FPT chưa chịu sức ép trả nợ trái chủ

(ĐTCK-online) Với mức giá thực hiện chứng quyền tương đương 69.000 đồng/CP, CTCP Tập đoàn FPT sẽ khó có thể thực hiện chào bán cổ phiếu FPT đợt này do mức giá thị trường chỉ là 51.000 đồng/CP. Liệu điều này có dẫn đến nguy cơ FPT phải trả lại khoản 1.800 tỷ đồng đã vay bằng phát hành trái phiếu vào lúc này?
FPT chưa chịu sức ép trả nợ trái chủ

ĐTCK đã trao đổi với ông Nguyễn Thế Phương, Phó tổng giám đốc FPT về vấn đề này.

Thưa ông, ngày 9/10 là thời điểm các trái chủ hoặc người sở hữu chứng quyền được quyền thực hiện mua vào cổ phiếu FPT ở giá 69.000 đồng/CP. Nếu không có NĐT nào thực hiện quyền thì liệu FPT có phải chịu áp lực trả nợ 1.800 tỷ đồng lúc này?

 

Tôi khẳng định là việc các trái chủ hoặc người sở hữu chứng quyền có thực hiện quyền mua cổ phiếu hay không sẽ không gây ảnh hưởng tiêu cực nào đến tình hình tài chính của FPT.

 

Trong phương án phát hành trái phiếu năm 2009, chúng tôi không phát hành trái phiếu chuyển đổi, mà phát hành trái phiếu kèm chứng quyền. Đây là loại trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, mức lãi suất 7%/năm, tức là đến 9/10/2012 mới đáo hạn. Điều này có nghĩa là, phải đến tháng 10/2012 chúng tôi mới phải trả nợ cho các trái chủ.

 

Như vậy, FPT sẽ không còn khả năng tiềm tàng nào phát hành cổ phiếu cho những người sở hữu chứng quyền của đợt phát hành trái phiếu năm 2009?

 

Một trái chủ sẽ có 3 cơ hội để thực hiện quyền mua cổ phiếu của mình, chứ không phải chỉ có một lần vào năm nay. Có 3 đợt thực hiện quyền mua cổ phiếu là vào ngày 9/10 các năm 2011, 2012 và 2013. Tức là, nếu người nắm giữ chứng quyền không mua vào đợt này thì vẫn còn 2 lần nữa, vào ngày này năm 2012, 2013. Nếu NĐT thực hiện quyền mua cổ phiếu FPT lúc này, họ sẽ phải nộp thêm tiền vào Công ty, chứ không phải là sẽ chuyển trái phiếu thành cổ phiếu. Việc đáo nợ trái phiếu và thực hiện quyền mua cổ phiếu của NĐT là 2 việc hoàn toàn độc lập nhau.

 

Về giá phát hành cổ phiếu, chưa có mức cố định cho các năm tiếp theo. Một trái phiếu mệnh giá 1 tỷ đồng năm 2009 được phát hành kèm 1.158 chứng quyền tại thời điểm phát hành trái phiếu. Mỗi chứng quyền sẽ có quyền mua số cổ phiếu trị giá 920.250 đồng, tương đương với quyền mua 10 cổ phiếu ở mức giá 92.025 đồng/CP. Số cổ phiếu được quyền mua sẽ được điều chỉnh theo tỷ lệ pha loãng cổ phiếu của FPT trong thời gian chứng quyền còn hiệu lực. Vì vậy, ngày 28/6/2010, chúng tôi đã điều chỉnh lần 1, mỗi chứng quyền thay vì được mua 10 cổ phiếu sẽ được mua 13,324 cổ phiếu. Việc điều chỉnh này đã dẫn đến thay đổi mức giá phát hành cổ phiếu cho người sở hữu chứng quyền từ mức 92.025 đồng/CP về mức 69.067 đồng/CP.

 

Hiện nay, giá thị trường cổ phiếu FPT là 51.000 đồng/CP (ngày 4/10). Ở mức giá này, giá cổ phiếu được quyền mua theo chứng quyền đang cao hơn khoảng 35%, nên có thể sẽ không có người thực hiện quyền. Tuy nhiên, vào các năm tiếp theo thì chưa nói được, vì mức giá thực hiện quyền và tương quan với giá thị trường có thể sẽ thay đổi.

 

Về khoản 700 tỷ đồng đặt cọc mua cổ phiếu EVN Telecom nhưng thương vụ không thành, Công ty đang tiến hành thu hồi đến đâu rồi thưa ông? Liệu việc thu hồi này có gặp khó khăn khi EVN đang nợ tiền nhiều đơn vị với giá trị khoản nợ lớn? FPT có được nhận lãi và nhận lãi suất bao nhiêu đối với khoản tiền đặt cọc này?

 

Hiện tại, diễn biến vụ việc chưa có gì mới. Chúng tôi vẫn đang xúc tiến các thủ tục để sớm thu hồi khoản đặt cọc này. Về mặt pháp lý, chúng tôi vẫn cho rằng, FPT đủ cơ sở để thu hồi. Còn về tình hình tài chính của EVN, tôi nghĩ rằng, khoản 700 tỷ đồng là nhỏ so với dòng tiền thu hàng ngày của EVN, nên có thể việc FPT thu về sẽ không gặp nhiều khó khăn.

 

Về việc FPT có được hưởng lãi suất khoản đặt cọc 700 tỷ đồng này hay không, nếu có thì bao nhiêu phần trăm (%) vẫn còn là vấn đề trong quá trình đàm phán của chúng tôi lúc này.

Bùi Sưởng thực hiện
Bùi Sưởng thực hiện

Tin cùng chuyên mục