Tôi cho rằng, khi các hiệp định thương mại được ký kết sẽ tạo ra cả cơ hội và thách thức. Cơ hội là được tiếp cận thị trường trên cơ sở bình đẳng với DN ở các thị trường tham gia ký hiệp định thương mại.
Nếu nhìn vào những thị trường đã ký hiệp định thương mại với Việt Nam, chúng ta thấy đa phần đều có sự tương hỗ cao, không cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa Việt Nam.
Ví dụ, trong trường hợp thương mại giữa Việt Nam và EU, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của EU sang Việt Nam là máy móc, công nghệ kỹ thuật cao, đây là những mặt hàng Việt Nam cần và ngược lại, EU cần những mặt hàng như nông, thủy hải sản, dệt may - những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.
Đặc biệt, tôi nhìn nhận một cơ hội gián tiếp là hiệp định thương mại tạo ra áp lực cải cách, cụ thể như yêu cầu bình đẳng giữa các DN quốc doanh với tư nhân sẽ tạo áp lực cho các DN quốc doanh tự chuyển đổi để không mãi trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Ông Phạm Hồng Hải
Còn về thách thức, thứ nhất, khi đã tham gia hiệp định thương mại tự do, chúng ta sẽ phải tuân thủ luật chơi như yêu cầu về chất lượng và quy cách của hàng hóa. Những điều này các DN phải tự chuẩn bị.
Thứ hai, các hiệp định thương mai thông thường sẽ kèm theo rất nhiều điều khoản mà chúng ta cần lưu ý. Ví dụ, hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU yêu cầu áp dụng quy tắc về xuất xứ, một điều khoản có thể gây khó cho DN Việt Nam khi chúng ta đang phải nhập khẩu nguyên liệu khá nhiều từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Thứ ba, chúng ta cần một chiến lược quốc gia đối với những ngành mũi nhọn. Điều này sẽ giúp xác định các mặt hàng chiến lược của Việt Nam và sự phối hợp, hỗ trợ đồng bộ của các bộ, ban, ngành để giúp DN có cơ sở về vốn, chiến lược, thông tin thị trường, chính sách… trước khi thâm nhập vào thị trường mới.
Ông có thể cho biết cụ thể hàng hóa Việt Nam sẽ gặp khó khăn gì?
Theo tôi, hàng hóa Việt Nam đã có sự cải cách rất nhiều về chất lượng. Thậm chí, nhiều mặt hàng của Việt Nam có chất lượng tốt hơn một số nước khác trong khu vực như Trung Quốc. Tuy nhiên, chất lượng hàng hóa chưa đảm bảo sự ổn định. Một phần vì chúng ta chưa có ngành sản xuất có quy mô, nên khi đưa hàng đi xuất khẩu phải gom từ nhiều nguồn và hàng hóa từ các nguồn khác nhau không đảm bảo đồng đều về chất lượng.
Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng các DN vừa và nhỏ đặt mục tiêu lợi nhuận lên trước hết. Họ có thể sản xuất hàng hóa với chất lượng ban đầu rất tốt, nhưng khi có nhiều khách hơn, họ lại chạy theo lợi nhuận mà không đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng đến thương hiệu hàng Việt Nam.
Ngoài ra, sản phẩm của Việt Nam chưa tạo ra thương hiệu cho khu vực. Ví dụ, nói tới cà phê Buôn Ma Thuột hay nước mắm Phú Quốc là cũng nói tới rất nhiều thương hiệu nhỏ lẻ ở từng khu vực và các thương hiệu khác nhau lại có chất lượng và hoạt động quảng bá về thương hiệu khác nhau. Điều này khiến nhiều người Việt Nam muốn mua hàng Việt Nam, nhưng lại e ngại hàng hóa không đảm bảo chất lượng, dẫn tới giảm sức mua.
Một vấn đề quan trọng là nếu không lo giữ thị trường trong nước, mà chỉ lo thâm nhập thị trường bên ngoài, sẽ dẫn tới khả năng mất “sân sau” cho hàng hóa các nước khác tràn vào. Do vậy, việc đầu tiên cần phải làm là xây dựng được thương hiệu thật tốt trên chính thị trường của mình.
Các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có cơ hội gì từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU?
Hiệp định này mở ra nhiều lĩnh vực cho các nhà đầu tư từ châu Âu, tạo điều kiện cho luồng vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam trong các lĩnh vực như dịch vụ kinh doanh, môi trường, chuyển giao thư tín, ngân hàng, bảo hiểm, vận chuyển đường biển. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy chúng ta cần có một chiến lược rõ ràng đối với đầu tư nước ngoài để có thể tạo thêm giá trị cho nền kinh tế Việt Nam, tạo công ăn việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ và cải thiện đời sống người dân.
Đối với ngành ngân hàng, theo ông, đâu là cơ hội?
Ngành ngân hàng là một lĩnh vực Việt Nam cam kết mở cửa cho đầu tư theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU. Bên cạnh đó, cơ hội cho các DN phát triển từ việc tận dụng lợi thế của hiệp định là rất lớn, từ đó kéo theo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng và mang lại cơ hội cho ngành ngân hàng. Theo một khảo sát của HSBC do Economist Intelligence Unit tiến hành năm 2014, có 86% DN tham gia khảo sát cho rằng, đơn hàng xuất khẩu của họ sẽ tăng sau khi hiệp định được ký.
Khi nền kinh tế thế giới ngày càng thâm nhập lẫn nhau và thế giới ngày càng “phẳng”, một ngân hàng toàn cầu với mạng lưới rộng khắp sẽ có cơ hội phục vụ DN tốt hơn.
Tất nhiên, áp lực đối với các ngân hàng sẽ là nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng và đa dạng hóa sản phẩm để đảm bảo tính cạnh tranh. Điều các DN FDI quan tâm không phải là lãi suất tiền gửi cao nhất, hay lãi suất vay thấp nhất, mà là dịch vụ, sự tư vấn, các sản phẩm và khả năng quản trị rủi ro, phục vụ cho hoạt động kinh doanh của họ.