G7 vẫn chưa thể thống nhất thời hạn đóng cửa nhà máy nhiệt điện than

0:00 / 0:00
0:00
Kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng và Môi trường G7, các quan chức vẫn chưa thể đạt được thống nhất về thời hạn loại bỏ hoàn toàn các nhà máy nhiệt điện than do thiếu sự cam kết từ phía Nhật Bản.
Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Akihiro Nishimura (phải) tham dự Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng và Môi trường của G7 tại Sapporo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN). Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Akihiro Nishimura (phải) tham dự Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng và Môi trường của G7 tại Sapporo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN).

Nhật Bản - quốc gia chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng và Môi trường của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) - đã không cam kết một khung thời gian cụ thể do quốc gia này phụ thuộc vào than đá ít nhất trong khoảng 10 năm tới, bất chấp nỗ lực của Anh và Canada thúc đẩy cam kết chấm dứt gần như hoàn toàn việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện vào năm 2035.

Như vậy, kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng và Môi trường G7, các quan chức vẫn chưa thể đạt được thống nhất về thời hạn loại bỏ hoàn toàn các nhà máy nhiệt điện than, bên cạnh các cuộc thảo luận về đảm bảo an ninh năng lượng và đẩy nhanh quá trình khử carbon.

Đây là sự kiện đầu tiên trong số một loạt hội nghị cấp bộ trưởng được tổ chức trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra vào tháng 5/2023 ở Hiroshima.

Sau 2 ngày họp tại thành phố Sapporo (Nhật Bản), các bộ trưởng năng lượng và môi trường của G7 đã nhất trí những giải pháp để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C.

Theo đó, các bộ trưởng G7 cam kết sẽ đẩy nhanh việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo để đưa mức phát thải ròng về 0 muộn nhất là vào năm 2050.

Tại hội nghị năm nay, các bộ trưởng G7 cam kết đến năm 2040 chấm dứt tình trạng ô nhiễm nhựa và giảm số lượng sản phẩm nhựa mới xuống 0.

Tuyên bố chung đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm lượng tiêu thụ khí đốt, song cho rằng đầu tư phù hợp vào khí đốt có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt trên thị trường.

Cuộc khủng hoảng Ukraine khiến giá dầu mỏ và khí đốt tăng cao, thúc đẩy một số nhà nhập khẩu chuyển sang sử dụng than đá và khí đốt tự nhiên, làm chậm các nỗ lực cắt giảm khí thải nhà kính.

Các bộ trưởng cũng thảo luận về các mục tiêu đối với các phương tiện không phát thải. Tuy nhiên, Nhật Bản đã thận trọng trong việc đặt ra một con số cụ thể, do các nhà sản xuất ôtô lớn của nước này đang có lợi thế cạnh tranh trong các loại xe chạy bằng xăng-điện (hybrid).

Nhật Bản hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của quốc tế trong việc sử dụng năng lượng hydro và dẫn xuất amoniac làm nguồn năng lượng sạch thế hệ tiếp theo.

Quốc gia này có kế hoạch sử dụng rộng rãi năng lượng hydro, không chỉ làm nhiên liệu cho xe cộ và nhà ở mà còn giảm lượng khí thải CO2 từ nhà máy nhiệt điện. Tuy nhiên, nước này đối mặt với thách thức trong việc giảm chi phí sản xuất và phân phối hydro.

Ngành công nghiệp sản xuất năng lượng hydro làm nhiên liệu vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, mặc dù Chính phủ Nhật Bản cam kết sẽ thương mại hóa sản xuất điện hydro vào năm 2030.

Các bộ trưởng G7 cũng đã thảo luận về cách khuyến khích các công ty sản xuất sản phẩm dễ tái chế và đảm bảo nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng một cách minh bạch và bền vững, bao gồm cả lithium và cobalt, những loại khoáng sản chiến lược có nguồn cung phụ thuộc vào một số quốc gia như Trung Quốc.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục