Gần 1/2 hồ sơ đăng ký tìm cơ hội việc làm mới “Career Support - Hỗ trợ sự nghiệp” thuộc nhóm cấp trung

(ĐTCK) Navigos Search vừa triển khai chiến dịch “Career Support - Hỗ trợ sự nghiệp” cho người lao động trong thời điểm dịch COVID-19 nhằm hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn khi tìm kiếm công việc mới trong bối cảnh nhu cầu tuyển dụng ở nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng do đại dịch.
Gần 1/2 hồ sơ đăng ký tìm cơ hội việc làm mới “Career Support - Hỗ trợ sự nghiệp” thuộc nhóm cấp trung

Hỗ trợ nhóm ứng viên chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19 tìm việc làm mới

Chiến dịch “Career Support - Hỗ trợ sự nghiệp” được Navigos Search khởi động từ ngày 22/04/2020 và dự kiến kéo dài hết tháng 5/2020, với mục tiêu hỗ trợ nhanh nhất cho mọi người lao động gặp khó khăn khi tìm kiếm cơ hội mới trong thời điểm đại dịch COVID-19 diễn ra tại Việt Nam.

Ứng viên chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân, ngành nghề, lĩnh vực, bộ phận và cấp bậc nhân viên hiện tại cũng như vị trí mong muốn trong tương lai. Từ những thông tin trên, Navigos Search sẽ kết nối thông tin này đến những vị trí tuyển dụng phù hợp nhất sẵn có từ dữ liệu khách hàng với đa dạng ngành nghề và lĩnh vực tại Việt Nam.

Quy trình kết nối sẽ được diễn ra theo đúng quy trình tuyển dụng chuẩn của Navigos Search để đảm bảo ứng viên tìm được vị trí và doanh nghiệp tìm được nhân tài phù hợp.

Các chuyên viên tư vấn tuyển dụng sau khi nhận hồ sơ sẽ thực hiện kiểm tra hồ sơ, đưa hồ sơ vào vị trí tuyển dụng phù hợp, phỏng vấn sơ bộ thông qua điện thoại hoặc công cụ trực tuyến để tìm hiểu thêm về ứng viên và đánh giá mức độ phù hợp.

Sau khi xác định vị trí phù hợp, tư vấn viên gửi hồ sơ những ứng viên phù hợp đến khách hàng, sắp xếp phỏng vấn và hỗ trợ ứng viên, nhà tuyển dụng từng bước cho đến khi đóng vị trí tuyển dụng. Đối với tất cả các ứng viên chưa phù hợp, hồ sơ sẽ được lưu trữ vào hệ thống dữ liệu và liên tục được kết nối khi có vị trí khác phù hợp hơn.

Nhóm ứng viên có hơn 8 năm kinh nghiệm chiếm tỷ lệ cao nhất khi tìm kiếm cơ hội mới trong đại dịch COVID-19

Sau tuần đầu tiên chạy khởi động thử nghiệm, chiến dịch đã nhận được sự đăng ký từ hơn 1.200 ứng viên ở đa dạng các ngành nghề và lĩnh vực tại Việt Nam. Gần 1/2 hồ sơ đăng ký thuộc nhóm ứng viên cấp trung, cụ thể là 27% đang giữ vị trí Phó phòng/Trưởng phòng, 19% là Trưởng nhóm/Giám sát. Ngoài ra, 35% hồ sơ là cấp bậc nhân viên có kinh nghiệm/chuyên viên, 9% là cấp bậc mới ra trường/dưới 2 năm kinh nghiệm, 5% là Phó giám đốc/Giám đốc và 3% thuộc Ban điều hành.

Đáng chú ý, 41% ứng viên có hơn 8 năm kinh nghiệm đã đăng ký, cho thấy các ứng viên cấp trung có nhiều năm kinh nghiệm đang gặp khó khăn khi tìm kiếm cơ hội mới, cụ thể, 32% ứng viên có hơn 10 năm kinh nghiệm và 9% có từ 8 – 10 năm kinh nghiệm. Ngoài ra, các ứng viên có kinh nghiệm từ 1 - 3 năm cũng chiếm 25%, bên cạnh 18% là ứng viên có từ 3 - 5 năm kinh nghiệm, 16% là ứng viên từ 5 - 8 năm kinh nghiệm.

Cũng theo dữ liệu sơ bộ trên, top 3 ngành đang có ứng viên tìm kiếm cơ hội việc làm là: 26% cho nhóm ngành Sản xuất (bao gồm 6% là Dệt May chiếm tỉ trọng cao nhất bên cạnh những ngành Sản xuất Điện/Điện tử, Máy móc, Xây dựng…); 10% cho ngành Du lịch/Khách sạn/Nhà hàng, 6% Dịch vụ Tài chính/Bảo hiểm. Đây cũng là top những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng giảm trong quý I/2020 theo Báo cáo của Navigos Search, nhưng được nhận định có nguồn cung lao động tăng và nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng mạnh sau đại dịch.

Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search chia sẻ, tại điểm hiện tại, khi Việt Nam thể hiện khả năng kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ và bắt đầu nới lỏng những biện pháp giãn cách xã hội, nhu cầu tuyển dụng cũng đã có những chuyển biến tích cực. Một số doanh nghiệp đã đẩy mạnh hoạt động tuyển dụng để nhanh chóng phục hồi sản xuất và kinh doanh.

Ngoài ra, đại dịch COVID-19 làm gián đoạn đến chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến các doanh nghiệp nhận ra sự cấp bách của việc đa dạng hóa nguồn cung ứng và hạng mục sản xuất, tránh phụ thuộc vào một quốc gia; điều này tiếp tục củng cố thêm làn sóng dịch chuyển đầu tư và sản xuất sang các quốc gia Đông Nam Á mà địa điểm thu hút nhất chính là Việt Nam. Đây là một dấu hiệu tích cực cho nhu cầu tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam trong thời gian tới, đơn cử tại các ngành Sản xuất Dệt may, Công nghiệp phụ trợ, Điện/Điện tử…

“Vì vậy, để củng cố triển vọng Việt Nam trở thành điểm đến của sự dịch chuyển dòng đầu tư, thị trường lao động Việt Nam cũng cần có những chuẩn bị kịp thời về chất lượng và số lượng nhân sự để không ngừng tăng cường năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh và sẵn sàng đón đầu những cơ hội mới sau đại dịch”, bà Mai nói.  

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục