Cụ thể, mục tiêu nghiên cứu là phát triển các dạng điện năng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió. Quy mô dự án tối thiểu 200 ha, với tổng mức đầu tư cho xây dựng nhà máy, thiết bị công nghệ cao tối thiểu 5.000 tỷ đồng. Địa điểm nghiên cứu đầu tư tại tỉnh Bạc Liêu.
Trước đó, cách đây chỉ một tháng, Đại hội cổ đông bất thường 2020 của GAB đã thông qua một số nội dung, trong đó có bổ sung ngành nghề Sản xuất điện (điện gió, điện hạt nhân, điện mặt trời, thủy điện, nhiệt điện...), cũng như hoạt động Truyền tải và phân phối điện.
Theo báo cáo từ UBND tỉnh Bạc Liêu, theo quy hoạch, tổng công suất tiềm năng điện gió của Tỉnh trong đến năm 2030 khoảng 2.507 MW. Hiện tại, Bạc Liêu có tổng số 24 dự án, với tổng quy mô công suất 4.449,8 MW; trong đó, 2 dự án đang vận hành, công suất gần 100 MW; 4 dự án đã được phê duyệt quy hoạch, công suất 292 MW và 18 dự án đang trình bổ sung quy hoạch, tổng công suất hơn 4.000 MW.
Về giá điện, hiện tại Chính phủ hỗ trợ phát triển các dự án điện gió trong đất liền được mua với giá 1.928 đồng/kWh (chưa VAT, tương đương 8,5 cent/kWh). Đối với các dự án điện gió trên biển, giá mua là 2.223 đồng/kWh (chưa VAT, tương đương 9,8 cent/kWh).
Mặc dù vậy, các dự án điện gió được cấp Chứng chỉ Vận hành thương mại (COD) trước ngày 1/11/2021 mới được hưởng mức giá mua này.
Đối với giá điện mặt trời, hiện tại giá mua đang là 9,35 cent/kWh (chưa VAT, khoảng 2.086 đồng/kWh).
Nhưng ngày 17/2 vừa qua, Bộ Công thương tiếp tục trình phương án giá điện mặt trời lên Chính phủ với đề xuất mức giá mua điện mặt trời mặt đất từ ngày 1/7/2019 là 7,09 cent/kWh và điện mặt trời nổi là 7,69 cent/kWh.