Gần 134.000 người chết vì nCoV toàn cầu

Thế giới ghi nhận gần 134.000 người chết trong số hơn hai triệu ca nhiễm nCoV, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại Mỹ và châu Âu.
Nhà hát Argentina được biến đổi thành nơi may khẩu trang ở Buenos Aires, Argentina ngày 15/4. Ảnh: AFP. Nhà hát Argentina được biến đổi thành nơi may khẩu trang ở Buenos Aires, Argentina ngày 15/4. Ảnh: AFP.

Đại học Johns Hopkins ghi nhận 2.056.055 ca nhiễm và 133.572 ca tử vong do nCoV tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. 509.741 người đã bình phục.

Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với 636.350 ca nhiễm và 28.326 ca tử vong, tăng lần lượt 33.361 và 2.652 ca.

Thống đốc New York Andrew Cuomo hôm 15/4 ra lệnh cho 19 triệu cư dân bang này phải đeo khẩu trang hoặc đồ thay thế, yêu cầu người dân trong bất kỳ tình huống nào cũng phải cách xa nhau ít nhất hai mét.

"Nếu bạn chuẩn bị xuất hiện ở nơi công cộng, không thể tiếp tục cách biệt cộng đồng và có khẩu trang, thì phải đeo khẩu trang", Cuomo nói tại họp báo hàng ngày.

Tây Ban Nha ghi nhận thêm 3.584 ca nhiễm và 453 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 177.644 và 18.708, là vùng dịch lớn nhất châu Âu và thứ hai thế giới.

Chính phủ Tây Ban Nha đã cho phép một số doanh nghiệp sản xuất và xây dựng hoạt động trở lại. Nhưng phần lớn dân cư vẫn được yêu cầu không ra khỏi nhà, các cửa hàng không thiết yếu và nơi công cộng sẽ tiếp tục đóng cửa đến 26/4.

Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết Tây Ban Nha đang thực hiện 20.000 xét nghiệm một ngày và sẽ nỗ lực tăng thêm.

Italy báo cáo 2.667 ca nhiễm mới, mức tăng thấp nhất kể từ ngày 13/3, nâng tổng số người nhiễm lên 165.155.

Họ ghi nhận thêm 578 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 21.645. Trong khi số ca nhiễm mới đang giảm dần đều, số ca tử vong trong một ngày đã lơ lửng trong khoảng từ 525 đến 636 trong 11 ngày qua, ngoại trừ lần giảm mạnh xuống 431 hôm 12/4.

Italy gia hạn phong tỏa toàn quốc đến 3/5, nhưng cho phép một số loại cửa hàng mở lại vào ngày 14/4, gồm hiệu sách, tiệm giặt là, cửa hàng văn phòng phẩm, cửa hàng quần áo trẻ em.

Các ngành khác được phép nối lại hoạt động bao gồm lâm nghiệp, chăm sóc và bảo tồn cảnh quan, công trình thủy lực, sản xuất máy tính, bán buôn sản phẩm giấy và bìa các tông.

Pháp ghi nhận thêm 4.560 ca nhiễm và 1.438 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 147.863 và 17.167. Số bệnh nhân phải điều trị tích cực đã đã giảm trong 7 ngày liên tiếp.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 12/4 thông báo gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc thêm một tháng để ngăn đại dịch, tới hết 11/5.

Sau khi lệnh phong tỏa hết thời hạn, các trường học và doanh nghiệp sẽ dần được mở cửa trở lại nhưng quán cà phê, rạp chiếu phim và địa điểm văn hóa tiếp tục ngừng hoạt động, sẽ không có lễ hội mùa hè cho đến ít nhất là giữa tháng 7.

Số ca nhiễm và tử vong ở Đức là 133.456 và 3.592 sau khi ghi nhận thêm lần lượt 1.246 và 97 ca. Đức bắt đầu nới lỏng hạn chế từ ngày 15/4, cửa hàng dưới 800 m2 được phép mở cửa nếu có "kế hoạch duy trì vệ sinh".

Lệnh cấm tụ tập hơn hai người ở nơi công cộng vẫn được áp dụng, ngoài các thành viên gia đình sống cùng nhau.

Trường học sẽ dần được mở cửa trở lại. Trong khi đó, các sự kiện công cộng lớn tiếp tục bị cấm cho đến ngày 31/8.

Chính phủ kêu gọi mọi người đeo khẩu trang khi ra ngoài mua sắm hoặc trên phương tiện giao thông công cộng nhưng khônmg ra quy định bắt buộc như nước láng giềng Áo.

Anh là vùng dịch lớn thứ năm châu Âu với 98.476 ca nhiễm và 12.868 người chết, tăng lần lượt 4.603 và 761. Thống kê ca tử vong tại Anh chỉ tính những trường hợp chết trong bệnh viện.

Số liệu thực tế có thể cao hơn nhiều vì nhiều người chết tại nhà và viện dưỡng lão. Chính phủ Anh đang đối mặt với áp lực gộp số ca tử vong trong các viện dưỡng lão vào tổng số người chết.

Chính quyền Boris Johnson ngày 16/4 sẽ ra thông báo về việc xem xét lại các biện pháp "cách biệt cộng đồng". Phát ngôn viên của Johnson nhấn mạnh các cố vấn không tin rằng Anh đã qua đỉnh dịch.

Trung Quốc và Hàn Quốc chưa thông báo số liệu mới.

Iran tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai châu Á với 76.389 ca nhiễm và 4.777 người chết, tăng lần lượt 1.512 và 94. Đây là ngày thứ hai liên tiếp nước này ghi nhận số ca tử vong trong một ngày dưới 100.

Iran đã đóng cửa trường học, hoãn các sự kiện lớn và áp đặt một loạt hạn chế khác nhưng không phong tỏa nghiêm ngặt như nhiều nước khác. Nhiều người suy đoán số liệu thực sự có thể cao hơn nhiều thống kê chính thức.

Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 5.453 ca nhiễm và 349 ca tử vong.

Chính phủ Philippines hôm 13/4 đưa ra chương trình xét nghiệm tăng cường nhằm xác định khoảng 15.000 ca nhiễm nCoV chưa được phát hiện.

Chính phủ nước này cũng tin rằng đóng cửa biên giới và cách ly gần một nửa dân số tại nhà có thể ngăn chặn thảm họa y tế.

Indonesia xếp thứ hai với 5.136 ca nhiễm và 469 ca tử vong, tăng lần lượt 297 và 10 ca. Indonesia đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp từ cuối tháng 3 để đối phó dịch bệnh.

Chính phủ cũng công bố các biện pháp hỗ trợ người dân thu nhập thấp chịu ảnh hưởng của các hạn chế, bao gồm mở rộng phúc lợi xã hội, hỗ trợ lương thực, giảm giá điện và miễn thuế.

Malaysia báo cáo thêm 85 ca nhiễm và một người tử vong, nâng tổng số lên 5.072 và 83. Ngoài phong tỏa biên giới, Malaysia cũng đóng cửa mọi trường học trong hai tuần và cấm tổ chức các sự kiện đông người.

Toàn bộ địa điểm tôn giáo và cửa hàng kinh doanh, trừ siêu thị và ngân hàng, cũng phải ngừng hoạt động.

Số ca nhiễm ở Singapore tăng kỷ lục 447 ca, nâng tổng số lên 3.699, trong đó 10 người chết.Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long kêu gọi dân chúng hy sinh và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp nhằm cắt đứt chuỗi lây nhiễm nCoV.

Ông Lý cảnh báo chỉ cần một số không tuân thủ, toàn bộ những "bất tiện, đau đớn và hy sinh" mà dân Singapore phải trải qua sẽ thành vô nghĩa.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục