Game online hướng đến mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu

0:00 / 0:00
0:00
Ngành trò chơi điện tử trên mạng (game online) đang đến rất gần mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu, nếu giải tỏa được những chướng ngại vật trong năm 2021.
Game online hướng đến mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu

Chủ lực trong công nghiệp nội dung số

Ngay từ đầu năm 2021, các nhà sản xuất, phát hành game của Việt Nam đã đồng loạt xuất quân, tung ra các con bài chủ lực, bom tấn của mình cho cuộc chiến năm 2021, làm cả thị trường nóng lên.

“Anh cả” VNG đã tung ra game nhập vai hành động “Tuyết Ưng VNG” với nội dung được phát triển từ bộ tiểu thuyết huyền huyễn “Tuyết Ưng Lĩnh Chủ” của Ngã Cật Tây Hồng Thị và game “Liên Minh: Tốc Chiến” mới.

Trong khi đó, Shoha Game tung ra tựa game “Ngạo Kiếm Thanh Vân”. Còn VTV không kém cạnh, với game “Thần Vương Nhất Thế” và “Võ Lâm Kỳ Hiệp Mobile”…

Những tín hiệu trên cho thấy, cuộc cạnh tranh trong năm 2021 sẽ rất nóng và khốc liệt.

Báo cáo mới nhất của Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy, doanh thu ngành công nghiệp game online năm 2020 cán mốc 12.000 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với năm 2015. Trong đó, chỉ riêng hai “cánh chim đầu đàn” trong ngành là VNG ước đạt mốc doanh thu hơn 6.700 tỷ đồng và Garena đạt hơn 3.200 tỷ đồng.

Các báo cáo cũng cho thấy, khoảng 25.000 nhân lực của ngành này đang phục vụ hơn 32 triệu người chơi game tại Việt Nam. Con số này cho thấy, Việt Nam đang là thị trường vô cùng tiềm năng trong tương lai.

Theo Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, ở góc độ tích cực, trò chơi điện tử trên mạng đang được xếp là một trong những ngành công nghiệp nội dung số có hàm lượng trí tuệ cao, mang lại lợi nhuận lớn, tạo việc làm cho nhân lực ngành công nghệ thông tin, thu hút lao động, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước.

“Những số liệu thống kê ghi nhận từ thị trường game online trong 5 năm gần đây cho thấy, doanh thu tăng gấp đôi, tiền thuế nộp ngân sách nhà nước gấp tăng gần 2,5 lần và nhân lực hoạt động trong ngành game online tăng gấp 3”, đại diện Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết.

Còn ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG thì nhận định: “Tôi có niềm tin rất lớn vào việc Việt Nam sẽ đạt 1 tỷ USD doanh thu từ ngành công nghiệp game. Các studio Việt đã có sản phẩm đẳng cấp thế giới. Chúng ta phải cùng nhau để đạt mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu trước năm 2027”.

Những chướng ngại không dễ vượt qua

Tiềm năng ngành game là có thật. Doanh thu từ game (thu phí, quảng cáo, bán vật dụng…) cũng không ngừng tăng, nhưng trở ngại trên con đường chinh phục mốc 1 tỷ USD của thị trường Việt Nam còn rất nhiều.

Trở ngại lớn nhất là game lậu. Ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, doanh thu game lậu ước đạt ngang ngửa doanh thu của những game được cấp phép trong nước (khoảng 325 triệu USD).

Nếu kiểm soát được số game lậu, trốn phép, phát hành xuyên biên giới, thì doanh thu ngành game Việt sẽ lớn hơn rất nhiều so với con số 325 triệu USD. Chưa kể, việc cạnh tranh không lành mạnh đã ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp Việt Nam.

“Thị trường game Việt Nam bị thiệt hại lớn bởi những game không phép phát hành qua các kho ứng dụng dùng trên di động. Nguyên nhân là chính sách hợp thức hóa phát hành game qua trung gian và các cổng thanh toán đã mở ra một tiền lệ thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài lấn sân vào thị trường Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, suy giảm doanh thu, lợi nhuận và mất khách hàng”, đại diện một nhà phát hành game Việt Nam đánh giá.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành sản xuất game trong nước thiếu vốn, thiếu nhân sự làm game, nên game Việt chưa đủ nhiều và đa dạng để phục vụ trong nước. Trong khi đó, Google và Apple vẫn cho phân phối và chấp thuận thanh toán cho game cờ bạc và game lậu tại thị trường Việt Nam qua hình thức thẻ tín dụng, qua tài khoản viễn thông của một số doanh nghiệp viễn thông và một số trung gian thanh toán của Việt Nam.

Hiện tại, trên 2 chợ ứng dụng lớn nhất thế giới là AppStore của Apple và Google Play của Google, Việt Nam luôn nằm ở tốp đầu về số lượt tải và mua các loại ứng dụng.

Có những con số tham chiếu từ một chợ ứng dụng lớn thứ ba thế giới được công bố gần đây. Trong năm qua, chợ ứng dụng này đã có hơn 12.000 tựa game với hơn 80 triệu lượt tải, doanh thu game và số người chơi trả phí tăng lần lượt là 100% và 120% so với năm 2019.

Những con số trên cho thấy, trong mảng game di động với phương thức thanh toán không tiền mặt bằng thẻ tín dụng hoặc một số phương thức trực tuyến khác để chi trả cho những chợ ứng dụng quốc tế, doanh thu có thể lên đến hàng trăm triệu USD/năm, nhưng chưa thể kiểm soát.

Một vấn đề khác là hiện nay, 87% trò chơi điện tử phát hành hợp pháp ở Việt Nam có nguồn gốc từ nước ngoài, mà 69% đến từ Trung Quốc. Thị trường game online đang dần rơi vào tay các nhà phát hành nước ngoài, trở thành cuộc chiến không cân sức giữa VNG, Appota, Soha Game với các “ông lớn” như Garena (hậu thuẫn bởi Tencent Trung Quốc), Gamota (Hàn Quốc). Các doanh nghiệp game Việt Nam phải làm chủ thị trường, có sản phẩm chủ lực của mình để chinh phục thị trường nội địa và tiến tới xuất khẩu, thì mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu hay hơn nữa mới thành hiện thực.

Được biết, mới đây, Chính phủ đã thông qua đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72/2013/NĐ-CP. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp ngành game Việt Nam thoát khỏi các bó buộc, cạnh tranh không lành mạnh để phát triển.

Đến hết năm 2020, có 193 doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng (trong đó có 4 doanh nghiệp thông báo ngừng hoạt động, 50 doanh nghiệp vừa bị thu hồi giấy phép G1).

Có 878 trò chơi điện tử đã được cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản. Trong đó, có 625 trò chơi đang phát hành, 253 trò chơi đã thông báo dừng phát hành.

Có tổng cộng 106 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký G2, G3, G4 và 8.332 trò chơi điện tử G2, G3 và G4 trên mạng được cấp giấy xác nhận thông báo phát hành.

Tú Ân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục