Gác lại âu lo, giới đầu tư mạnh tay xuống tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall khởi sắc trong phiên giao dịch thứ Hai đầu tuần (22/3) trong bối cảnh lợi suất trái phiếu giảm.
Gác lại âu lo, giới đầu tư mạnh tay xuống tiền

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm 5 điểm cơ sở trong phiên đêm qua, xuống mức 1,68%, sau khi chạm đỉnh 14 tháng vào cuối tuần trước.

Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh kể từ giữa tháng 2 đã đè nặng lên các cổ phiếu công nghệ và cổ phiếu tăng trưởng vốn được hưởng lợi từ mức lợi suất thấp.

Việc lợi suất trái phiếu hạ nhiệt trong phiên đêm qua giúp cổ phiếu công nghệ khởi sắc. Cổ phiếu Tesla tăng 2,3%, cổ phiếu Apple, Microsoft, Netflix đều tăng hơn 2%, còn cổ phiếu Amazon và Facebook tăng hơn 1%.

Tuy nhiên, những lo ngại về xung quanh nợ công của Mỹ xuất hiện khi nhóm kinh tế của Tổng thống Joe Biden đang chuẩn bị khuyến nghị chi tới 3.000 tỷ USD cho một loạt các nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế, giảm lượng khí thải carbon và thu hẹp bất bình đẳng kinh tế, tờ New York Times đưa tin hôm thứ Hai.

Trong khi đó, Chủ tịch Fed Richmond, Thomas Barkin, phát biểu tại sự kiện trực tuyến của Hội nghị đầu tư Credit Suisse châu Á (AIC), cho biết, với các loại vắc-xin đang được tung ra, tỷ lệ ca nhiễm và số ca nhập viện đang giảm, cùng các gói kích thích tài chính sẽ giúp đáp ứng nhu cầu bị dồn nén từ người tiêu dùng và Mỹ đang ở tạo thời điểm bước vào con đường phục hồi hoàn toàn.

Mặt khác, Chủ tịch Fed, Jerome Powell hôm thứ Hai tại hội thảo về đổi mới trong thời đại kỹ thuật số trực tuyến do Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) tổ chức, tuyên bố, bitcoin thiếu các thành phần quan trọng để biến mình trở thành một loại tiền tệ hữu ích. Ông Powell cho rằng, loại tiền điện tử có thể này “thay thế cho vàng hơn là cho đồng USD”.

Về tình hình tiêm chủng, AstraZeneca hôm thứ Hai khẳng định, vắc xin Covid-19 của hãng đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả 79% trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối tại Mỹ. Thử nghiệm tại Mỹ cũng cho thấy vắc-xin này không khiến khả năng đông máu tăng lên, lý do dẫn đến việc bị ngừng sử dụng ở một loạt các nước châu Âu.

Về dữ liệu kinh tế, chỉ số hoạt động quốc gia của Fed tại Chicago đã giảm xuống mức âm 1,09 trong tháng 2, ghi nhận mức âm đầu tiên kể từ tháng 4/2020.

Kết thúc phiên 22/3, chỉ số Dow Jones tăng 103,23 điểm (+0,32%), lên 32.731,20 điểm. Chỉ số S&P 50 tăng 27,49 điểm (+0,70%), lên 3.940,59 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 162,31 điểm (+1,23%), lên 13.377,54 điểm.

Chứng khoán châu Âu phiên đầu tuần hầu hết tăng điểm nhờ đà tăng của cổ phiếu sản xuất ô tô, tuy nhiên cổ phiếu ngân hàng lao dốc trong bối cảnh tâm lý lo lắng kéo dài về những biện pháp hạn chế mới do các ca nhiễm Covid-19 gia tăng trên khu vực này.

Bên cạnh đó, thị trường cũng bị ảnh hường trước biến động kinh tế tại Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan bất ngờ sa thải Thống đốc Ngân hàng trung ương nước này vào cuối tuần trước.

Kết thúc phiên 22/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 17,39 điểm (+0,26%), lên 6.726,10 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 36,21 điểm (+0,25%), lên 14.657,21 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 29,48 điểm (-0,49%), xuống 5.968,48 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản phiên hôm qua bị bán tháo ồ ạt ở những phút cuối khi nhóm cổ phiếu sản xuất ô tô lao dốc do ảnh hưởng từ vụ hỏa hoạn tại nhà máy sản xuất chất bán dẫn thuộc sở hữu của công ty Renesas.

Chứng khoán Trung Quốc tăng điểm, được hỗ trợ bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng và cơ sở hạ tầng khi ngân hàng trung ương của nước này giữ nguyên lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình.

Chứng khoán Hồng Kông đi xuống, do lo ngại về việc đóng cửa kéo dài ở một số nước châu Âu làm giảm hy vọng phục hồi kinh tế toàn cầu, trong khi đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ lao dốc cũng giáng thêm đòn vào tâm lý nhà đầu tư.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm do lo ngại về những biến động mạnh gần đây của lợi suất trái phiếu Mỹ và căng thẳng Trung - Mỹ gia tăng.

Kết thúc phiên 22/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 617,90 điểm (-2,07%), xuống 29.174,15 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 38,78 điểm (+1,14%), lên 3.443,44 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 105,60 điểm (-0,36%), xuống 28.885,34 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 4,07 điểm (-0,13%), xuống 3.035,46 điểm.

Giá vàng quay đầu giảm trong phiên thứ Hai trước đà tăng của thị trường chứng khoán và biến động kinh tế tại Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia tiêu thụ lượng lớn vàng.

Kết thúc phiên 22/3, giá vàng giao ngay giảm 5,60 USD (-0,32%), xuống 1.739,90 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 3,60 USD (-0,21%), xuống 1.738,10 USD/ounce.

Giá dầu giao dịch ổn định trong phiên giao dịch ngày thứ Hai nhờ kỳ vọng vào đà phục hồi kinh tế toàn cầu, song giá dầu vẫn chịu áp lực từ các đợt phong toả mới để ngăn chặn đại dịch tại châu Âu.

Các nhà máy lọc dầu trên khắp thế giới, bao gồm cả tại Trung Quốc và Mỹ, bắt đầu bước vào giai đoạn hoạt động bảo trì. Mùa bảo trì nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc sẽ đạt cao điểm vào tháng 5 và bắt đầu giảm dần vào tháng 6.

Mặt khác, gần một phần ba người dân Pháp đã bắt đầu đợt phong toả mới kéo dài một tháng từ 20/3, trong khi Đức có kế hoạch kéo dài thời gian giãn cách xã hội sang tháng năm, theo một đề xuất dự thảo.

Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm thứ Hai cảnh báo rằng làn sóng lây nhiễm thứ ba càn quét khắp châu Âu có thể đang hướng tới Anh.

Kết thúc phiên 22/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,12 USD (+0,2%), lên 61,55 USD/thùng, giá dầu thô tăng 0,09 USD (+0,1%), lên 64,62 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục