hơn, liên kết theo chuỗi giá trị, liên kết để hợp tác và hội nhập quốc tế