Gần 20 năm quy định tội rửa tiền: Số vụ xét xử mới đếm trên đầu ngón tay

Hai bị cáo trong vụ án đánh bạc ngàn tỷ vừa bị đưa ra truy tố, xét xử về tội danh rửa tiền. Đây là vụ án thứ hai tòa án nước ta xét xử tội danh này. Giới luật sư khuyến nghị, thời gian tới, cần đưa nhiều trường hợp rửa tiền ra xét xử, nếu không Việt Nam sẽ có nguy cơ lọt vào “danh sách đen” của Cơ quan Đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF).
Gần 20 năm quy định tội rửa tiền: Số vụ xét xử mới đếm trên đầu ngón tay

20 năm, vài vụ xét xử

Mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ quyết định truy tố bị can Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam ra Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ để xét xử về tội “tổ chức đánh bạc”, “rửa tiền”.

Kết quả điều tra trước đó cho thấy, các bị cáo đã lợi dụng công nghệ cao, tổ chức đường dây đánh bạc qua mạng Internet, thu lời bất chính hàng ngàn tỷ đồng và “rửa” số tiền bẩn này qua đầu tư bất động sản, dự án BOT…

Đây là lần hiếm hoi tội danh rửa tiền được đưa ra xét xử. Trước đó, trong đại án Vinashin năm 2017, bị cáo Giang Văn Hiển cũng bị tòa tuyên phạt 12 năm tù về tội rửa tiền.

Như vậy, gần 20 năm kể từ khi Bộ luật Hình sự năm 1999 được ban hành đến nay, dù đã nhiều lần sửa đổi, song số trường hợp rửa tiền bị đem ra xét xử chỉ mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, một phần do hành vi rửa tiền tại Việt Nam rất tinh vi, phức tạp.

Ông Nguyễn Hoà Bình, Chánh án Toà án Nhân dân tối cao thừa nhận, tại Việt Nam, đã xuất hiện khá nhiều phương thức, thủ đoạn rửa tiền rất tinh vi.

Tội phạm rửa tiền lợi dụng thói quen giao dịch bằng tiền mặt để mua tài sản có giá trị cao như bất động sản, nhà cửa, ô tô, vàng bạc, đá quý…, sau đó nhờ người khác đứng tên, cất giấu nhằm hợp thức nguồn tiền “đen” thu được từ các hoạt động tội phạm.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, nguyên nhân của tình trạng trên là Việt Nam thường chỉ xử lý hình sự các hành vi phạm tội nguồn.

Ví dụ, các bị cáo phạm tội tham nhũng, tham ô, buôn bán ma túy, kinh doanh trái phép… thường gắn với rửa tiền. Song các bị cáo này chỉ bị “đánh đơn” ở tội gốc này mà chưa bị “đánh kép” một lúc nhiều tội. 

Theo khuyến cáo của các chuyên gia quốc tế, chỉ xử lý hình sự các hành vi phạm tội nguồn sẽ không có đủ sức răn đe đối với tội phạm rửa tiền do lợi nhuận quá lớn.

Do đó, việc đưa ra truy tố nhiều hơn nữa các trường hợp rửa tiền sẽ đưa ra một thông điệp cứng rắn về việc trừng trị loại tội phạm này, từ đó góp phần chống tham ô, tham nhũng, kinh doanh trái phép hiệu quả hơn. 

Không để rơi lại vào “danh sách đen” về rửa tiền

Trong cuộc chiến chống rửa tiền, ngân hàng được coi là một “chốt chặn”. Từ khi có Luật Phòng chống rửa tiền đến nay, Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) đã tiếp nhận hàng ngàn báo cáo giao dịch đáng ngờ và chuyển hàng trăm vụ sang cơ quan điều tra.

Theo các chuyên gia, mức độ tuân thủ về phòng chống rửa tiền của các ngân hàng thương mại chưa đồng đều, chế tài và giám sát của NHNN chưa đủ mạnh. Nhiều đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm, các tổ chức tài chính mới vẫn bị luật bỏ lọt.

Trong bối cảnh công nghệ số, những biến tướng tinh vi khiến việc phát hiện sớm giao dịch nghi ngờ rửa tiền càng trở nên khó khăn. Trong vụ án đánh bạc ngàn tỷ đồng của Phan Sào Nam, hàng loạt trung gian thanh toán như Ngân lượng, VNPE ePay, HomeDirect… bị lợi dụng để chuyển tiền đánh bạc.

Đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) cho rằng, hiện vẫn chưa có quy định cụ thể với việc triển khai Luật Phòng chống rửa tiền cho đối tượng trong các lĩnh vực đặc thù như bất động sản, luật sư, kiểm toán, kế toán… và một số tổ chức tài chính khác. Điều này khiến việc triển khai biện pháp phòng chống rửa tiền gặp một số khó khăn, chưa bao quát được mọi lĩnh vực, ngành nghề.

Còn theo Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình, Bộ luật Hình sự năm 2017 tuy đã bổ sung, cụ thể hóa các tình tiết có tính chất định tính về tội rửa tiền, song nhiều quy định về rửa tiền vẫn chưa rõ ràng, cần có hướng dẫn sâu thêm.

Được biết, tại nhiều nước trên thế giới, nếu cá nhân không chứng minh được tài sản là hợp pháp thì sẽ bị tịch thu. Tuy nhiên, ở nước ta, để khép được tội rửa tiền, cơ quan thẩm quyền phải chứng minh được số tiền đó là do phạm tội nào mà có. Điều này khiến việc khép tội rửa tiền rất khó.

Đơn cử, trong đại án Huyền Như, hai bị cáo suýt bị ghép tội danh rửa tiền do có hàng trăm tỷ đồng không hợp pháp để cho Huyền Như vay. Tuy nhiên, sau đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã chuyển sang tội cho vay nặng lãi do không thể chứng minh được nguồn tiền là do phạm tội nào mà có.  

Luật sư Trương Thanh Đức kỳ vọng, thời gian tới, sẽ ngày càng nhiều trường hợp rửa tiền được đem ra xét xử để đảm bảo tính nghiêm minh pháp luật.

Theo nguồn tin của FATF, năm 2019, cơ quan này sẽ thực hiện đánh giá quốc gia về hiệu quả phòng chống rửa tiền ở Việt Nam. Nếu không sớm khẩn trương hoàn thiện văn bản pháp lý, đưa ra xét xử nhiều hơn các trường hợp rửa tiền, thì nguy cơ Việt Nam bị rơi trở lại vào “danh sách đen” về rửa tiền như trước đây là có thật.

Được biết, Việt Nam từng bị đưa vào danh sách đen về rửa tiền của FATF từ năm 2010. Nhờ ban hành Luật Phòng chống rửa tiền, năm 2013, Việt Nam đã ra khỏi danh sách này.

20 năm, vài vụ xét xử

Mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ quyết định truy tố bị can Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam ra Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ để xét xử về tội “tổ chức đánh bạc”, “rửa tiền”. Kết quả điều tra trước đó cho thấy, các bị cáo đã lợi dụng công nghệ cao, tổ chức đường dây đánh bạc qua mạng Internet, thu lời bất chính hàng ngàn tỷ đồng và “rửa” số tiền bẩn này qua đầu tư bất động sản, dự án BOT…

20 năm, vài vụ xét xử

Mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ quyết định truy tố bị can Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam ra Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ để xét xử về tội “tổ chức đánh bạc”, “rửa tiền”. Kết quả điều tra trước đó cho thấy, các bị cáo đã lợi dụng công nghệ cao, tổ chức đường dây đánh bạc qua mạng Internet, thu lời bất chính hàng ngàn tỷ đồng và “rửa” số tiền bẩn này qua đầu tư bất động sản, dự án BOT…

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục