Gã khổng lồ bất động sản Evergrande báo lỗ tới hơn 81 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) China Evergrande muốn thông qua một trong những kế hoạch tái cơ cấu các khoản nợ lớn nhất Trung Quốc sau khi công bố khoản lỗ hơn 81 tỷ USD trong 2 năm qua.
Gã khổng lồ bất động sản Evergrande báo lỗ tới hơn 81 tỷ USD

Ông lớn ngành bất động sản Trung Quốc vừa công bố báo cáo tài chính năm 2021-2022 sau khoảng thời gian dài trì hoãn, đồng thời yêu cầu triệu tập cuộc họp các chủ nợ nước ngoài để thông qua kế hoạch tái cơ cấu các khoản nợ.

Trong báo cáo công bố vào ngày 17/07 vừa qua, Evergrande lỗ 476 tỷ nhân dân tệ (66,36 tỷ USD) trong năm 2021 và lỗ 105,9 tỷ Nhân dân tệ (14,76 tỷ USD) trong năm 2022. Công ty cho biết, phần lớn tổn thất đến từ chi phí trả lại đất đai, ghi giảm tài sản, tổn thất tài sản tài chính và chi phí tài chính.

Khoản lỗ 81 tỷ USD trong 2 năm qua cho thấy những khó khăn chồng chất mà công ty Evergrande phải gánh chịu, đồng thời mang cho chủ nợ thêm thông tin để phê duyệt kế hoạch tái cơ cấu của gã khổng lồ ngành bất động sản này.

Bên cạnh các khoản nợ khổng lồ, Evergrande còn phải vật lộn trong cuộc khủng hoảng nhà ở vốn đã làm chao đảo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong 2 năm qua, khi Chính phủ Trung Quốc siết chặt tín dụng với các công ty bất động sản.

Các chuyên viên tại Bloomberg Intelligence nhận định rằng, có khả năng chủ nợ sẽ thông qua kế hoạch tái cơ cấu. Evergrande có thể phải hành động nhanh chóng để tránh vướng phải các vụ kiện tụng ở nước ngoài.

Evergrande cho biết, họ muốn triệu tập cuộc họp với nhiều tầng lớp trái chủ khác nhau, khi kế hoạch tái cấu trúc được trình bày ở tòa án Hồng Kông và Cayman Islands vào ngày 24-25/07/2023. Hồi tháng 4 năm nay, tập đoàn này cho biết, nhóm nhà đầu tư nắm giữ 77% trái phiếu loại A của Evergrande đã ủng hộ kế hoạch tái cấu trúc, trong khi chỉ 30% người nắm giữ trái phiếu loại C ủng hộ.

Nếu được thông qua, đây sẽ là một trong những kế hoạch tái cấu trúc lớn nhất của Trung Quốc, mang tới những ảnh hưởng sâu rộng với hệ thống tài chính gần 60.000 tỷ USD của Trung Quốc. Để thông qua kế hoạch, Evergrande sẽ cần sự ủng hộ của ít nhất 75% trái chủ ở mỗi loại trái phiếu.

Năm ngoái, tổng nợ phải trả của Evergrande lên tới 2.400 tỷ nhân dân tệ (340 tỷ USD), tăng 23% so với năm 2020, trong khi tổng tài sản trị giá 1.800 tỷ nhân dân tệ, giảm 20%. Cùng năm, doanh thu của Evergrande giảm 55% so với năm 2020, xuống còn 230,1 tỷ nhân dân tệ.

Các chuyên gia phân tích nhận định, khoản lỗ của Công ty Evergrande phù hợp với dự báo khi doanh thu theo hợp đồng giảm xuống 443 tỷ nhân dân tệ, thấp hơn nhiều so với mức 723 tỷ nhân dân tệ của năm 2020.

Trong bản báo cáo kiểm toán, các kiểm toán viên của công ty Prism Hong Kong and Shanghai Limited đã không đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính của Evergrande vì không thể thu thập đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở.

Ting Meng, Chiến lược gia tín dụng cấp cao tại Ngân hàng ANZ cho biết: "Kết quả này không đáng khích lệ một chút nào. Dù không phải là yếu tố làm thay đổi cuộc chơi, nhưng báo cáo này xác nhận Evergrande đang rơi vào tình trạng căng thẳng trầm trọng và chưa thể khôi phục hoạt động cũng như trả nợ".

Evergrande đã trở thành hiện thân của một cuộc khủng hoảng rộng lớn hơn trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc - chiếm khoảng 1/4 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế.

Trong 3 năm gần đây, các doanh nghiệp bất động sản lớn bao gồm cả Evergrande đã không thể hoàn thành các dự án nhà ở mới, gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường, với các cuộc biểu tình và tẩy chay thế chấp từ người mua nhà.

Từ cuối năm 2022, Chính phủ Trung Quốc và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã công bố các biện pháp mới, nhằm thúc đẩy sự phát triển ổn định và lành mạnh của ngành bất động sản. Các biện pháp này bao gồm hỗ trợ tín dụng cho các nhà phát triển đang mắc nợ, cho vay tài chính để đảm bảo hoàn thành dự án và cung cấp các khoản vay trả chậm cho người mua nhà.

Di Di
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục