Forbes cho hay, khoản đầu tư 2 triệu USD của Việt Nam dành cho du lịch vẫn còn là quá nhỏ, chỉ bằng 2% so với các nước trong cùng khu vực như Thái Lan, Singapore và Malaysia.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất khoản đầu tư cho ngành du lịch trong nước là 5,25 triệu USD, và 13 triệu USD để thành lập quỹ xúc tiến du lịch.
Theo đánh giá của Forbes, khoản đầu tư “khiêm tốn” trên là quá nhỏ bé so với tiềm năng tham vọng của ngành du lịch Việt Nam khi muốn tăng doanh thu và lượng khách du lịch quốc tế lên gấp đôi vào năm 2020 so với con số 15,1 tỷ USD và 7,9 triệu lượt khách của năm 2015. Nếu đạt được con số ấn tượng như kỳ vọng, ngành du lịch sẽ giúp tăng trưởng GDP của Việt Nam chạm mức 10% trong 5 năm tới.
Forbes cho biết, có khoảng 70% vốn đầu tư vào du lịch do các đơn vị được hưởng lợi trong ngành đóng góp, trong đó có các hãng lữ hành, khách sạn và dịch vụ vận tải…
Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức trong việc tối ưu hóa ngành du lịch, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng, nhân lực chất lượng cao trong ngành du lịch để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch nước ngoài.
Forbes dẫn đánh giá của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại một cuộc họp về xúc tiến du lịch được tổ chức mới đây tại Quảng Nam cho biết, vấn đề nan giải của ngành du lịch Việt Nam không chỉ nằm ở vấn đề đầu tư, mà còn cả vấn đề sáng tạo. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cách thức quảng bá du lịch trong nước rất quan trọng, đồng thời đưa ra ví dụ về một video dài 9 phút giới thiệu du lịch Việt Nam bằng 9 ngôn ngữ khác nhau do Tổng Cục Du lịch (VNAT) thực hiện đã góp phần mang hình ảnh của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Phiên bản tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Trung của video này khi được VNAT đăng tải lên Youtube đã thu hút lượng truy cập lớn.
Theo số liệu thống kê, trên 70% du khách quốc tế không quay trở lại Việt Nam với nhiều lý do, trong đó có vấn đề an ninh cá nhân, tắc nghẽn giao thông, tai nạn, ô nhiễm, dịch vụ nghèo nàn...