FPT Shop sẽ vào tay người Thái?

FPT dự định bán mảng phân phối và bán lẻ cho đối tác tiềm năng ngay trong năm 2016, và khẳng định cơ hội là bình đẳng cho các nhà đầu tư. Nhưng liệu nhà đầu tư nào có khả năng mua FPT Shop và FPT Trading?

FPT Shop đã trở thành hệ thống bán lẻ lớn thứ 2 tại Việt Nam FPT Shop đã trở thành hệ thống bán lẻ lớn thứ 2 tại Việt Nam

Ông Nguyễn Thế Phương, Phó tổng giám đốc FPT vừa xác nhận với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn việc FPT ký hợp đồng với liên danh gồm Công ty Chứng khoán Bản Việt và Công ty Chứng khoán Nomura (Nhật Bản) làm nhà tư vấn thực hiện thương vụ bán mảng bán lẻ và mảng phân phối cho các đối tác tiềm năng.

“Chúng tôi đặt mục tiêu hoàn tất thực hiện thương vụ này trong năm 2016”, ông Nguyễn Thế Phương nói và khẳng định, cơ hội đầu tư vào FPT Shop là bình đẳng cho các nhà đầu tư.

Cơ hội là bình đẳng, nhưng liệu nhà đầu tư nào có khả năng mua lại FPT Shop và FPT Trading. Gần đây, hướng nhìn đổ dồn vào Thế giới Di động khi doanh nghiệp này đánh tiếng muốn mua lại FPT Shop. Tuy nhiên, nhiều phân tích của giới chuyên gia cho thấy, điều này là khó có khả năng xảy ra.

Lý do bởi, chuỗi FPT Shop hiện phát triển khá mạnh. Mới thành lập năm 2012, nhưng sau 4 năm phát triển, FPT Shop đã trở thành hệ thống bán lẻ lớn thứ 2 tại Việt Nam, phủ sóng toàn quốc với 252 cửa hàng tại 63 tỉnh, thành. Năm 2015, FPT Shop đạt được mức tăng trưởng nhanh nhất tập đoàn FPT, với doanh thu tăng 50% so với năm 2014, lợi nhuận trước thuế tăng 335%.

Trong khi đó, mảng phân phối của FPT có trên 20 năm kinh nghiệm hoạt động, có hệ thống quản trị tốt và hệ thống trên 1.500 đại lý trải dài trên toàn quốc. FPT Trading là nhà phân phối của trên 30 hãng công nghệ hàng đầu trên thế giới, luôn giữ vị trí dẫn đầu trên thị trường với thị phần cách biệt so với các đối thủ còn lại, và luôn duy trì tỷ suất lợi nhuận ròng trên  vốn chủ sở hữu (ROE) rất cao, năm 2015 đạt 46%.

Trong bối cảnh ấy, FPT chả vội gì phải bán FPT Shop và FPT Trading với bất kỳ giá nào. Họ hoàn toàn có thể chờ đợi một thương vụ lớn, với giá bán “chấp nhận được”, để có thêm nguồn lực phát triển cả hai mảng kinh doanh này nói riêng, và các mảng kinh doanh khác nói chung.

Năm ngoái, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015, khi được hỏi về lý do bán hai mảng này, ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT đã nhấn mạnh rằng, việc bán bớt cổ phần tại hai công ty này vào thời điểm đang hoạt động tốt sẽ “có lợi cho cổ đông”. Đang hoạt động tốt, đương nhiên giá bán sẽ cao hơn.

Một chuyên viên  phân tích của Maybank Kim Eng mới đây còn tính toán rằng, thương vụ này sẽ có giá trị ít nhất  2.300 - 2.700 tỷ đồng, tương đương 103 - 121 triệu USD. Thế giới Di động chưa chắc có đủ nguồn lực thực hiện thương vụ này.

Vậy thì khả năng FPT đang tìm một đối tác ngoại là rất lớn. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà FPT lại chọn Công ty Chứng khoán Nomura làm nhà tư vấn cho việc thực hiện thương vụ M&A của mình. Hơn nữa, trong khẳng định từ năm ngoái của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT  FPT, lẫn khẳng định mới đây của ông Nguyễn Thế Phương, “FPT chỉ thực hiện việc giảm sở hữu tại hai công ty này để tăng cường đầu tư hơn nữa vào mảng cốt lõi là công nghệ thông tin và viễn thông nhằm tận dụng được những cơ hội lớn đang có”.

“Chiến lược này cũng giúp FPT có thể tìm kiếm được các nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm kinh doanh và quản trị quốc tế để cùng đẩy mạnh sự phát triển của mảng phân phối và bán lẻ, một mảng kinh doanh gần đây đang được sự quan tâm lớn nhất là các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Nguyễn Thế Phương cũng đã khẳng định như vậy với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn . Câu chuyện còn lại, đó là nhà đầu tư ngoại nào có khả năng sở hữu FPT Shop và FPT Trading? Dư luận trước tiên sẽ hướng đến các nhà đầu tư Nhật Bản, bởi FPT hiện đang có nền tảng kinh doanh tốt tại thị trường Nhật Bản. Hơn nữa, Nomura cũng là một tên tuổi Nhật.

Nhật Bản đang nổi lên là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam trong các thương vụ M&A. Nếu năm 2011 có 18 thương vụ M&A giữa Việt Nam và Nhật Bản, năm 2012 có 17 thương vụ, thì đến năm 2013, có tới 20 thương vụ.  Theo dự báo, con số trong năm nay có thể đạt mức 30 hoặc hơn. Các nhà đầu tư Nhật Bản cũng đang rất quan tâm thị trường bán lẻ Việt Nam, mà Aeon là một ví dụ. Không chỉ đầu tư mới hệ thống của mình tại Việt Nam, Aeon cũng đã từng mua cổ phần trong chuỗi siêu thị Citimart và Fivimart của Việt Nam.

Nhưng không chỉ có Nhật Bản, Thái Lan cũng đã đối thủ đáng gờm. Ngày càng nhiều đại gia Thái Lan thực hiện các thương vụ M&A lớn tại Việt Nam để phát triển mảng bán lẻ, từ Berli Jucker (BJC) đến Central Group, rồi ThaiBev... Họ có tiền, có kinh nghiệm, trong khi thị trường Thái Lan đang bão hòa, còn  thị trường Việt Nam có quá nhiều tiềm năng để phát triển.

Tuy nhiên, đâu là cái tên tiềm năng vẫn đang nằm trong vòng bí mật. Nhưng dù là nhà đầu tư nào mua FPT Shop và FPT Trading thì đây cũng hứa hẹn là một thương vụ M&A đình đám của Việt Nam trong năm nay.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục