Thị trường nước ngoài, động lực tăng trưởng 6 tháng của FPT
Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 của Tập đoàn FPT (mã FPT) cho thấy nhiều điểm sáng: Tổng doanh thu của Tập đoàn trong giai đoạn này đạt 24.166 tỷ đồng, tăng gần 21,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khi nền kinh tế và doanh nghiệp trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thị trường nước ngoài trở thành lực đẩy của tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam này, ghi nhận 11.227 tỷ đồng doanh thu trong 6 tháng, tương đương 1.800 tỷ đồng/tháng, tăng trưởng 30,2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận từ thị trường nước ngoài đạt 1.834 tỷ đồng, tăng trưởng 34,6% so với cùng kỳ.
Điểm sáng từ hoạt động thị trường nước ngoài của FPT thể hiện qua khối lượng đơn hàng ký mới. Lần đầu tiên, khối lượng đơn hàng ký mới tại thị trường nước ngoài của FPT vượt ngưỡng 600 triệu USD chỉ sau 6 tháng, tương đương 15.017 tỷ đồng, cao hơn 28,6% cùng thời điểm năm 2022. Công ty cũng ghi nhận 13 hợp đồng có quy mô doanh số trên 5 triệu USD/hợp đồng.
Để đầu tàu không chệch đường ray
Nếu phân tích kỹ, hoạt động tại thị trường nước ngoài của FPT đâu đó vẫn có những vệt xám trong bức tranh tổng quan với gam màu tươi sáng. Giá trị hợp đồng ký mới tại thị trường nước ngoài của FPT trong 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng mạnh, nếu nhìn theo con số tuyệt đối, nhưng khi so sánh với cùng kỳ hai năm trước, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại (từ gần 37% trong năm 2021 xuống còn hơn 28% trong năm nay), do đà tăng trưởng của thị trường Mỹ và châu Âu giảm tốc.
6 tháng đầu năm 2023, thị trường Mỹ tăng trưởng 15,2%, còn châu Âu tăng trưởng 15,6%, trong khi cùng kỳ năm 2022, mức tăng trưởng của hai thị trường này tương ứng là 48,4% và 24,2%. Bù đắp vào đó là mức tăng trưởng mạnh từ thị trường Nhật Bản (tăng 39,1%), chiếm tới gần 40% doanh thu nước ngoài của FPT, bất chấp sự mất giá của đồng Yên và thị trường châu Á - Thái Bình Dương (tăng 42,5%).
Fuji Keizai Group dự báo, đến năm 2030, thị trường chuyển đổi số của đất nước mặt trời mọc sẽ tăng 2,8 lần so với 2021. Còn theo Viện Nghiên cứu Fujitsu, tới năm 2025, lĩnh vực công nghệ thông tin của Nhật Bản sẽ thiếu 430.000 nhân lực.
Dường như FPT cũng đang dồn lực để tiếp tục “công phá” thị trường quan trọng chiếm tới gần 40% tổng doanh thu mảng dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài của Công ty.
Liên tiếp trong hai tháng 6 và tháng 7, FPT đã mở thêm hai trụ sở kinh doanh và phát triển phần mềm tại tỉnh Tochigi và Shizuoka, mang đến nhiều tiện ích và giải pháp công nghệ tiên tiến cho khách hàng. Công ty cũng vừa ký thỏa thuận hợp tác với Honda nhằm phát triển các cơ hội cộng tác trong lĩnh vực quản trị dịch vụ công nghệ thông tin trên phạm vi toàn cầu.
Trước đó, Công ty cũng đã thực hiện M&A LTS - doanh nghiệp nằm trong Top 20 công ty tư vấn, quản trị kinh doanh và chuyển đổi số tại Nhật Bản với mục tiêu đạt được các hợp đồng trị giá hàng chục triệu USD. Hiện FPT là công ty công nghệ nước ngoài có quy mô nhân sự lớn nhất và đứng trong Top 50 công ty công nghệ tại Nhật Bản.
FPT cho biết sẽ có 3.000 nhân sự làm việc trực tiếp tại Nhật Bản trong năm nay và huy động sự hỗ trợ của nguồn lực tại các quốc gia khác trên toàn cầu để khai thác cơ hội thị trường, đặc biệt từ các khách hàng lớn trong các lĩnh vực như năng lượng, sản xuất ô tô, tài chính - ngân hàng…
Những bước đi trên cho thấy FPT luôn tìm cho mình những hướng đi để tạo ra dư địa tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô thế giới có nhiều biến động bất thường để hướng tới cột mốc 1 tỷ USD doanh thu từ thị trường nước ngoài và khẳng định vị thế trí tuệ Việt Nam trên toàn cầu trong kỷ nguyên số như Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên 2023: “Chúng ta đang có một vị thế và cơ hội lớn chưa từng có. Vấn đề không phải con số 1 tỷ USD, mà là chúng ta có vị thế như thế nào trong công cuộc chuyển đổi số toàn cầu”.